Việt Nam sắp có "lá chắn thép" Bastion-P thứ 3

10:04, 09/07/2014

Hệ thống Bastion-P (Nga) là tổ hợp tên lửa bảo vệ bờ biển hiện đại nhất hiện nay. Với tầm bảo vệ lên tới 600km và với 3 "lá chắn thép", toàn bộ vùng biển của Việt Nam sẽ được bảo vệ vững chắc.

Về Bastion-P

Theo thiết kế của nhà chế tạo, Bastion-P có khả năng tiêu diệt mọi loại tàu, chiến hạm nổi của đối phương trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết, kể cả trong môi trường bị nhiễu điện tử mạnh. Đây là một trong những loại vũ khí bờ đối hải hiện đại nhất thế giới hiện nay. Tổ hợp tên lửa Bastion-P gồm các tên lửa đối hạm siêu thanh P-800 Yakhont. Theo các chuyên gia quân sự, P-800 Yankhont có khả năng tiêu diệt tàu chiến cỡ lớn chỉ bằng một phát bắn duy nhất.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thị sát tổ hợp tên lửa Bastions P của Việt Nam.

Tên lửa P-800 Yankhont dài 8,9m, đường kính thân 0,7m, sải cánh 1,7m và nặng khoảng 3 tấn; được trang bị động cơ phản lực tĩnh, dòng thẳng siêu âm, cho phép đạt tốc độ gấp hơn 2 lần vận tốc âm thanh. Với vận tốc cực lớn như thế, đối phương rất khó phản ứng và xoat trở (đối phó lại) và nhanh chóng bị tiêu diệt bởi đầu đạn mang khối thuốc nổ phân mảnh nặng 200-250kg của nó.

Sau khi rời bệ phóng, tên lửa P-800 Yankhont sẽ bay theo chế độ dẫn đường quán tính đã được lập trình sẵn. Ở giai đoạn tiếp cận mục tiêu, đầu tự dẫn radar (chủ động) trên tên lửa sẽ kích hoạt tìm kiếm, phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 75km.

Đặc biệt, ở giai đoạn cận mục tiêu, tên lửa sẽ hạ độ cao bay, bám sát mặt biển từ 5-15m, giúp nâng cao “khả năng sống” của tên lửa P-800 Yankhont trước các hệ thống phòng không của đối phương và chiến thắng. Tầm bắn của tên lửa P-800 Yankhont phụ thuộc vào chế độ bay: Bay quỹ đạo cao – thấp hỗn hợp cho phép đạt tầm bắn 300km; bay quỹ đạo thấp – thấp đạt tầm bắn 120km, có thể bảo vệ được bờ biển dài 600km.

Trang bị cơ bản của hệ thống Bastion-P gồm: 4 xe mang ống phóng tự hành K340P (mỗi xe chở 2 đạn tên lửa P-800 Yankhont); xe chở đạn dự trữ với cơ số đạn cho mỗi tổ hợp là 36 tên lửa Yakhont; hệ thống radar điều khiển hỏa lực Monolit-B; xe chỉ huy cùng các phương tiện hậu cần, hỗ trợ kỹ thuật.

Việt Nam sẽ có "lá chắn thép" thứ 3

Dẫn lời một đại diện Nga tham gia phiên họp của Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kỹ thuật - quân sự mới đây, Tuần báo Tin tức công nghiệp Quốc phòng Nga cho biết, trong điều kiện hiện tại và các hợp đồng đang chuẩn bị ký kết, Việt Nam có đầy đủ cơ hội để trong ngắn hạn trở thành đối tác hợp tác số 1 của Nga trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật - quân sự ở Đông Nam Á.

Theo vị quan chức này, trong phiên họp, Việt Nam và Nga đã thảo luận về khả năng mua thêm một tiểu đoàn tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion-P thứ 3, cũng như các máy bay chiến đấu đa năng Su-30MK2 và các hệ thống tên lửa phòng không.

Đây là thông tin giành được sự chú ý đặc biệt của nhiều nước, trong đó có Trung Quốc. Từ khi tổ hợp Bastion-P có mặt trong biên chế của lực lượng Hải quân Việt Nam, nó đã nhanh chóng trở thành "lá chắn thép" trong việc bảo vệ bờ biển của Việt Nam.

Với 2-3 tổ hợp Bastion-P tại những vị trí khác nhau, có thể tạo ra được chiến thuật “bầy sói” rất đặc biệt (giữa các tổ hợp) để tăng xác suất tiêu diệt. Đó là một mục tiêu sẽ sử dụng 3 quả tên lửa đi theo 3 quỹ đạo khác nhau nhằm tránh hỏa lực của đối phương. Một quả phóng lên cao, cung cấp vị trí mục tiêu cho 2 quả bay thấp hơn. Sau khi tiêu diệt mục tiêu chủ yếu, các tên lửa còn lại sẽ hướng đến các tàu khác và loại trừ khả năng 2 tên lửa P-800 Yankhont tấn công cùng một mục tiêu (tránh lãnh phí).

Mô phỏng cách bố trí các tổ hợp Bastion-P để tiêu diệt mục tiêu.

Trước tình hình Biển Đông mỗi ngày một “thêm nóng”, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam ngày càng có những yêu cầu mới cao hơn cả về con người lẫn vũ khí cần trang bị. Với sự trang bị này, Việt Nam đã lựa chọn đầu tư hợp lý các loại trang bị mới với chi phí vừa phải. Và các tổ hợp Bastion-P nói trên đang có kế hoạch tái bố trí, để chúng có thể phát huy hiệu quả cao nhất.

Thanh Trà (tổng hợp)