GS. Vũ Hà Văn cho rằng: "Hiện nay chỉ 30% cử nhân CNTT có thể làm việc liên quan đến AI, còn đâu đều phải đào tạo lại
Tại toạ đàm trực tuyến “Đào tạo nhân lực trí tuệ nhân tạo”, GS. Vũ Hà Văn cho rằng: "Hiện nay chỉ 30% cử nhân CNTT có thể làm việc liên quan AI, còn đâu đều phải đào tạo lại. Bởi AI rất cần những kỹ sư "thực chiến" và người đứng đầu tinh hoa".
Phát biểu trong buổi toạ đàm, GS. Vũ Hà Văn - Giám đốc Khoa học Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn Vingroup (VinBigdata) cho biết: “Theo thống kê nhu cầu về chuyên gia hoặc là chuyên viên về AI hiện nay là rất cao và nó sẽ tiếp tục cao trong một số năm tiếp theo. Thế nhưng, kết quả khảo sát cho thấy, chỉ 30% cử nhân công nghệ thông tin tốt nghiệp có thể làm việc liên quan đến AI, còn lại phải tiếp tục đào tạo mới có thể trở thành chuyên gia thành thạo”.
Theo GS. Vũ Hà Văn: "Chỉ 30% cử nhân CNTT có thể làm việc liên quan AI".
Với góc nhìn của 1 người tuyển dụng, GS. Văn đã chỉ ra những nguyên nhân như: Thứ nhất, đó là sự khác biệt giữa đào tạo AI, việc làm bài tập ở đại học và trong thực tế. Thứ hai, là sinh viên ít có cơ hội tham gia thực chiến trong cái dự án lớn, dự án làm ra sản phẩm thật. Bởi khi làm một cái sản phẩm thật thì kỹ năng đòi hỏi rất khác để làm một cái bài tập về nhà.
Trước thực trạng trên, GS. Văn cũng đã đưa ra giải pháp rằng cần xây dựng chương trình đào tạo kỹ sư AI như một "case study" – tức là những cái gì đáng làm và cái gì không đáng làm.
Đồng thời, cũng trong buổi toạ đàm, GS. Vũ Hà Văn đã giới thiệu về Chương trình đào tạo kỹ sư AI của Vingroup. Tại đây các giảng viên sẽ dạy tất cả các môn cùng một lúc và cho sinh viên thấy là môn này ghép lại tạo thành một bức tranh như thế nào để đến cuối cùng có thể trở thành một sinh viên AI.
Vingroup xây dựng chương trình đào tạo kỹ sư AI dành cho sinh viên sắp ra trường tại viện VinBigdata như một "case study".
Tiếp đó, sau khi các bạn đã tốt nghiệp giai đoạn một thì sẽ được trải nghiệm trong môi trường làm việc thật và chuyên nghiệp. “Chúng tôi sẽ phân các sinh viên về các nhóm làm công nghệ ở Vingroup, VinBigdata hoặc VinAI,… và sẽ được tham gia thực chiến vào các dự án công nghệ lớn tầm quốc tế” – GS. Văn nói.
Chương trình này giúp xây dựng đội ngũ kỹ sư công nghệ chất lượng cao có kỹ năng giải quyết bài toán thực tiễn, đáp ứng nhu cầu nguồn lực. Đồng thời đào tạo tinh hoa để nâng tầm khoa học công nghệ Việt Nam.
GS. Văn cho biết, hơn 90% sinh viên khá giỏi sau khi tham gia chương trình này đều có thể được giữ lại làm việc tại tập đoàn Vingroup với mức lương cao hơn 2-3 lần sinh viên mới ra trường. Trong tương lai, học có thể trở thành chuyên gia độc lập, dẫn dắt startup loại nhỏ.
Các chuyên gia thảo luận tại buổi tọa đàm.
Ở một khía cạnh khác, trong khuôn khổ chương trình, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực đưa ra nhiều góc nhìn trong việc xây dựng nguồn lực trí tuệ nhân tạo (AI), thực trạng đào tạo nhân lực, kỹ sư AI tại Việt Nam, cũng như đưa ra giải pháp, đề xuất phát triển lực lượng quan trọng trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.
Tại buổi thảo luận, các chuyên gia thống nhất, thành công của Chiến lược quốc gia về AI phụ thuộc vào việc triển khai ở các lĩnh vực khác nhau, đào tạo lực lượng tinh hoa, thành thạo và có thể phát triển những thuật toán mới về AI.
PV