Xuất bản Việt Nam sẵn sàng bước vào nền kinh tế số
Hội nghị trực tuyến triển khai công tác xuất bản, phát hành và định hướng công tác cơ quan chủ quản nhà xuất bản (NXB) năm 2020 đã được tổ chức ngày 23/4/2020. Sự kiện do Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức.
Ngày 23/4, Cục Xuất bản, In và Phát hành tổ chức Tổng kết trực tuyến hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm, công tác chủ quản nhà xuất bản năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. Hội nghị có sự tham gia của ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - ông Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và nhiều đơn vị xuất bản trong cả nước.
Tại buổi hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng cần biến thách thức thành thời cơ chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để xuất bản có thể bước vào nền kinh tế số.
Chuyển đổi phát hành online
Phát biểu báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, về lĩnh vực xuất bản, năm 2019, các nhà xuất bản đã thực hiện xuất bản và nộp lưu chiểu 37.100 xuất bản phẩm với 441 triệu bản, tổng doanh thu toàn ngành đạt hơn 2.7 tỷ đồng. Chất lượng nội dung xuất bản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực. Các loại sách về các lĩnh vực pháp luật, văn hóa, văn học, thiếu niên, nhi đồng, khoa học, công nghệ, kinh tế, giáo dục, tôn giáo, môi trường... ngày càng phong phú và có chất lượng tốt.
Về lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm, tổng số sách phát hành 440 triệu bản (tăng 1,6 % so với năm 2018). Năm 2019, cùng với việc tổ chức Ngày Sách Việt Nam lần thứ 6, Tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam và chuỗi hoạt động liên quan đến Ngày Sách Việt Nam, các hoạt động triển lãm - hội chợ sách trong nước đã thu hút được đông đảo bạn đọc đến với sách, tạo nên một phong trào đọc sách mạnh mẽ trong cộng đồng.
Công tác triển lãm, hội chợ sách nước ngoài có nhiều chuyển biến tích cực, huy động được các nguồn lực theo hướng xã hội hóa để tham gia một số hội chợ sách lớn trên thế giới. Đặc biệt, tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt 2019, các hoạt động và gian hàng của Việt Nam được tổ chức quy mô hơn trước. Đây là những cơ hội thuận lợi để các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành trong nước tăng cường hoạt động giao dịch bản quyền,...
Bên cạnh những mặt tích cực, ông Nguyễn Nguyên cũng thẳng thắn thừa nhận rằng hoạt động xuất bản, phát hành dù lượng xuất bản phẩm có nội dung vi phạm chiếm tỷ lệ thấp và giảm so với năm 2018 nhưng tính chất, mức độ vi phạm có biểu hiện nghiêm trọng hơn, trong đó có các đầu sách liên quan trực tiếp đến tư tưởng chính trị, tập trung ở một vài nhà xuất bản.
Dù hoạt động xuất bản gặp phải một số khó khăn trong dịch bệnh nhưng Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng cần biến thách thức thành thời cơ chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để xuất bản có thể bước vào nền kinh tế số.
Một số nhà xuất bản chưa thực sự quan tâm đến việc bồi dưỡng, quy hoạch nguồn lực nhân lực biên tập viên, nhân lực lao động nhà xuất bản nên để xảy ra tình trạng thiếu hụt hoặc không đảm bảo chất lượng. Vẫn còn tình trạng ở một số địa bàn vẫn còn cơ sở phát hành bày bán xuất bản phẩm không rõ nguồn gốc, không có chứng từ, hóa đơn hợp lệ,…
Về mảng sách điện tử thì Ban Tuyên giáo, Bộ TTTT, Hội Xuất bản cần tổ chức thêm hội nghị chuyên đề, tọa đàm khoa học để đúc rút, học hỏi kinh nghiệm; đáp ứng nhu cầu độc giả. Đồng thời, với xu hướng quốc tế cũng đang là nhu cầu tất yếu của các NXB, nên cần quan tâm đưa ấn phẩm ra các nước trên thế giới…
Xuất bản sẵn sàng bước vào nền kinh tế số
Để phát huy kết quả, khắc phục hạn chế của ngành xuất bản năm 2019, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo yêu cầu ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng của hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm.
Để làm được điều này, ông Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh vào những vấn đề cần tập trung như sau: Tập trung mọi nỗ lực khắc phục khó khăn do đại dịch Covid-19 đem đến. Cần biến thách thức thành thời cơ, biến khó khăn thành cơ hội, tăng cường đổi mới phương thức kinh doanh, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để xuất bản có thể thuận lợi bước vào nền kinh tế số. Mỗi biên tập viên, người làm sách phải là những người làm công tác truyền thông để tích cực quảng bá sản phẩm sách, đưa đến bạn đọc.
Tập trung xuất bản sách phục vụ nhiệm vụ chính trị - năm 2020 là năm tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ 13 của Đảng, hoạt động xuất bản phải bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm này. Các nhà xuất bản phải tự ý thức được vai trò trách nhiệm của mình đối với việc truyền tải tri thức tới người đọc để từ đó hoạt động đúng quy định và xuất bản được nhiều xuất bản phẩm có giá trị cao, chất lượng tốt.
Đặc biệt quan tâm tới xây dựng cơ chế, chính sách cho hoạt động phát hành, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động này. Tập trung tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản phát triển và hội nhập.
Nâng cao năng lực hoạt động của các nhà xuất bản, các công ty sách chú trọng chuyển đổi mô hình phương thức sản xuất kinh doanh đa dạng hóa sản phẩm. Thị trường sách điện tử phát triển chưa đúng với tiềm năng và thiếu bền vững, các công ty sách cần đẩy mạnh phát triển xuất bản điện tử và phát hành sách điện tử. Đã đến lúc các đơn vị ngành cần chung tay xây dựng phát triển chung phần mềm hỗ trợ quy trình quản lý và biên tập xuất bản để nếu dịch bệnh kéo dài có nguy cơ lan rộng các hoạt động xuất bản vẫn tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả trong điều kiện nguồn lực đầu tư riêng lẻ của mỗi đơn vị còn thấp,…
Ông Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng sách xuất bản ngày càng phong phú đa dạng nên việc quan tâm đào tạo con người, tuyên truyền công tác tư tưởng, đào tạo cán bộ, bồi dưỡng hết sức quan trọng.
“Sách hay phải có biên tập giỏi. Biên tập viên gạo cội càng ngày càng ít đi, có nghĩa là có thời điểm ngắn chúng ta không quan tâm tới bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực. Các nhà xuất bản tự chủ động tìm tòi tác giả hay, biên tập viên giỏi để biên tập và trao đổi qua lại với tác giả, từ đó mới có thể cho ra mắt cuốn sách hay được.
Công nghiệp xuất bản và thị trường xuất bản hình thành manh mún. Nếu đi tham dự hội chợ sách nước ngoài, thị trường sách và công nghệ làm sách vượt xa chúng ta rất nhiều. Sang Nhật Bản họ có cả sách điện tử, CD, VCD.. Cho nên, hình thức làm sách phải gắn liền đối tượng mới đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, nhất là sách điện tử trong điều kiện hiện nay”, ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Thùy Chi (T/h)