Ứng dụng hay cho ngày tựu trường
07:20, 18/08/2013
Chào đón năm học mới, hãy cùng chúng tôi điểm qua danh sách những ứng dụng hữu ích được yêu thích nhất nhằm phục vụ hỗ trợ việc học và nghiên cứu của các bạn sinh viên. Các ứng dụng này sẽ giúp việc học trở nên dễ dàng và nhẹ nhàng hơn. Chỉ cần tải về, cài đặt, sử dụng và cảm nhận những tiện ích mà chúng mang lại.
Evernote (Miễn phí)
Đơn giản như một quyển sổ tay điện tử khổng lồ. Nó đã trở nên phổ biến, thích hợp với hầu hết mọi hệ điều hành và đặc biệt có tính tuỳ biến cực cao. Đa phần người dùng đều cảm thấy hài lòng khi sử dụng Evernote như là một cuốn sổ tay ghi chú. Bạn có thể viết ra bất cứ thứ gì cần ghi nhớ thành những ghi chú riêng biệt như một bản tốc ký, một danh sách việc cần làm, bảng phân công hoặc đơn giản chỉ là một ý tưởng nào đó thoáng xuất hiện trong tâm trí. Giao diện của nó khá dễ nhìn, nhất là sau bản cập nhật mới dành cho máy tính để bàn.
Mọi ghi chú của bạn đều được đồng bộ lên “đám mây” và vì Evernote hỗ trợ sử dụng trên hầu hết các nền tảng nên người dùng sẽ dễ dàng xem và chỉnh sửa các ghi chú của mình bằng bất cứ thiết bị nào khác. Evernote còn cho phép ghi chú bằng những hình ảnh tự chụp hoặc được gửi trực tiếp từ các trang web, thuận lợi cho việc tìm kiếm cũng như chia sẻ thông qua các mạng xã hội như Facebook, Twitter hoặc Linkedin. Nếu muốn truy cập mà không cần kết nối mạng (offline), người dùng sẽ cần phải mua một tài khoản cao cấp (với giá khoảng 100.000 đồng/tháng hoặc 900.000 đồng/năm). Tuy nhiên, thật ra thì bản miễn phí của Evernote cũng đã quá đủ để chúng ta kịp thời ghi lại những ý tưởng hàng ngày của mình rồi.
Wunderlist (Miễn phí)
Trong khi Evernote mang đến cho ta một ứng dụng ghi chú đáng khen ngợi thì vẫn còn những ứng dụng khác hỗ trợ nhiều giải pháp hơn nhằm giúp người dùng có thể làm việc một cách trôi chảy. Và đó là Wunderlist, một ứng dụng đơn giản, hấp dẫn và miễn phí tương thích với các hệ điều hành từ iOS, Android, Windows đến cả Mac. Cũng như Evernote, các danh mục của người dùng sẽ được đồng bộ thông qua công nghệ điện toán đám mây. Điều đó có nghĩa bạn có thể tạo một ghi chú thông qua ứng dụng trên trang web Wunderlist, xem lại nó bằng một phần mềm trên máy tính và tạo một ghi chú khác bằng điện thoại. Nó sẽ nhắc nhở bạn những việc cần làm cho dù bạn ở bất cứ đâu vào bất cứ khi nào.
Wunderlist cung cấp hầu như đầy đủ các tính năng cần thiết cho một ứng dụng nhắc nhở công việc. Bạn có thể chia nhỏ thành những phần khác nhau như các nhắc nhở cho công việc, cho cá nhân và bất cứ lĩnh vực nào khác cùng những ghi chú riêng cho từng mục.
Tuyệt vời hơn nữa, trong trường hợp quên đi lịch làm việc, Wunderlist có thể gửi đến bạn thông báo các việc cần phải làm tại những thời điểm nhất định dựa vào thời hạn mà bạn đã đánh dấu trong các ghi chú. Tất cả đều hoạt động trên một giao diện rõ ràng, dễ dàng tuỳ chỉnh mà bất kỳ ai cũng có thể làm quen ngay từ lầu đầu sử dụng. Và mặc dù tài khoản cao cấp với những chức năng hỗ trợ tốt hơn đòi hỏi việc nâng cấp với một mức phí tương đương Evernote nhưng phiên bản miễn phí của Wunderlist cũng đã quá hữu dụng với những cá nhân cần một ứng dụng hỗ trợ tốt cho công việc của mình.
