Việt Nam sắp có thêm máy bay không người lái của Úc phục vụ tìm kiếm cứu nạn

13:39, 14/06/2022

Thông tin từ nhóm thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ của chuyển đổi số trong quản lý ứng phó thảm họa và tìm kiếm cứu nạn ở Việt Nam” cho biết, công nghệ máy bay không người lái của Úc sẽ thử nghiệm thực địa tại Việt Nam phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn vào tháng 8 tới.

Hình ảnh dự đoán của mô hình trí tuệ nhân tạo.

Dự án “Ứng dụng công nghệ của chuyển đổi số trong quản lý ứng phó thảm họa và tìm kiếm cứu nạn ở Việt Nam” được tài trợ bởi Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Australia (Aus4Innovation), dự kiến sẽ triển khai thử nghiệm các thiết bị không người lái tại Việt Nam vào tháng 8 để thử nghiệm trên thực địa, kết hợp với ứng dụng mô phỏng trong huấn luyện tìm kiếm cứu nạn.

Ngày 13/6, thông tin từ nhóm thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ của chuyển đổi số trong quản lý ứng phó thảm họa và tìm kiếm cứu nạn ở Việt Nam” cho biết, sau 7 tháng khởi động dự án, đến nay dự án đã hoàn thành các thuật toán viễn thám. Các thuật toán này là phần cốt lõi trong phần mềm mà nhóm đang phát triển và sẽ được trang bị trên máy bay không người lái cho các nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn.

Giáo sư Eryk Dutkiewicz của trường Đại học Công nghệ Sydney (UTS), Trưởng nhóm dự án, cho biết: “Nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Công nghệ Sydney đã nghiên cứu các hình ảnh chụp từ các thiết bị bay không người lái, áp dụng các thuật toán AI để phân tích, nhận dạng và phát hiện ra các đối tượng cần quan tâm như người, xe, thuyền… phục vụ cho công tác tìm kiếm, cứu nạn khi có các sự cố xảy ra. Trong dự án này, chúng tôi đã và đang phối hợp chặt chẽ với tất cả các đối tác Việt Nam để xây dựng các giải pháp hỗ trợ hiệu quả tốt nhất cho công tác tìm kiếm cứu nạn và huấn luyện lực lượng tìm cứu nạn. Các phương tiện bay không người lái dự kiến sẽ triển khai tại Việt Nam vào tháng 8 để thử nghiệm trên thực địa, kết hợp với ứng dụng mô phỏng trong huấn luyện tìm kiếm cứu nạn”.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Kiên, Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn, đối tác Việt Nam tham gia thực hiện dự án, cho biết: “Nhóm dự án Việt Nam và Úc đã hợp tác kể cả trong thời gian làn sóng Covid-19 mạnh nhất ập đến cả hai nước. Hầu hết các thành viên trong nhóm của chúng tôi đều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với kế hoạch sẵn sàng đối phó với Covid- 19 đã chuẩn bị từ trước, chúng tôi đã có thể vượt qua khó khăn và phấn đấu hoàn thành các nội dung theo đúng đề xuất”.

Sản phẩm của dự án được phát triển sẽ cho phép lực lượng tìm kiếm cứu nạn nhanh chóng phát hiện các mục tiêu cần quan tâm khác nhau như con người, tàu thuyền, ô tô, xe máy… trong các sự cố ở các loại địa hình khác nhau: thành phố, sông nước hay trong rừng, cả ban ngày hay ban đêm. Sau khi phát hiện đối tượng, máy bay không người lái có thể báo về trung tâm (thông qua âm thanh và hình ảnh) cũng như thả thiết bị cứu sinh như phao cứu hộ.

Dự án được phát triển dựa trên công nghệ giám sát từ xa và giám sát trên không theo thời gian thực đã được UTS triển khai thành công trong các vụ cháy rừng vào năm 2019/2020 và trong các chương trình quản lý cá mập ở Úc. Dự án này góp phần củng cố các mối quan hệ bền chặt mà UTS đã xây dựng với Việt Nam thông qua Trung tâm Nghiên cứu chung của UTS tại Thành phố Hồ Chí Minh và kết quả của dự án có thể có tác động rộng rãi đến hệ sinh thái đổi mới của Việt Nam.

Dự án “Ứng dụng công nghệ của chuyển đổi số trong quản lý ứng phó thảm họa và tìm kiếm cứu nạn ở Việt Nam” được thực hiện bởi nhóm các nhà khoa học của Úc và Việt Nam, gồm: Khoa Kỹ thuật và Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Công nghệ Sydney, đối tác ngành công nghiệp Úc (The Ripper Corp) và Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn, Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn.

Dự án đã nhận được tài trợ 440.000 AUD từ Aus4Innovation (2018-2022), chương trình hỗ trợ phát triển có ngân sách 14,5 triệu đô la Úc do Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) tài trợ và được quản lý và đồng tài trợ bởi cơ quan khoa học quốc gia của Úc - CSIRO với đối tác chiến lược là Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Mục tiêu của chương trình là nhằm củng cố hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam, chuẩn bị cho các cơ hội liên quan đến Công nghiệp 4.0, đồng thời giúp hình thành chương trình phát triển về khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

PV