Đồng Nai: Thành lập Hội đồng tư vấn chuyển đổi số

19:21, 14/05/2024

Từ giữa năm 2023, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định về việc thành lập Hội đồng Tư vấn chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh.

Các chuyên gia, nhà khoa học về chuyển đổi số tham quan gian trưng bày các sản phẩm, ứng dụng chuyển đổi số bên lề Hội thảo Thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số trên địa bàn Đồng Nai năm 2023. Ảnh: H.Quân.

Hội đồng Tư vấn chuyển đổi số (CĐS) có nhiệm vụ tư vấn cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về chiến lược, cơ chế, chính sách, kế hoạch, đầu tư, kỹ thuật, công nghệ, thị trường, tài chính, nguồn nhân lực, xu hướng phát triển và các nội dung có liên quan nhằm thúc đẩy tiến trình CĐS trên địa bàn tỉnh, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính. Đồng thời, xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai cách mạng công nghiệp 4.0 tại Đồng Nai.

Bám sát các tiêu chí, ưu tiên các lĩnh vực cụ thể về CĐS

Đầu tháng 5 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn CĐS tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đã chủ trì cuộc họp các thành viên Hội đồng Tư vấn CĐS tỉnh.

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng Tư vấn CĐS tỉnh gồm các chuyên gia về CĐS, đại diện các doanh nghiệp viễn thông, trường đại học đã trao đổi, phân tích những kết quả đạt được, hạn chế trong quá trình triển khai các dự án về CĐS trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung vào các vấn đề về xây dựng, quản trị cơ sở dữ liệu, việc “đặt hàng”, nêu đề bài, lựa chọn lĩnh vực để triển khai các dự án công nghệ thông tin, CĐS hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, vấn đề nâng cao các chỉ số về CĐS…

Chủ tịch Hội Tin học Đồng Nai Nguyễn Thanh Hùng chia sẻ, các dự án CĐS ở cấp huyện, thành phố trong tỉnh cần phù hợp với từng địa phương và căn cứ vào kế hoạch CĐS của tỉnh hàng năm. Đặc biệt, các dự án cần hướng tới mục tiêu phục vụ người dân trên địa bàn, cần ưu tiên nhiều hơn vào các lĩnh vực dân sinh như: y tế, giáo dục… Hiện nay, theo báo cáo thì nhiều địa phương đang có sự dàn trải khi đăng ký triển khai các dự án CĐS, đầu tư công nghệ thông tin. Ngoài ra, hầu như các địa phương mới chỉ tập trung đăng ký phần đầu tư vào hệ thống truyền thanh thông minh.

Tương tự, PGS-TS Nguyễn Quang Trung, Trưởng nhóm nghiên cứu về Quản trị chuyển đổi thông minh (Đại học RMIT), bày tỏ tỉnh cần quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai thực hiện các tiêu chí theo Quyết định số 749/QĐ-TTg (gọi tắt là Quyết định số 749) của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để đánh giá những gì làm được và chưa làm được, muốn đi đến đâu và làm sao để đi đến đó. Trong đó, địa phương cần tập trung các lĩnh vực cần ưu tiên triển khai các dự án về CĐS như: y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông - vận tải, năng lượng, tài nguyên - môi trường, sản xuất nông nghiệp…

Theo Sở Thông tin và truyền thông, đối với các dự án CĐS sử dụng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025, hiện có 16/49 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong đó có 4 dự án đang thực hiện bước lựa chọn nhà thầu thi công. 5/49 dự án đang thẩm định chủ trương đầu tư, 3 dự án xin dừng triển khai, 1 dự án kiến nghị thay đổi quy trình đầu tư. Các dự án còn lại đang hoàn chỉnh hồ sơ trình phê duyệt chủ trương đầu tư.

Chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển nguồn nhân lực

Tiến sĩ Huỳnh Văn Ngữ, chuyên gia về CĐS, bày tỏ ý kiến địa phương cần bám sát, phân tích từng tiêu chí về CĐS theo Quyết định số 749 để triển khai các dự án CĐS một các phù hợp, đảm bảo các tiêu chí. Bên cạnh đó, tỉnh cần hướng tới “đặt hàng”, nêu đề bài về các sản phẩm, giải pháp CĐS từ các chuyên gia, doanh nghiệp một cách cụ thể hơn, cũng như đẩy mạnh nguồn nhân lực về CĐS, nhất là từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn; chú trọng hệ thống cơ sở dữ liệu để thúc đẩy CĐS…

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, đối với cấp tỉnh, cần tìm ra nguyên nhân về việc CĐS ở một số lĩnh vực còn chậm, đặc biệt là vấn đề về hạ tầng công nghệ thông tin, CĐS. Đồng Nai cần lưu ý vấn đề nâng cấp trung tâm dữ liệu của tỉnh, chú trọng vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu. Trong đó, địa phương cần có phương án triển khai, vận hành trung tâm điều hành thông minh một cách hiệu quả, tiếp cận các công nghệ mới, tránh chồng chéo…

PGS-TS Nguyễn Quang Trung chia sẻ, để cải thiện, nâng cao các chỉ số về CĐS, yếu tố đầu tiên là địa phương cần dành ưu tiên cao cho triển khai chiến lược CĐS. Thứ hai là xác định đúng trọng tâm chiến lược CĐS của địa phương mình; không quá ôm đồm, không chạy theo phong trào, cần rõ ràng, cụ thể và đo lường được.

Thứ ba là việc quản trị thực thi chiến lược nói trên. Đơn cử, trong hoạt động hành chính công, không phải cứ đưa càng nhiều dịch vụ, ứng dụng trực tuyến là phản ánh trình độ CĐS mà phải có những đánh giá thực tế về hiệu quả, đánh giá xem những ứng dụng nào người dân và doanh nghiệp sử dụng nhiều, những ứng dụng người dân không sử dụng được vì phức tạp hơn cách làm truyền thống. Thứ tư là từng ngành nghề, lĩnh vực phải tập trung làm ngay những điểm nghẽn mà công nghệ và ứng dụng mới có thể giải quyết nhanh chóng.

PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, mong muốn trong thời gian tới, địa phương tiếp tục có thêm nhiều hỗ trợ trong việc triển khai các chương trình, khóa học, tập huấn về CĐS, trong đó có các khóa học về công nghệ vi mạch bán dẫn. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực về CĐS trên địa bàn…

Phó chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn CĐS tỉnh Nguyễn Sơn Hùng mong muốn các thành viên trong Hội đồng Tư vấn CĐS đóng góp nhiều ý tưởng hay, xây dựng đề tài để hiện thực hóa, ứng dụng vào thực tế giúp cho tỉnh phát triển. Các sở, ngành, đơn vị liên quan lắng nghe những góp ý, đánh giá từ các chuyên gia về CĐS; xây dựng phương án, kế hoạch phát triển các đề tài khoa học về CĐS phù hợp, hiệu quả tại địa phương./.

Theo https://mic.gov.vn

https://mic.gov.vn/dong-nai-thanh-lap-hoi-dong-tu-van-chuyen-doi-so-197240514154434975.htm