Kindle (Miễn phí)
Bắt đầu một năm học mới cũng có nghĩa là sẽ tiếp tục phải đọc nhiều sách và tài liệu học tập khác. Vậy tại sao không làm việc ấy trở nên nhẹ nhàng hơn cả với trọng lượng lẫn tinh thần bằng cách sử dụng công nghệ hiện đại ngày nay? Có vô số ứng dụng đọc sách điện tử (eBook) nhưng chắc không ứng dụng nào qua mặt được Kindle của Amazon. Cũng như những ứng dụng được đề cập trong danh sách này, Kindle có khả năng đồng bộ thư viện và cả vị trí trang đang đọc lên hệ thống lưu trữ đám mây. Nhờ vậy, người dùng sẽ dễ dàng đọc tiếp nội dung trên điện thoại, máy tính bảng hoặc laptop. Giờ đây, bạn sẽ không còn bị những cơn đau lưng do phải ngồi lâu hành hạ nữa!
Kindle hỗ trợ một thư viện với hơn 1 triệu đầu sách điện tử, bao gồm sách giáo khoa và cả những tác phẩm, tiểu thuyết mà giảng viên yêu cầu bạn cần nghiên cứu thêm. Bạn sẽ tiết kiệm được một khoản kha khá do hầu hết đều được phép tải về máy hoàn toàn miễn phí và ngay cả khi phải trả tiền thì hệ thống Amzon cũng sẽ tính mức giá thấp hơn so với bên ngoài hiệu sách.
Ngoài ra, Kindle còn hỗ trợ cả chức năng tìm và tra từ giúp người dùng tìm kiếm thêm thông tin về một từ hoặc một đoạn văn ngay khi đang đọc. Nếu muốn, bạn có thể đánh dấu, ghi chú và chia sẻ những đoạn hấp dẫn với những người khác. Giao diện với nhiều phông chữ, kích thước khác nhau cùng hiệu ứng chuyển động khi sang trang (không chỉ âm thanh sột soạt quen thuộc thôi đâu nhé) và cả màu sắc phần hình nền đều có thể tuỳ chỉnh theo ý thích của người dùng là những trải nghiệm tuyệt vời. Do vậy, nếu không quá yêu cảm giác đọc sách truyền thống thì hãy cùng gia nhập thế giới của những người sử dụng sách điện tử đi thôi.
Wolfram|Alpha (iOS, Android: 3 USD, Web: Miễn phí)
Được biết đến như hệ thống thông tin nhằm hỗ trợ Siri cho người dùng iPhone. Nhưng trên thực tế, đây là một ứng dụng sẵn sàng cung cấp cho bạn những lời giải thích cho bất cứ vấn đề gì từ toán cao cấp, thiên văn học, khoa học đời sống đến cả các câu hỏi về vấn đề sức khoẻ và tác dụng của các loại thuốc. Chỉ cần nhập vào thắc mắc của mình, người dùng sẽ nhận được lời giải đáp ngay sau đấy. Đây đơn giản là một công cụ tìm kiếm khổng lồ.
Hiện tại nó chỉ mới cung cấp cho bạn các thông tin về khoa học như tính toán lượng giác hoặc áp suất hơi của khí ethanol tại 300oK nhưng trong thời gian tới, ứng dụng này sẽ mở rộng sáng các lĩnh vực khác như thể thao, âm nhạc và văn hóa. Mặc dù vẫn đang được phát triển, hiện ứng dụng này cũng đang giúp chúng ta bớt những cơn đau đầu khi gặp phải những vấn đề nghiên cứu khó khăn. Bạn sẽ phải trả 3 USD để cài đặt ứng dụng này trên hệ điều hành iOS và Android còn nếu dùng trên web thì sẽ hoàn toàn miễn phí. Đây thật sự là một chi phí quá rẻ để mở cánh cửa dẫn đến nguồn tri thức của nhân loại.
