Vụ án ở Vinalines: Các tài liệu mới không làm thay đổi bản chất vụ án

21:01, 29/04/2014

Chiều 28/4, Tòa đã cho dừng xét xử vụ án tại Vinalines do có thêm một số tài liệu mới từ Nga có liên quan đến vụ án, ngày 29/4, Tòa tiếp tục phần thẩm vấn.

Những nội dung quan trọng trong tài liệu mới

Tài liệu mới mà Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao nhận được chiều 28/4 gồm một số biên bản thẩm vấn các nhân chứng người Nga, là người của công ty Global Success (GS), công ty Nakhodka có liêm quan đến việc mua bán ụ nổi 83M.

Ngoài ra, còn có một số tài liệu khác như: Trả lời của Thanh tra Thuế Liên bang Nga tại TP. Nakhodka về ụ nổi 83M; Nội dung tờ khai hải quan xác nhận thực tế việc di chuyển ụ nổi 83M qua biên giới hàng hải Liên bang Nga; Nội dung hợp đồng bổ sung được ký giữa công ty Nakhodka và công ty AP…

 

Ụ nổi 83M là mấu chốt của vụ án tại Vinalines.

Trong biên bản thẩm vấn nhân chứng, trả lời các câu hỏi của điều tra viên Phòng Nội vụ Liên bang Nga, thực hiện tại TP. Nakhodka (Liên bang Nga), ông Prikhod Alexsey Adrevicha (Prikhod A.A - người từng nhận được ủy quyền của GS ký các giấy tờ) có những đoạn quan trọng sau đây: 

Điều tra viên hỏi: Theo lời khai nhân chứng GuNun và các giấy tờ của công ty AP, trong số 9 triệu USD mà Công ty Vận tải biển Việt Nam chuyển cho công ty AP, công ty AP đã chuyển cho công ty GS 3,2 triệu USD, chuyển cho Prikhod A.A hơn 1,2 triệu USD và công ty GS đã nhận số tiền này hay không? tại sao họ nhận khoản tiền này?

Ông Prikhod A.A đáp: “Cá nhân tôi không nhận số tiền mặt nào từ việc bán ụ nổi. Còn công ty GS có nhận tiền nêu trên không tôi không rõ.”

Ông Prikhod A.A cũng cho biết, ông không nhớ có đưa ra hướng dẫn nào để công ty AP chuyển số tiền 1,666 triệu USD tới Việt Nam hay không. “Có thể tôi đã ký giấy tờ nào đó theo yêu cầu của lãnh đạo. Bởi vì thời gian đã trôi qua khá lâu. Tất cả giấy tờ được tôi ký sau khi có sự đồng ý của lãnh đạo công ty GS”, ông nói.

Với câu hỏi: Có kế hoạch chuyển số tiền 1,666 triệu USD, hoặc 1 khoản tiền nào khác tới Việt Nam không?, ông Prikhod A.A cho hay: “Tôi không thể trả lời câu hỏi này. Tôi không làm vấn đề tài chính của công ty. Tôi không biết tiền được chuyển cho ai, khi nào, tới đâu. Những giấy tờ tôi đã ký liên quan tới việc bán ụ nổi.”

Trong khi đó, theo lời ông Goh trình bày với luật sư Triển (khi ông Triển sang Singapore thu thập chứng cứ), trước khi ông Goh tham gia vào việc bán ụ nổi 83M, GS từng đàm phán với Vinalines. Chủ sở hữu ụ nổi 83M chỉ muốn bán ụ nổi thông qua công ty của mình ở nước ngoài theo phương thức FOB qua Nakhodka (Nga), trong khi Vinalines muốn mua theo phương thức CIF - giao hàng tại cảng Việt Nam. 

Khi việc đàm phán đi đến chỗ bế tắc, GS đã tiếp cận AP đề nghị AP làm bên trung gian giúp họ thực hiện giao dịch mua bán. Sau đó, cả GS và Vinalines đều đồng ý về việc mua bán ụ nổi 83M qua AP và một văn bản chào bán chính thức đã được AP gửi cho Vinalines theo hướng dẫn của GS, sau đó việc thương thảo mua bán ụ ổi bắt đầu.

“Trong quá trình trao đổi và đàm phán, tôi không nói bất cứ điều gì về việc lại quả... Số tiền 1,666 triệu USD là một phần của khoản thanh toán theo tín dụng thư để trả cho việc chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép, thủ tục hải quan và xuất khẩu liên quan đến ụ nổi 83M”, ông Goh khai.

Tòa khẳng định: Các tài liệu mới không làm thay đổi bản chất vụ án

Ngày 29/4, tiếp tục phần xét hỏi, Chủ tọa phiên tòa đã tóm tắt nội dung các tài liệu mới do phía Nga cung cấp cho Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao theo yêu cầu hỗ trợ tư pháp. Tuy nhiên, các tài liệu đều không đề cập đến Vinalines tham gia đàm phán dẫn đến Công ty AP (Singapore) ký hợp đồng thỏa thuận với Công ty Global Success (GS) của Nga ngày 7/7/2007 về việc chuyển 1,666 triệu USD từ dự án mua Ụ nổi 83M chuyển về Việt Nam.

Cũng tại phiên tòa, các luật sư tiếp tục nêu câu hỏi với các bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, giám định viên có liên quan đến tài liệu mới.

Tranh luận tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao xác định các tài liệu mới do phía Nga cung cấp được thu thập theo đúng trình tự quy định của pháp luật. Và các tài liệu do luật sư xuất trình bổ sung cũng như ý kiến của đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải chưa có căn cứ để xác định lời khai của Trần Hải Sơn là không khách quan.

Theo HĐXX, nội dung các tài liệu này không làm thay đổi bản chất vụ án nên vẫn giữ nguyên quan điểm như đã kết luận ngày 23/4. 

Trước khi HĐXX nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng.

Dương Chí Dũng: "Cho bị cáo được sống"

Nói lời sau cùng, trước Tòa, bị cáo Dũng thừa nhận bản thân đã cố ý làm trái quy định pháp luật gây thiệt hại cho Nhà nước và sẵn sàng chịu trách nhiệm. Nhưng đối với hành vi tham ô tài sản, bị cáo tiếp tục kêu oan, mong HĐXX xem xét không thể để “quýt làm cam chịu”.

“Nếu trong tình huống tòa buộc phải tuyên, không làm thế nào được thì cũng xin cho bị cáo được sống. Đây là món quà mà Đảng, nhà nước, nhân dân dành cho bị cáo cho những thời gian, thành tích đã cống hiến của bị cáo để chứng kiến ngày mọi việc được làm rõ”, bị cáo Dũng nói.

Các bị cáo Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều cũng tiếp tục kêu oan, đề nghị HĐXX xem xét lại về hành vi tham ô tài sản.

Trong khi đó, bị cáo Trần Hải Sơn ngắn gọn cho biết sẽ nhờ gia đình khắc phục tối đa hậu quả gây ra. Còn các bị cáo thuộc nhóm cán bộ Hải quan đề nghị xem xét lại tội danh do nhận thức ụ nổi không phải là tàu biển. 

14 giờ ngày 7/5, Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ tuyên án.

Thanh Trà (tổng hợp)