Vụ Vinalines: Tranh biện gay gắt “ụ nổi có phải là tàu hay không”?
Vấn đề ụ nổi 83M được coi là tàu hay không phải là tàu rất quan trọng, có liên quan đến toàn bộ vụ án ở Vinalines. Theo đó, nếu xác định không phải là tàu, hồ sơ có thể phải làm lại từ đầu.
Tranh biện gay gắt giữa các bị cáo, tòa và các nhà chuyên môn
Trong phiên xử chiều 22/4, vấn đề ụ nổi có phải là tàu biển hay không đã được Hội đồng xét xử đưa ra để thẩm vấn nhiều lần vì liên quan đến trách nhiệm của các công chức hải quan.
Ông Trần Thái Sơn (giám định viên vụ án, cán bộ Bộ Tài chính) cho rằng, ngay Bộ Công an, Bộ GTVT cũng cho rằng ụ nổi không phải là tàu biển. Trên thực tế, ụ nổi này không tự di động được mà phải lai dắt về Việt Nam. “Chúng tôi đã cho rằng “coi như là tàu biển để nhập khẩu”, ông Sơn nói.
Việc nhập khẩu, đối với cơ quan hải quan chỉ là thủ tục, chứ không phải là điều kiện nhập khẩu. Ngành Hải quan quy định, trong việc kiểm tra và giám sát hàng hoá, điều đầu tiên phải biết tên hàng hoá đó là gì. Với từng quốc gia, hàng hóa có tên gọi khác nhau, nhưng đều có chung một quy ước để đưa vào mã số cụ thể. “Tôi khẳng định, ụ nổi tiếng anh có chú giải, mã số là gì. Trong khi đó, các loại tàu có mã số khác nhau, không giống với ụ nổi”, ông Sơn nói.
Đại diện Bộ GTVT, Phó chánh thanh tra Trịnh Viết Lộc cũng cho biết, ụ nổi không phải là tàu biển, vì Bộ là cơ quan soạn thảo Luật hàng hải trình lên Quốc hội. Theo Điều 11, định nghĩa tàu biển trước hết là tàu, vật thể nổi trên biển, còn ụ nổi là vật thể nổi. Tàu biển di động được, còn ụ nổi không tự di động được nên không thể coi là tàu biển được.
Tuy nhiên, thẩm phán chủ toạ Nguyễn Văn Sơn vẫn chất vấn: “Di động có nhiều hình thức” và bảo lưu quan điểm "ụ nổi là tàu biển".
Còn đại diện Cục đăng kiểm Đinh Quốc Vinh cho biết, sau phiên sơ thẩm, Bộ GTVT cũng khẳng định, đến giờ vẫn nhận thức ụ nổi không phải là tàu biển. Lê Văn Dương đã làm đúng theo quy định của luật Hải quan. Tàu biển có thể là tàu có thể là cấu trúc nổi nhưng ụ nổi là cấu trúc nổi nên đương nhiên không phải là tàu biển. Thế nhưng chủ toạ lại khẳng định, Cục đăng kiểm chưa làm đúng, hết chức năng của mình, phải nhận xét xem, kiểm tra giám định đó đúng chưa, và ụ nổi có đủ điều kiện nhập khẩu, thông quan.
Có việc chỉ đạo miệng phải mua bằng được ụ nổi
Trong phiên chiều 22/4, HĐXX tiếp tục xét hỏi các bị cáo để làm rõ hành vi cố ý làm trái và tham ô tài sản. Chỉ có hai bị cáo Trần Hải Sơn (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) và Trần Hữu Chiều (nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines) thừa nhận có tham ô. Riêng Mai Văn Phúc (nguyên tổng giám đốc Vinalines) và Dương Chí Dũng tiếp tục phủ nhận.
Bị cáo Mai Văn Phúc khai: "Bị cáo nhận chức Tổng giám đốc Vinalines ngày 11-4-2007, nhận chức 4-5 tháng anh Dương Chí Dũng mới bàn giao công việc. Bàn giao công việc rất dày. Khi anh em trình thì bị cáo ký, không đọc".
Khi HĐXX hỏi "Trách nhiệm của bị cáo, bị cáo nói vậy có nghe được không?", Phúc trả lời, "Bị cáo không hề tìm hiểu gì, cứ trình là ký thôi. Ở vị trí của bị cáo, chân ướt chân ráo nhận chức, công việc bề bộn, bị cáo đã cố gắng hoàn hành tốt nhiệm vụ đưa Tổng công ty phát triển. Bị cáo có trách nhiệm khi để xảy ra thất thoát tiền của của nhà nước".
Bị cáo Trần Hải Sơn khai phần lớn báo cáo khảo sát về tình trạng ụ nổi là trung thực nhưng cũng có một số tình trạng về ụ nổi không đúng sự thực. "Vì lúc đó mọi người đều hiểu là phải mua bằng được ụ nổi 83M. Anh Chiều yêu cầu lập báo cáo để mua được ụ nổi. Khi gặp làm việc thì các anh Dũng, Phúc nói cố gắng mua được ụ nổi chứ không có chỉ đạo bằng văn bản", Trần Hải Sơn khai.
Bị cáo Trần Hữu Chiều khai Mai Văn Phúc chính là người trực tiếp chỉ đạo làm báo cáo để "mua bằng được ụ nổi".
Thanh Trà (tổng hợp)