Google Drive (Miễn phí)
Mỗi khi nghe đến cụm từ ứng dụng văn phòng chắc chúng ta sẽ nghĩ ngay đến Microsoft Office vì một lí do đơn giản: đó vẫn là một phần mềm hỗ trợ đầy đủ tất cả các chức năng soạn thảo văn bản nhất hiện nay. Nhưng để sử dụng các bộ soạn thảo Word, Excel hoặc PowerPoint, người dùng dù là cá nhân hay công ty đều phải trả một chi phí nhất định. Đây là một vấn đề đối với các sinh viên có kinh phí eo hẹp và họ có thể chọn một giải pháp khác. Nếu không muốn trả một khoản phí lên đến 140 USD hoặc nếu thường xuyên lên mạng khi đang soạn thảo văn bản, chúng tôi đề xuất một giải pháp thay thế hiệu quả, đó là Google Drive.
Đặc tính của ứng dụng này là phải online, có nghĩa là nếu không có kết nối Internet thì Google Drive chỉ cho phép bạn xem những file có sẵn của mình, có nếu muốn chỉnh sửa hoặc tạo một file mới thì bắt buộc bạn phải kết nối Internet (nếu điều này thật sự làm bạn khó chịu thì bạn nên tìm một giải pháp khác như LibreOffice). Thật ra nhược điểm này cũng không còn quá nghiêm trọng trong thời đại ngày nay khi Internet đang là một điều tất yếu trong cuộc sống và nền tảng dữ liệu dựa trên công nghệ điện toán đám mây giúp bạn có thể làm việc với các văn bản của mình thông qua các ứng dụng ngay trong các hệ điều hành iOS và Android.
Bộ ứng dụng văn phòng này còn trở nên hiệu quả hơn khi bạn làm việc nhóm, vì nó như một tờ giấy thật lớn để các bạn cùng chia sẻ và triển khai các văn bản cùng một lúc, đưa ra những điều chỉnh trực quan và nêu lên ý kiến của bản thân mình. Thêm vào đó việc lưu giữ trực tuyến khiến bạn quên đi nỗi lo bỏ quên văn bản của mình trong đống hồ sơ tài liệu xung quanh. Công nhận là Drive vẫn chưa được phát triển hoàn hảo như Word, Excel và PowerPoint nhưng với một giao diện dễ nhìn, dễ dùng cùng với nhiều hỗ trợ hiện tại thì nó vẫn đáp ứng được các nhu cầu hằng ngày của người sử dụng (cả sinh viên và các người dùng chuyên nghiệp). Và bạn nên nhớ rằng nó hoàn toàn miễn phí.
Textmaker (5 USD)
Ngoài Google Drive được biết đến như một bộ ứng dụng văn phòng hữu dụng dành cho đa số sinh viên nói chung, vẫn còn một số ứng dụng có thể hỗ trợ chức năng soạn thảo văn bản trên các thiết bị di động. Đối với hệ điều hành Android, người dùng có thêm sự lựa chọn là Textmaker, công cụ soạn thảo gần như tốt nhất trên hệ điều hành của Google. Ứng dụng này có thể làm được những điều cơ bản mà một bộ soạn thảo văn bản làm được như in đậm, in nghiêng, gạch chân, sao chép, cắt dán và đánh dấu những nội dung chính, tìm kiếm từ, đổi phông chữ cũng như việc theo dõi văn bản cùng với điều chỉnh và bình luận trực tiếp vào văn bản. Việc nhập liệu của phần mềm này cũng khá dễ dàng.
Có thể giao diện gồm 1 bảng điều chỉnh chính và 1 bảng phụ không thật sự đẹp mắt nhưng vẫn mang lại những cảm giác trực quan và hiệu quả khi làm việc. Điểm đáng khen ngợi là nó tương thích với khá nhiều phần mềm khác nên người dùng có thể lưu trữ trực tiếp văn bản lên Dropbox, Evernote, SkyDrive hoặc GoogleDrive. Bạn còn có thể chỉnh sửa một văn bảng định dạng Microsoft Word mà không gặp khó khăn gì vì phần mềm này hỗ trợ nhiều loại văn bản. Làm được những điều như thế chỉ trên một thiết bị di động liệu có phải là chuyện dễ dàng? Hoàn toàn không, nhưng Textmaker lại đáp ứng được điều đó với giá chỉ 5 USD. Càng thú vị hơn khi nó sẽ giúp thiết bị Android của bạn tương tác tốt với công dụng của Google Drive.
