Viễn thông - Cơ cấu lại để phát triển bền vững
14:00, 09/01/2013
Thị trường viễn thông Việt Nam năm 2012 đã phải chứng kiến cảnh “người ở, kẻ đi” trước sự cạnh tranh quyết liệt: Viễn thông điện lực (EVN Telecom) do kinh doanh thua lỗ, sáp nhập với Viettel, sự “tháo chạy” khỏi Việt Nam của mạng Beeline hay cảnh “chết lâm sàng” đang diễn ra tại mạng S - Fone. Bức tranh viễn thông năm 2013 sẽ có “hình hài” ra sao, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Ông Lê Nam Thắng xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa Thứ trưởng, cách đây 2 năm, ông có dự báo rất sát về xu hướng sáp nhập của những nhà mạng yếu kém diễn ra trong năm qua. Phải chăng đó là hệ quả của sự phát triển không bền vững, thưa ông?
Ông Lê Nam Thắng: Thị trường viễn thông Việt Nam đang được đánh giá là một trong những thị trường cạnh tranh nhất trong khu vực: Chất lượng ngày càng cao, giá cước ngày càng giảm. So với các nước châu Âu và ASEAN+3 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) thì chất lượng và giá cước viễn thông của thị trường Việt Nam đứng số một về giá cước rẻ nhất (về giá trị tuyệt đối; còn mức giá trên thu nhập đầu người vẫn đứng thứ 4 - 5). Khả năng truy nhập của người dân đến các dịch vụ viễn thông cũng rất thuận lợi, vùng sâu, xa cũng có khả năng sử dụng dịch vụ di động và Internet. Nhiều nước phát triển, đang phát triển khác cũng không dễ làm được điều này.Tuy nhiên, viễn thông Việt Nam cũng bộc lộ nhiều yếu tố thể hiện sự không bền vững như: Tập đoàn Vimpelcom (Nga) đã rút khỏi Việt Nam bằng việc bán rẻ cổ phần cho Công ty cổ phần di động GTel Mobile sau khi tập đoàn này không thấy có cơ hội phát triển; sự lao dốc “không phanh” của mạng S - Fone. Những vấn đề trên đã thể hiện môi trường công nghệ thông tin truyền thông ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, yếu kém.
Tuy nhiên tôi cho rằng: Sự chuyển biến, cơ cấu lại thị trường cũng sẽ giúp cho viễn thông Việt Nam trong thời gian tới phát triển bền vững hơn. Các doanh nghiệp (DN) yếu chắc chắn từng bước rút khỏi thị trường thông qua mua bán, sáp nhập, phá sản và bị thu hồi giấy phép (Bộ TT - TT đã thu hồi giấy phép cung cấp dịch vụ di động ảo của Đông Dương Telecom do không triển khai cung cấp dịch vụ sau thời gian quy định - PV). Đây là xu hướng trong bối cảnh Nhà nước, Chính phủ đang định hướng cơ cấu lại thị trường. Năm 2013 sẽ tiếp tục thể hiện rõ nét những vấn đề này.
PV: Việc một vài nhà mạng nhỏ “khai tử”, tháo chạy hay đang “sống dở, chết dở” tại Việt Nam có liên quan tới trách nhiệm, vai trò của Bộ TT - TT không, thưa ông?
Ông Lê Nam Thắng: Trước hết tôi khẳng định, chính sách phát triển viễn thông của Việt Nam là tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, công khai minh bạch theo đúng điều ước quốc tế. Việc DN viễn thông nước ngoài đầu tư không thành công tại Việt Nam có thể do họ thiếu kinh nghiệm hay tiềm lực...
Đối với mạng di động S - Fone đang gặp khó khăn hiện nay thì việc quyết định tiếp tục kinh doanh, tuyên bố phá sản hay rút khỏi thị trường là do DN hoàn toàn quyết định, Bộ TT - TT không thể quyết định thay được. Theo tôi, nếu công ty quá yếu kém có thể tuyên bố phá sản hoặc cũng có thể liên kết, sáp nhập với DN mạnh hơn.
Để đảm bảo thị trường viễn thông không đổ vỡ khi DN viễn thông rút khỏi thị trường, Bộ TT - TT sẽ đề xuất nhiều phương án, cụ thể, nếu hoạt động không hiệu quả, Bộ TT - TT sẽ rút giấy phép của DN đó (như trường hợp của Đông Dương Telecom - sau khi rút giấy phép, DN vẫn tồn tại nhưng kinh doanh ở lĩnh vực khác chứ không hoàn toàn xóa bỏ); hay cơ cấu lại DN nhà nước theo hình thức sáp nhập (như: EVN Telecom chuyển về Viettel), chỉ giữ lại những DN thực sự có năng lực hoạt động. Bộ TT - TT sẽ có nhiều giải pháp, tùy từng trường hợp cụ thể để quyết định theo đúng Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, trong đó hình thành thị trường cạnh tranh có ít nhất 3 DN trở lên. Quy hoạch này sẽ giúp thị trường viễn thông phát triển một cách bền vững, hiệu quả trên cơ sở tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Tin tức