Xây dựng Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh
Nhằm hướng tới TP. Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, chiều ngày 5/8, TP. Cần Thơ đã tổ chức hội thảo “Xây dựng TP. Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Thông tin tại hội thảo Xây dựng TP. Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ cho biết, việc triển khai xây dựng thành phố thông minh là xu hướng chung của các nước trên thế giới, của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngày 1/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 950/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 định hướng đến năm 2030.
Đối với định hướng TP. Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, ngày 5/8/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp đó, ngày 11/01/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặt thù phát triển TP. Cần Thơ. Đây là chủ trương, tiền đề quan trọng cho TP. Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh và thực hiện thành công chuyển đổi số.
Cần Thơ hướng đến mục tiêu phát triển thành đô thị thông minh.
Để hướng tới mục tiêu này, lãnh đạo TP. Cần Thơ đã quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện xây dựng đô thị thông minh và thực hiện chuyển đổi số. Cụ thể, Thành ủy Cần Thơ ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 11/4/2017 về xây dựng TP. Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2016 – 2025.
Đến ngày 02/8/2021, UBND TP. Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 1652/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Xây dựng TP. Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xác định rõ lộ trình, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể triển khai thực hiện và tập trung vào 10 lĩnh vực trọng điểm gồm: Hạ tầng ICT và nền tảng dữ liệu cho đô thị thông minh; Chính quyền số trong đô thị thông minh; Quy hoạch đô thị thông minh; Giao thông thông minh; Quản lý môi trường thông minh; Nông nghiệp thông minh; An ninh, an toàn trong đô thị thông minh; Du lịch thông minh; Y tế thông minh; Giáo dục thông minh.
Ngày 4/8/2021, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về chuyển đổi số TP. Cần Thơ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; ngày 30/11/2021, UBND TP. Cần Thơ ban hành Kế hoạch số 241/KH-UBND về Chuyển đổi số thành phố Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời, các ngành, lĩnh vực cũng chủ động ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch chuyển đổi số theo trách nhiệm quản lý.
Tổ chức triển khai thực hiện Đề án đô thị thông minh, TP. Cần Thơ bước đầu thí điểm triển khai Trung tâm điều hành đô thị thông minh và 8 dịch vụ đô thị thông minh; một số quận, huyện đã thực hiện các Trung tâm điều hành giám sát giao thông, an ninh trật tự; một số ngành đang thực hiện các thủ tục triển khai về hạ tầng và nền tảng đô thị thông minh, giao thông thông minh, an ninh trật tự, y tế, giáo dục thông minh…
Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ nội dung về xây dựng chính quyền số: bộ giải pháp chính phủ số nền tảng - sự cần thiết để xây dựng đô thị thông minh; thúc đẩy hệ sinh thái công nghệ đổi mới hướng tới thành phố thông minh và bền vững; nền tảng dữ liệu xây dựng chính quyền số và quản lý đô thị thông minh. Các chuyên gia cũng nêu giải pháp về xây dựng đô thị thông minh - xã hội thông minh: ứng dụng công nghệ vào quản lý sản xuất nông nghiệp; thiết bị thông minh cho đô thị thông minh; giải pháp khắc phục các vấn đề về nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu và an ninh dịch tễ; hệ thống quản lý giao thông thông minh quốc gia; phương pháp và công cụ phù hợp đột phá để triển khai đô thị thông minh.
Phát biểu kết thúc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ đã yêu cầu các ngành, địa phương chủ động phối hợp trao đổi với các chuyên gia về thực trạng, khó khăn, vướng mắc và mục tiêu hướng tới để xác định lộ trình, hướng đi, giải pháp cụ thể cần triển khai thực hiện. Sau hội thảo, thành phố rất mong các nhà khoa học, chuyên gia, các doanh nghiệp công nghệ số tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Cần Thơ trong quá trình xây dựng đô thị thông minh, đóng góp cho công cuộc chuyển đổi số của thành phố.
Cần phát huy vai trò đầu tàu Theo Thông báo kết luận số 228/TB-VPCP về buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với lãnh đạo TP. Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, trong thời gian tới, Cần Thơ cần phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động, tự lực, tự cường để vươn lên. Thủ tướng cũng yêu cầu, Cần Thơ cần chú trọng thực hiện 7 nội dung trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội, vai trò đầu tàu của vùng ĐBSCL. Nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên là đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tiếp tục triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiều, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Cần Thơ cần phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động, tự lực, tự cường để vươn lên Thứ hai là phát huy mạnh mẽ truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng, đồng thời, xác định công việc có trọng tâm, trọng điểm; làm việc nào xong việc đó. Khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; trong đó nguồn lực bên trong là cơ bản, lâu dài, chiến lược, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá. Công tác chỉ đạo, điều hành, phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; kiên định mục tiêu xuyên suốt, nhưng phải hết sức linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả, kịp thời. Nhiệm vụ trọng tâm thứ 3 là Cần Thơ tập trung triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, quyết liệt chỉ đạo việc đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế theo quy định và chiến lược tiêm vaccine, bảo đảm việc khám chữa bệnh cho nhân dân; Chú trọng phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa với phát triển kinh tế- xã hội... Nhiệm vụ thứ tư là huy động, tập trung mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng; là cơ sở để TP. Cần Thơ phát huy vai trò trung tâm động lực phát triển vùng, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế. Chú trọng phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài cho Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL. Thứ năm là cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm nâng cao thứ hạng các chỉ số như cải cách hành chính, hiệu quả hành chính công, sự hài lòng của người dân.... Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ; đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời; khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Nhiệm vụ trọng tâm thứ 6 là thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ lập và trình thẩm định, phê duyệt Quy hoạch phát triển TP. Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 theo đúng tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyế số 78/NQ-CP của Chính phủ về phát triển vùng ĐBSCL, các nghị quyết khác của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ về phát triển Cần Thơ. Nhiệm vụ thứ bảy là tăng cường công tác xây dựng Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng... nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, góp phần cùng cả nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. |
Theo kinhtemoitruong.vn