iA Writer (iOS: 1 USD, Mac: 5 USD)
Bây giờ chúng ta sẽ đề cập đến một ứng dụng soạn thảo văn bản trên iOS với tên gọi iA Writer, một ứng dụng không có quá nhiều hỗ trợ tuỳ chỉnh nhưng lại rất tuyệt vời về mặt soạn thảo văn bản trên điện thoại di động. Trái ngược với Textmaker, iA Writer chỉ hỗ trợ các định dạng và điều chỉnh cơ bản bên cạnh khả năng hiển thị toàn màn hình giúp tiếp cận trực tiếp với văn bản một cách tốt nhất. Nó kết hợp với bàn phím trên hệ điều hành iOS tạo nên sự thuận tiện trong soạn thảo các dấu câu như dấu hai chấm, dấu chấm phẩy và dấu ngoặc kép mà không cần thêm sự trợ giúp rườm rà nào khác.
Và một ưu điểm nữa là việc sử dụng iA Writer đơn giản, nhanh và thao tác mượt mà với những dòng chữ nhập liệu màu đen quý phái trên một hình nền được tiết chế cực đại để không làm rối mắt người dùng. Đối tượng mà ứng dụng này nhắm đến là người dùng iOS và Mac nên bạn có thể tải ứng dụng này về các thiết bị trên đồng thời đồng bộ dữ liệu của nó vào iCloud hoặc Dropbox để có thể sử dụng trên các thiết bị Apple. Nếu sử dụng iA Writer, bạn sẽ nhận ra rằng nó gần như khác biệt hoàn toàn với Microsoft Word, nhưng đối với một người chấp nhận tối giản tất cả chỉ để tập trung vào nhiệm vụ chính thì đây quả là một ứng dụng đem lại sự hài lòng cao.
Dictionary (Miễn phí)
Theo đúng như tên gọi của nó, ứng dụng Dictionary miễn phí của trang Dictionary.com không chỉ giúp chúng ta tra nghĩa của từ thay cho một cuốn từ điển nặng nề trước đây mà nó có giúp tiết kiệm thời gian tìm kiếm trong hàng loạt kết quả của Google đưa ra.
Với tên gọi Dictionary có lẽ sẽ gây một sự hiểu lầm nhỏ nếu bạn nghĩ nó chỉ cung cấp ý nghĩa của một từ như một cuốn từ điển thông thường. Thật ra, ứng dụng này cung cấp cho bạn tất cả những định nghĩa về từ đó kèm theo là những từ đồng nghĩa và trái nghĩa, cũng như khả năng tìm kiếm bằng giọng nói, tra ra được nguồn gốc của từ, cách viết tắt, các thành ngữ và tiếng lóng liên quan cũng như cách phát âm và cách sử dụng chính xác nhất. Đây không chỉ là một ứng dụng từ điển mà còn cung cấp nhiều thứ về từ ngữ hơn bạn tưởng nhiều với giá hoàn toàn miễn phí nên thật khó để từ chối ứng dụng này.
Dropbox (Miễn phí)
Dịch vụ lưu trữ đám mây ngày càng xuất hiện nhiều trên Internet và thật sự không thể nói rằng bạn đã sai khi lựa chọn Box, Google Drive, SkyDrive, SugarSync hay bất cứ đối thủ cạnh tranh nào khác của Dropbox. Nhưng đó là một ứng dụng phổ biến mà lại đơn giản nhất vì nó có mặt ở khắp mọi nơi. Nếu có bất cứ một thiết bị thông minh thuộc trào lưu hiện nay, bạn đều có thể lưu tài liệu, hình ảnh, phim hoặc bất cứ tập tin định dạng bất kỳ lên máy chủ của Dropbox và sau đó chỉ cần có kết nối Internet là bạn có thể truy cập vào chúng từ bất cứ nơi đâu.
