Việt Nam xếp hạng 45 về năng lực ICT trên toàn thế giới
Trong bảng xếp hạng Chỉ số Sẵn sàng Mạng 2024 (Networked Readiness Index – NRI) đánh giá mức độ phát triển công nghệ thông tin của các quốc gia, Việt Nam giữ thứ hạng 45/133 quốc gia toàn cầu, tăng 11 bậc so với năm ngoái…
Chỉ số Sẵn sàng Mạng 2024 xếp hạng 133 nền kinh tế chiếm 95% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Bảng xếp hạng được thực hiện bởi Viện Portulans và Trường Kinh doanh Saïd tại Đại học Oxford, đánh giá năng lực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) tại các quốc gia. Trong năm thứ ba liên tiếp, Mỹ vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu, trong khi Singapore bám sát phía sau.
Bảng xếp hạng năm nay của NRI có tiêu đề “Xây dựng ngày mai kỹ thuật số: Đầu tư công tư và hợp tác toàn cầu về sự sẵn sàng kỹ thuật số”, đánh giá các nền kinh tế dựa trên sự sẵn sàng và hiệu suất trong lĩnh vực ICT, với bốn trụ cột chính, bao gồm công nghệ, con người, quản trị và tác động.
Network Readiness Index là một hệ thống xếp hạng quốc tế, đo lường mức độ phát triển của lĩnh vực ICT của các quốc gia
Theo đó, Việt Nam đạt điểm tổng thể 54,96 điểm cho 4 tiêu chính, trong đó điểm công nghệ là 49,27 điểm, điểm con người là 47,97 điểm, điểm quản trị là 58,03 điểm và điểm tác động là 64,58 điểm. Với thứ hạng 47, trong nhóm 32 quốc gia có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu về chỉ số NRI. Trong khi đó Ấn Độ xếp thứ hai với thứ hạng 49 trên bảng xếp hạng chung và xếp thứ ba là Philippines với thứ hạng 63 trên bảng xếp hạng chung.
Điểm số chi tiết các tiêu chí đánh giá lĩnh vực ICT của Việt Nam - Ảnh NRI 2024
Báo cáo đánh giá rằng các nền kinh tế thu nhập trung bình thấp như Việt Nam đang đạt được những thành tựu về mức độ áp dụng công nghệ và kỹ năng của người lao động cao hơn so với kỳ vọng dựa trên GDP bình quân đầu người.
Trong nhóm các quốc gia Đông Nam Á, sau Singapore, Malaysia – nền kinh tế thu nhập trung bình khá theo sau ở vị trí thứ 36 nhờ áp dụng công nghệ mới nổi và dân số có kỹ năng số cao. Tiếp đến là Thái Lan (thứ 40) và Việt Nam (thứ 45).
Báo cáo nhấn mạnh các chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện không chỉ giải quyết cơ sở hạ tầng công nghệ mà còn cả khuôn khổ pháp lý, phát triển kỹ năng và hòa nhập kỹ thuật số.
Theo đó, nền kinh tế số của Việt Nam ngày càng triển vọng nhờ cơ sở hạ tầng viễn thông và việc áp dụng dịch vụ số ngày càng tăng. Việc chuyển đổi số trên các lĩnh vực đều cho thấy khởi sắc. Tuy nhiên, hạn chế là quy định quản trị kỹ thuật số chưa đủ chặt chẽ, báo cáo kiến nghị Việt Nam cần tăng cường xây dựng khuôn khổ quản lý để phát triển số bền vững.
Trong top mười của bảng xếp hạng NRI 2024 năm nay có một số thay đổi, Vương quốc Anh chuyển từ vị trí thứ mười lên vị trí thứ tám, trong khi Thụy Điển tăng một bậc lên vị trí thứ tư và Hàn Quốc tăng hai bậc lên vị trí thứ năm. Hà Lan, Thụy Sĩ, Đức và Đan Mạch đứng đầu bảng xếp hạng.
Về đại diện khu vực, Singapore và Hàn Quốc là những quốc gia duy nhất từ châu Á và Thái Bình Dương xuất hiện trong top 10, trong khi Mỹ là đại diện duy nhất từ châu Mỹ. Các vị trí top 10 còn lại do các quốc gia châu Âu nắm giữ, nhấn mạnh sự thống trị liên tục của họ trong khả năng sẵn sàng của mạng lưới toàn cầu. Không có gì ngạc nhiên khi càng quốc gia được xếp hàng cao gần như là các quốc gia có thu nhập cao.
Network Readiness Index là một hệ thống xếp hạng quốc tế, đo lường mức độ phát triển của lĩnh vưc ICT của các quốc gia. Bảng xếp hạng NRI năm 2024 bổ sung bốn quốc gia mới bao gồm Seychelles, Sierra Leone, Trinidad và Tobago và Yemen. Trong khi đó, Eswatini, Gambia, Guinea, Lebanon và Tajikistan đã bị loại khỏi danh sách. Báo cáo NRI 2024 phân loại các nền kinh tế thành bốn nhóm thu nhập: 52 quốc gia có thu nhập cao, 36 quốc gia có thu nhập trung bình cao, 32 quốc gia có thu nhập trung bình thấp hơn và 13 nền kinh tế thu nhập thấp. |