Việt Nam dẫn đầu chuyển đổi thanh toán số ở Đông Nam Á

13:36, 20/03/2024

Việt Nam dẫn đầu chuyển đổi thanh toán số ở Đông Nam Á với 88% người tiêu dùng đã chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt trong năm 2023. Làn sóng nền kinh tế không dùng tiền mặt tại Việt Nam đang mang đến nhiều tiềm năng tăng trưởng và đổi mới, mở ra cơ hội cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Người dùng trẻ tiên phong thúc đẩy đà tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt

Báo cáo Nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng do Visa thực hiện cho thấy làn sóng tăng trưởng ấn tượng của các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, mở ra tương lai đầy tiềm năng của ngành hàng tiêu dùng bán lẻ. 

Theo Visa, xu hướng chuyển đổi sang các phương thức thanh toán điện tử hiện đại đang ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam.

Theo đó, nghiên cứu cho thấy 56% người dùng Việt tham dự khảo sát cho biết ít mang theo tiền mặt hơn so với năm trước. Khảo sát 1.000 người tiêu dùng Việt Nam cho thấy thời gian trung bình không sử dụng tiền mặt trong một tháng lến đến 11 ngày liên tiếp, trong khi năm 2022 con số này chỉ ở mức 3 ngày.

Điều này thể hiện sự chủ động nắm bắt các công nghệ tài chính mới của người tiêu dùng. Đặc biệt, người dùng trẻ Gen X và Gen Y hiện đóng vai trò như thế hệ tiên phong thúc đẩy đà tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt, với 89% người tham gia khảo sát đã tiếp cận thành công các phương thức thanh toán kỹ thuật Số trong đời sống hàng ngày.

Giới trẻ chủ động nắm bắt các công nghệ tài chính mới.

Theo Visa, đà tăng trưởng của phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt qua mã QR và ví điện tử, có thể nhận thấy rõ ở các lĩnh vực như thực phẩm và ăn uống (F&B), bán lẻ và cửa hàng tiện lợi.

Trong khi đó, tại Payoo, đơn vị trung gian thanh toán này ghi nhận hình thức thanh toán bằng mã QR giữ vị trí số 1 về tốc độ tăng trưởng trong năm 2023. Số liệu của Payoo cho thấy giá trị giao dịch bằng mã QR tăng gấp 3 lần trong khi giao dịch thẻ nội địa chỉ tăng hơn 10%, thẻ quốc tế tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi các giao dịch sử dụng thẻ quốc tế thường phổ biến với những đơn hàng giá trị cao thì mã QR lại được ưa chuộng khi thanh toán đơn hàng giá trị nhỏ. Giao dịch thanh toán được thực hiện bằng mã QR với giá trị dưới 100.000 đồng qua hệ thống Payoo trong năm 2023 tăng trưởng gấp 5 lần so với 2022.

Mặt khác, theo đơn vị này, nếu như trước đây tỷ lệ thanh toán tại cửa hàng thường cao gấp 3 lần so với trực tuyến, thì trong thời gian ngắn gần đây, thanh toán hoá đơn trực tuyến qua ứng dụng ngân hàng, ví điện tử không những đuổi kịp mà có lúc vượt qua thanh toán tại cửa hàng.

"Nhiều người dân đã chủ động cài đặt tính năng thanh toán tự động qua ứng dụng ngân hàng để xử lý các hóa đơn cố định hàng tháng như điện, nước, truyền hình, internet... thay vì chờ đợi nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ đến thu tiền tận nhà. Đây là bước chuyển mình rất lớn và dự kiến xu hướng này sẽ còn tiếp tục phát triển trong thời gian tới", đại diện Payoo chia sẻ.

Bên cạnh đó, mua sắm tại cửa hàng cũng đang chứng kiến nhiều thay đổi đáng kể khi nhiều đơn vị bán lẻ ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để mang đến trải nghiệm mua sắm mới mẻ cho người dùng, từ đó hướng tới thúc đẩy doanh thu.

Nghiên cứu từ Visa cho thấy những xu hướng thanh toán đang định hình nền kinh tế không dùng tiền mặt tại Việt Nam đồng thời mở ra bước tiến quan trọng hứa hẹn sẽ mang tới sự chuyển đổi đáng kể cho bối cảnh thanh toán-tài chính trong thời gian tới đây.

Cơ hội cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp

Cũng trong nghiên cứu này, Visa cho biết Việt Nam góp mặt trong tốp đầu những thị trường Đông Nam Á đón nhận đông đảo lượt người dùng mới sử dụng ví điện tử như một phương thức thanh toán yêu thích, góp phần thúc đẩy tăng trưởng Tài chính Số. Báo cáo cho thấy cứ 5 người thì có ít nhất 4 người tiêu dùng Việt sử dụng ví điện tử thường xuyên, trong đó phần lớn là thế hệ người dùng Gen X và nhóm tiêu dùng hạng sang.

Hiện tại, cứ 100 giao dịch qua Visa sẽ có 65 giao dịch là thanh toán không chạm (contactless payment). Đại diện Visa hy vọng vào cuối năm nay, tất cả các thẻ được phát hành sẽ hỗ trợ thanh toán không chạm và tất cả các máy đều có khả năng chấp nhận loại thẻ này. Từ đó giúp các trải nghiệm của người tiêu dùng đối với thanh toán không tiếp xúc được đồng nhất, nhanh và thuận tiện.

Thanh toán không chạm (contactless payment) ngày càng phổ biến.

Cũng theo Visa, mua trước trả sau đang ngày một phổ biến rộng rãi và được nhiều người dùng Việt Nam quan tâm, nhờ khả năng mang đến những phương án thanh toán linh hoạt. Quan hệ đối tác chiến lược giữa Visa với các nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam trong giải pháp trả góp Visa (Visa Instalment Solutions) là một ví dụ cho những tác động mang tính bước ngoặt của những loại hình thanh toán số đa dạng hiện nay trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện và tăng trưởng kinh doanh.

Thẻ tín dụng, tuy ít được sử dụng để nạp tiền cho ví điện tử, nhưng đổi lại trở thành lựa chọn ưu tiên hàng đầu cho thanh toán mua trước trả sau tại Việt Nam. Cùng với ứng dụng dễ sử dụng, mã giảm giá miễn phí, chương trình điểm thưởng và khả năng theo dõi thanh toán dễ dàng là một loạt những động lực chính gia tăng việc sử dụng dịch vụ mua trước trả sau.

Làn sóng nền kinh tế không dùng tiền mặt tại Việt Nam đang mang đến nhiều tiềm năng tăng trưởng và đổi mới, mở ra cơ hội cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp trong bối cảnh thanh toán không dùng tiền mặt đang thay đổi từng ngày.

Hiện tại, Việt Nam là thị trường đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á có 4 nền tảng thanh toán toàn cầu bao gồm Samsung Pay, Google Pay, Apple Pay và Garmin Pay. Với đà phát triển này, đại diện của Visa kỳ vọng xu hướng thanh toán không chạm tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

 Theo Tạp chí Thương Trường

https://thuongtruong.com.vn/news/viet-nam-dan-dau-chuyen-doi-thanh-toan-so-o-dong-nam-a-118491.html#google_vignette