Và bởi vì nó có thể sử dụng ở khắp nơi như thế (đây cũng là đặc tính chung của các ứng dụng mà chúng tôi muốn giới thiệu) nên bất cứ nhà phát triển ứng dụng nào cũng tích hợp Dropbox như một lựa chọn lưu trữ hiển nhiên mà bạn có thể sử dụng trong các sản phẩm của họ. Tham vọng của các nhà phát hành Dropbox là sẽ thay thế hoàn toàn các bộ nhớ trong thông thường và với đà phát triển hiện tại, có lẽ điều đó cũng không còn quá xa. Rõ ràng là nó dễ sử dụng và quản lý. Đồng ý là đa số các đối thủ cạnh tranh của Dropbox cung cấp dung lượng cao hơn con số 2GB mà nó đang hỗ trợ miễn phí nhưng cũng phải cần khá nhiều dữ liệu để có thể dùng hết dung lượng ấy, và trong trường hợp như vậy, nhà phát triển Dropbox cũng cung cấp khá nhiều lựa chọn để nâng cấp dung lượng lưu trữ. Dù sao đi nữa, cũng nên nhớ, Dropbox là một sản phẩm tin cậy mỗi khi bạn muốn lưu trữ bài vở.
Fantastical (iOS: 5 USD , Mac: 20 USD)
Nếu đang là sinh viên bận rộn với lịch học và các hoạt động ngoại khóa, có lẽ các ứng dụng nhắc việc hoặc ghi chú khó có thể làm bạn hài lòng, khi ấy bạn sẽ cần một cuốn lịch để bàn để giúp sắp xếp công việc. Với những người sử dụng hệ điều hành Android, có lẽ ứng dụng mặc định Google Calendar đủ để đáp ứng nhu cầu đó, nhưng với iOS, bạn sẽ phải bỏ ra 5 USD. Fantastical - một sự thay thế cho một cuốn lịch để bàn với chức năng thiết lập các cuộc hẹn hiệu quả mà tiết kiệm thời gian. Khả năng đặc biệt của nó là có thể tự động tạo ra một sự kiện bằng các dữ liệu thông thường, có nghĩa là nó sẽ ghi nhớ giùm bạn cuộc hẹn sắp tới và tất cả thông tin quan trọng cho cuộc hẹn đó mà không còn sự can thiệp quá nhiều từ chính người dùng.
Như thế này, chỉ cần bạn viết ra dòng chữ “kiểm tra quan trọng vào thứ 4 tuần tới lúc 10” thì Fantastical sẽ tự động đánh dấu cuộc kiểm tra tuần tới vào thứ 4 cùng với thời gian và địa chỉ chính xác. Và thật ra, bạn cũng không cần viết ra mà chỉ việc ra lệnh bằng giọng nói. Chỉ cần dành ra một phút để làm quen với giao diện của nó và bắt đầu sử dụng ngay thôi. Cũng khá tốn kém khi cùng cài đặt ứng dụng trên cả thiết bị iOS và máy Mac nhưng điều này sẽ giúp các thông tin quan trọng được đồng bộ hoàn toàn. Nếu không hài lòng với ứng dụng Calendar mặc định của Apple thì đây quả thật là một sự thay thế hoàn hảo.
Graphing Calculator (Miễn phí)
Trong thời đại mà các điện thoại thông minh trở nên quen thuộc với người dùng, việc vẫn còn tồn tại những chiếc máy tính điện tử bỏ túi kiểu cũ là đáng ngạc nhiên. Trong khi ta vẫn đánh giá cao hiệu quả của những sản phẩm công nghệ đời đầu ấy thì cũng đã đến lúc thay thế chúng bằng hai ứng dụng dưới đây.
Ứng dụng Graphing Calculator miễn phí của William Jockusch trên iOS và ứng dụng Graphing Calculator miễn phí cho Android của Mathlab cùng dùng chung một cái tên và cùng mang những đặc tính của những chiếc máy tính điện tử bỏ túi. Nếu đã từng sử dụng một cái máy tính như vậy, bạn sẽ nhận thấy công dụng của 2 ứng dụng này trong việc dễ giải các phương trình bậc hai hoặc các phép tính có dấu căn, và trên ứng dụng dành cho Android, bạn còn có thể lưu lại đồ thị để tiếp tục sử dụng cho các lần sau. Về cơ bản, công dụng của 2 ứng dụng này giống y như chiếc máy TI-86 nhưng được tích hợp sẵn vào chiếc điện thoại và miễn phí. Đã đến lúc chúng ta phải nâng cấp rồi.
Mai Anh