Việt Nam mong muốn trở thành một phần trong chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn toàn cầu
Ngày 10/5/2023, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Tọa đàm “Tăng cường cơ hội hợp tác đầu tư giữa Trung tâm vi điện tử liên đại học IMEC và Việt Nam”. Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chủ trì Toạ đàm.
Buổi toạ đàm này là hoạt động cụ thể triển khai kết quả chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến thăm Vương quốc Bỉ vào tháng 12/2022. Thủ tướng đã đến thăm IMEC và đặt vấn đề với CEO của IMEC về hợp tác trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu sản xuất chip bán dẫn.
Tham dự buổi tọa đàm, về phía Việt Nam có ông Nguyễn Văn Thảo, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên minh châu Âu và Vương quốc Bỉ, đại diện Cục Công nghiệp CNTT&TT, Vụ Khoa học công nghệ, đại diện một số doanh nghiệp công nghệ, trường đại học. Về phía IMEC có ông Lode Lauwers, Phó Chủ tịch Phụ trách phát triển kinh doanh.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chủ trì Toạ đàm.
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT&TT đánh giá, buổi làm việc hôm nay giữa đại diện IMEC với Bộ TT&TT đánh dấu bước hợp tác giữa hai bên. Đây là cơ hội để chúng ta nâng cao trình độ công nghệ trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất vi mạch, ông Nghĩa cho biết.
Hiện nay, IMEC là phòng thí nghiệm trọng điểm không chỉ ở châu Âu mà trên toàn cầu. Các nhà cung cấp chip lớn nhất hiện nay như Intel, Qualcomm, MediaTek, đồng thời cũng là khách hàng của IMEC đang hợp tác với IMEC, từ đó có những định hướng về công nghệ, định hướng về sản xuất cho các tập đoàn TSMC, UMC (Đài Loan (Trung Quốc) và Samsung (Hàn Quốc).
Về định hướng của Bộ TT&TT đối với lĩnh vực thiết kế vi mạch, ông Nguyễn Thiện Nghĩa cho biết, trong ngành công nghiệp vi mạch, hợp tác đóng vai trò quan trọng vì không ai có thể làm việc một mình, kể cả đó là nước lớn. Việt Nam định hướng sẽ tham gia từng phần vào hệ sinh thái công nghiệp này. Theo khuyến nghị của IMEC, chúng ta có thể tham gia từng bước, ban đầu có thể cung cấp các dịch vụ như dịch vụ đóng gói, kiểm thử, cung cấp các dịch vụ thiết kế cho các tập đoàn lớn. Sau đó sẽ cân nhắc có hoạt động sản xuất chip tại Việt Nam hay đi sâu hơn vào lĩnh vực đóng gói, kiểm thử.
Cũng theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, ở thời điểm hiện nay, thế mạnh lớn nhất của Việt Nam là nhân lực. Cụ thể, IMEC có hơn 5.500 chuyên gia hàng đầu thì đã có 5 người Việt Nam.
Số lượng kỹ sư tốt nghiệp hàng năm trong cộng đồng điện tử khoảng 5.000 người và riêng vi mạch khoảng 50 người, đây cũng có thể xem đây là một thế mạnh để chúng ta dần xây dựng hệ sinh thái vi mạch tại Việt Nam.
Lãnh đạo Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông cũng cho biết, Bộ TT&TT và IMEC sẽ tiếp tục trao đổi về các ưu tiên, mục đích và mong muốn của mỗi bên. IMEC là một tổ chức kinh doanh cung cấp dịch vụ nghiên cứu, cung cấp dịch vụ sản xuất thử nghiệm hay dịch vụ tư vấn. Mục tiêu ngắn hạn trong năm nay, hai bên cùng cố gắng có hợp tác đào tạo bước đầu tại Việt Nam, lý tưởng nhất là sẽ có một trung tâm đào tạo được IMEC hỗ trợ trong năm 2023.
Liên quan đến cơ hội hợp tác giữa IMEC và Bộ TT&TT, ông Lode Lauwers, Phó Chủ tịch Phụ trách phát triển kinh doanh IMEC cho biết, IMEC sẵn sàng hợp tác về đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch tại Việt Nam, không phải đào tạo chuyên gia thiết kế vi mạch, mà là đào tạo những người sẽ đào tạo ra các chuyên gia thiết kế vi mạch. Đây là việc cần thiết để xây dựng một hệ sinh thái nhân lực mạnh trong lĩnh vực thiết kế vi mạch tại Việt Nam.
Hai bên cũng có thể xem xét phát triển một trung tâm R&D để đào tạo sinh viên tại Việt Nam. Ngoài ra, để hỗ trợ Việt Nam phát triển nhân lực trong ngành thiết kế vi mạch, có thể triển khai các chương trình trao đổi sinh viên, theo đó sinh viên các trường đại học Việt Nam có thể sang học tập tại các Trung tâm R&D của IMEC tại Bỉ rồi quay trở lại Việt Nam phục vụ cho sự phát triển của ngành thiết kế vi mạch nước nhà.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chụp ảnh lưu niệm với ông Lode Lauwers, Phó Chủ tịch Phụ trách phát triển kinh doanh IMEC.
Cũng tại buổi Toạ đàm, ông Lode Lauwers đã chia sẻ kinh nghiệm quý liên quan đến định hướng công nghệ, định hướng sản xuất trong ngành thiết kế vi mạch với đại diện Tập đoàn Viettel, FPT và một số trường đại học của Việt Nam.
Kết luận buổi Toạ đàm, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đánh giá cao những chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm của IMEC với đại diện các doanh nghiệp công nghệ và trường đại hoc của Việt Nam.
Thứ trưởng cho biết, Bộ TT&TT bày tỏ Việt Nam mong muốn trở thành một phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thông qua buổi toạ đàm hôm nay, Bộ TT&TT nhận thấy Việt Nam không chỉ có khả năng thăm gia chuỗi cung ứng toàn cầu ở khía cạnh lập trình, đóng gói mà còn ở nhiều khía cạnh khác như: hoạt động thiết kế, phát triển, đưa vi mạch tích hợp vào trong các sản phẩm phần cứng, đặc biệt trong thế giới IoT hiện nay.
Trong thời gian tới, Bộ TT&TT và IMEC sẽ có những bước khởi đầu trong quan hệ hợp tác với việc tập trung đào tạo nguồn nhân lực, một trong những yếu tố quan trọng nhất để phát triển ngành thiết kế vi mạch tại Việt Nam.
Trung tâm vi điện tử liên đại học - IMEC là trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) và đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới trong công nghệ chíp bán dẫn với hơn 5.500 nhà nghiên cứu, chuyên gia từ hơn 90 quốc gia làm việc.
Phương Mai (T/h)