Ứng dụng công nghệ phát triển các tính năng tự lái trên ô tô
Ông Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) vừa chủ trì tổ chức Hội nghị trực tuyến Nhóm Tư vấn khu vực Á/Úc (Regional Advisory Group Asia/Australasia RAG AA) của Hiệp hội Đăng kiểm ô tô Quốc tế (CITA) với chủ đề “Xây dựng, quản lý và chia sẻ dữ liệu kiểm định xe cơ giới và xe tự lái”.
- Ứng dụng công nghệ phần mềm "Bến xe điện tử" - Giải pháp chuyển đổi số bến xe truyền thống
- 80 dự án tham giam cuộc thi Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
- Hà Nội: Ứng dụng công nghệ số trong quản lý, khai thác hạ tầng giao thông
- Ứng dụng công nghệ và GPS tại Hệ thống Giải golf Chuyên nghiệp Việt Nam
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nghiên cứu áp dụng các tính năng tự động hỗ trợ người lái.
Theo đó, các thành viên trong Nhóm Tư vấn Á/Úc đều nhận định xe tự lái là một xu hướng phát triển tất yếu của giao thông và đang phát triển trên phạm vi toàn thế giới.
Mức độ phổ biến của loại phương tiện này khác nhau ở từng quốc gia, đặc biệt là giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển bởi bởi các yếu tố như cơ sở hạ tầng, trình độ khoa học kỹ thuật, mức độ phát triển của kinh tế…
Việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nghiên cứu áp dụng các tính năng tự động hỗ trợ người lái như: cảnh báo va chạm, phanh khẩn cấp tự động, cảnh báo chệch làn đường và phát hiện điểm mù, sẽ góp phần giảm số vụ tai nạn giao thông.
Các đại diện từ Hàn Quốc, Nhật Bản phát biểu tại cuộc họp cũng cho biết, việc phát triển xe tự lái tại trên thế giới vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu do còn nhiều rào cản như: Các công ty phần mềm và công ty sản xuất ô tô còn độc lập, chưa có sự liên kết với nhau, gặp khó khăn trong việc đưa phần mềm vào xe để thử nghiệm; Giá thành phụ kiện lắp đặt trên xe để thử nghiệm còn đắt đỏ, tốc độ xử lý của máy tính còn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Các chuyên gia cũng cho rằng, hiện vẫn chưa có quy định của pháp luật cho việc sử dụng, nghiên cứu, thử nghiệm xe tự lái trên đường giao thông công cộng. Trong khi đó, điều kiện về hạ tầng giao thông đường bộ của Việt Nam còn chưa hoàn chỉnh, đồng bộ, nhiều loại phương tiện cùng tham gia giao thông trên một tuyến đường,…
Do đó, để phát triển xe tự lái tại Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng cần triển khai thử nghiệm xe tự lái theo từng cấp độ, có lộ trình cụ thể từng giai đoạn. Hiện nay, các công ty ở Việt Nam mới đang thử nghiệm cấp độ 2 và 2+.
Ngoài ra, theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, các công ty phần mềm và các hãng sản xuất ô tô cần phải có sự kết nối với nhau để nghiên cứu, thử nghiệm xe tự lái. Đồng thời, xây dựng hành lang pháp lý cho xe tự lái tham gia giao thông; nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như hệ thống đường giao thông, đèn tín hiệu, biển báo…
Đặc biệt cũng cần nâng cấp bản đồ giao thông số, khả năng truyền dẫn kết nối dữ liệu, đảm bảo xe tự lái hoạt động tốt…
Để thực hiện tất cả những vấn đề này cần lộ trình dài, không thể một sớm một chiều, tuy nhiên, khi thực hiện được sẽ giúp hỗ trợ người lái rất nhiều trong quá trình vận hành xe, góp phần đảm bảo ATGT.
Bên cạnh đó, tài xế cũng không được chủ quan, dựa hoàn toàn vào các tính năng tự lái để có thể đảm bảo kiểm soát được tất cả các tình huống phát sinh xảy ra trên đường, tránh những va chạm, TNGT không đáng có.
Chân Hoàn (T/h)