Xây dựng và phát triển thương hiệu gắn với xây dựng văn hóa doanh nghiệp

13:34, 11/09/2020

Nhằm tổ chức một diễn đàn đa chiều về văn hóa doanh nghiệp gắn với phát triển thương hiệu, đưa ra các ý kiến đóng góp để từ đó tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp, sáng ngày 11/9, Báo Văn hóa phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chương trình: “Hội thảo Văn hóa Doanh nghiệp và Phát triển Thương hiệu” .

Nội dung chính của Hội thảo tập trung vào quan hệ tương tác giữa xây dựng văn hóa doanh nghiệp góp phần tích cực vào phát triển thương hiệu của doanh nghiệp, từ đó phát triển kinh doanh một cách bền vững.

Toàn cảnh hội thảo

Chương trình có sự tham dự của TS.Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh; PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh - Chủ tịch Hội đồng cố vấn BCSI - Chuyên gia tư vấn thương hiệu.

Ông Lê Quang Vũ - Chuyên gia tư vấn truyền thông nội bộ và văn hóa doanh nghiệp - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần phát triển nội dung Blue C; Ông Nguyễn Đình Thành - Đồng sáng lập học viện truyền thông Elite PR School và giám đốc điều hành công ty tư vấn chiến lược CSCI INDOCHINA; Bà Nguyễn Thu Huệ - Chuyên gia Văn hóa & Truyền thông Doanh nghiệp - Nguyên Phó Ban Văn hóa, Tập đoàn FPT; Bà Nguyễn Xuân Phương - Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Tập đoàn Sun Group… và các đại biểu đại diện cho các cơ quan trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các cơ quan truyền thông báo chí.

“Văn hóa doanh nghiệp như vũ khí cạnh tranh mới”

PGS.TS Dương Thị Liễu - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh.

Phát biểu tại hội thảo, bà Dương thị Liễu cho rằng cuộc CMCN 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ lên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Cuộc cách mạng này đang đặt các doanh nghiệp vào môi trường siêu cạnh tranh. Nó không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm chi phí mà còn là làn sóng giúp các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong sản xuất – kinh doanh nhằm đáp ứng nhanh, chính xác các yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp phải không ngừng tiến hành đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, khả năng quản trị doanh nghiệp toàn diện, hiệu quả và điều không thể thiếu là cần phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu của CMCN 4.0”, bà Liễu chia sẻ.

Bên cạnh đó, bà Liễu cũng cho rằng Văn hóa doanh nghiệp là bộ “gen” giải mã bản sắc riêng và là nguồn cội tạo ra sự khác biệt lớn nhất cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp thời kỳ CMCN 4.0. Như vậy, doanh nghiệp có cạnh tranh thành công trong thời kỳ 4.0 hay không sẽ không chỉ dựa trên sự đầu tư vào công nghệ, mà còn phải dựa trên sự đầu tư vào văn hóa doanh nghiệp.

Cùng quan điểm với bà Liễu, ông Ông Nguyễn Đình Thành cũng cho rằng văn hóa doanh nghiệp như vũ khí cạnh tranh mới. Điều đó sẽ trở thành xu thế mới mà các doanh nghiệp cần thực sự chú trọng cho chiến lược đầu tư của mình. Và hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần nhận thức văn hóa doanh nghiệp là yếu tố vô cùng quan trọng trong quản trị công ty, là tinh thần cốt lõi, dẫn dắt doanh nghiệp phát triển bền vững trong thời CMCN 4.0.

Tuy nhiên, văn hóa không phải là thứ có thể xây dựng sau một đêm mà đòi hỏi doanh nghiệp phải kiên trì cùng với một kế hoạch phù hợp chiến lược phát triển của mình.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, và thực tế toàn cầu hoá, khoảng cách về khả năng sản xuất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ đã được làm mờ giữa các quốc gia.

Khi mạng xã hội lên ngôi vào những năm 2005, thế giới tiêu dùng bước sang một trang mới: thời của tương tác ngang hàng, tức thì, đa chiều và bản sắc. Người tiêu dùng được đặt ngang với nhà kinh doanh. Thậm chí, chu trình sản xuất và phân phối còn bị đảo lộn khi các nhà kinh doanh phải đặt câu hỏi về việc khách hàng cần gì trước khi thiết kế, tìm phương án sản xuất và kinh doanh.

Trong thời kì marketing 4.0, khi khách hàng phối hợp cùng doanh nghiệp để sáng tạo ra sản phẩm dịch vụ; định nghĩa về tiền tệ, giá trị, lợi ích mang lại cho khách hàng, được phi vật chất hoá, tương tác trong các cộng đồng ngày càng quan trọng”, ông Thành nhận định.

Thay đổi để bứt phá

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Quang Dũng  cho biết, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, những năm gần đây thương hiệu Petrovietnam ít nhiều bị ảnh hưởng và văn hóa Petrovietnam có thời điểm chưa được nhận diện rõ nét, những giá trị văn hóa chưa được hệ thống, khắc họa. Do vậy, tái tạo văn hóa Petrovietnam là việc làm hết sức cần thiết, tái tạo văn hóa Petrovietnam cũng chính là để củng cố thương hiệu Petrovietnam.

Chính vì lẽ đó, Tập đoàn đã xây dựng “Đề án tái tạo Văn hóa Petrovietnam” và thành lập Ban chỉ đạo triển khai đề án, Trưởng ban chỉ đạo là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV, phó trưởng ban thường trực là Tổng giám đốc Tập đoàn và chọn đúng ngày truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam 27/11/2019 để ban hành Đề án, thể hiện tinh thần quyết tâm, ý chí thống nhất của cả hệ thống chính trị, bắt đầu từ cấp lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn trong xây dựng văn hóa Petrovietnam.

Tái tạo văn hóa Petrovietnam với mục đích là làm mới để phù hợp hơn, tốt hơn trên nền tảng đã có; trước hết là để nhận diện những giá trị cốt lõi của văn hóa Dầu khí đã được định hình cho đến nay; hoàn thiện, hệ thống hóa các giá trị cốt lõi phù hợp điều kiện hiện nay; sàng lọc, bảo vệ giá trị văn hóa nền tảng; bổ sung những giá trị văn hóa ưu việt; từng bước loại bỏ những yếu tố văn hóa không phù hợp gây cản trở sự phát triển bền vững của Tập đoàn; phát huy những giá trị văn hóa chọn lọc, hướng đến tính tự chủ ở mỗi CBCNV, khích lệ mọi người chủ động, tự giác thực hiện văn hóa Petrovietnam thành thói quen hằng ngày. Từ đó, xây dựng văn hóa bản sắc, xây dựng hình ảnh người Dầu khí “Khát vọng - Trí tuệ - Chuyên nghiệp - Nghĩa tình”, ông Dũng cho biết.

Khách mời tham dự hội thảo

Hiện nay, việc xây dựng và phát triển thương hiệu gắn liền với xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đặc biệt là truyền thông nội bộ đang là chủ đề quan trọng và được sự quan tâm của các tổ chức quan tâm đến phát triển bền vững. 

Bên cạnh đó, môi trường văn hoá của doanh nghiệp có ý nghĩa tác động quyết định đến tinh thần, thái độ, động cơ lao động của các thành viên và việc sử dụng đội ngũ lao động, giúp cho doanh nghiệp trở thành một cộng đồng làm việc trên tinh thần hợp tác, tin cậy, gắn bó, thân thiện và tiến thủ. Trên cơ sở đó hình thành tâm lý chung và lòng tin vào sự thành công của doanh nghiệp.

Nguyệt Hằng – Thanh Tùng