Xuất khẩu online là cơ hội vàng cho hàng Việt
Nếu như doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội nền tảng thương mại điện tử thì con số gần 800 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của nước ta hiện nay sẽ còn gia tăng hơn.
Cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt
Một hoạt động đang chú ý vừa qua đó là Sở Công Thương Quảng Trị và Tập đoàn OSB - một trong những đại lý ủy quyền tiêu biểu của Alibaba tại Việt Nam vừa ký kết biên bản ghi nhớ về chương trình hợp tác đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh trên kênh thương mại điện tử.
Có thể thấy đây chính là cơ hội rất lớn để Quảng Trị đẩy mạnh quảng bá và tiêu thị nhiều nông sản chủ lực như cà phê Khe Sanh, cao dược liệu, chuối, hồ tiêu… trên sàn thương mại điện tử như Alibaba hoặc Triple.com.
Đồng thời đây cũng là tin vui cho ngành xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam. Hiện nay, xuất nhập khẩu hàng hoá đang làm điểm sáng trên bức tranh kinh tế với kim ngạch dự báo sẽ đạt khoảng 780-800 tỷ USD trong năm nay.
Bên cạnh hoạt động xuất nhập khẩu truyền thống, xuất nhập khẩu qua nền tảng thương mại điện tử cũng là một trong những phương thức đang được doanh nghiệp tận dụng tương đối thành công.
Theo một khảo sát được Cục Thương mại điện tử - Bộ Công Thương triển khai mới đây, 60% doanh nghiệp nghiệp được hỏi cho biết giá trị hàng xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử chiếm 10-30%.
Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc là các thị trường xuất khẩu trực tuyến lớn nhất của doanh nghiệp, lần lượt chiếm tỷ trọng 45%, 40% và 38%.
Khoảng 53% doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tuyến (online) qua sàn thương mại điện tử. Còn lại, 47% sử dụng website hoặc ứng dụng do họ tự xây dựng.
Thương mại điện tử xuyên biên giới có tốc độ phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Số liệu từ Amazon Global Selling Việt Nam cho thấy năm 2023, hơn 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt được xuất khẩu qua nền tảng này. Số này tăng 50% về giá trị so với năm trước đó. Số đối tác bán hàng qua kênh này cũng tăng 40%.
Song song với đó, số lượng sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam bán ra trên Amazon tăng hơn 300% trong 5 năm qua. Hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện đang xuất khẩu thông qua Amazon, với số lượng doanh nghiệp đạt doanh thu hàng năm trên 1 triệu USD tăng vọt gần gấp 10 lần.
Thông qua nền tảng của Amazon, hàng hóa Việt Nam có cơ hội tiếp cận trực tuyến với hơn 2 tỷ người mỗi năm ở các thị trường khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và rất nhiều quốc gia khác như Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ...
Riêng trên nền tảng Alibaba.com, số người mua các sản phẩm Việt Nam trung bình tăng 55% năm 2023. Trong khi đó, lượng sản phẩm của doanh nghiệp nội có mặt trên nền tảng này tăng 24% trong năm 2023.
Thực tế thì thời gian qua có nhiều doanh nghiệp đã và đang nỗ lực đưa nhiều mặt hàng sang các thị trường quốc tế qua nền tảng thương mại điện tử.
Đơn cử, Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam. Hiện có 119 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu vào Trung Quốc. Trong đó có đến 4 doanh nghiệp trong top 5 doanh nghiệp xuất khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam tham gia xuất khẩu vào thị trường này.
Đứng đầu về giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc là Công ty CP Thủy sản Trường Giang, chiếm 12% tỷ trọng; sau đó là Công ty TNHH Thủy sản Đại Thành, chiếm 10%, Công ty CP Nam Việt chiếm 7%; Công ty CP Hùng Cá 6 và Công ty TNHH MTV chế biến thủy sản Cát Tường, Vĩnh Hoàn chiếm 5%.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ - Bộ Công Thương nhận định, thương mại điện tử xuyên biên giới đang ngày càng bùng nổ mạnh mẽ, tăng trưởng thần tốc. Trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia tăng trưởng mạnh hoạt động ngoại thương, việc tham gia vào hệ thống xuất khẩu, nhập khẩu trực tuyến, các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới là giải pháp hữu hiệu, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng tệp khách hàng, tăng phạm vi tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực doanh nghiệp và giá trị xuất khẩu.
Nếu như doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội nền tảng thương mại điện tử thì con số gần 800 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của nước ta hiện nay sẽ còn gia tăng hơn.
Cần mạnh dạn vượt rào cản
Mặc dù đã đạt được một số thành tựu nhưng các chuyên gia, doanh nghiệp nhận định mức độ tham gia xuất khẩu qua thương mại điện tử của doanh nghiệp còn hạn chế.
Nguyên nhân là do phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ yếu gia công theo đơn hàng và mẫu mã của các nhà phân phối nước ngoài. Đa số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực xây dựng thương hiệu; sức chống chịu kém trước các biến động bất ngờ và liên tục từ thị trường.
Ngoài ra, một hạn chế cố hữu của doanh nghiệp vừa và nhỏ - khối doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cộng đồng doanh nghiệp là hạn chế trong công tác xây dựng thương hiệu.
Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, hiện nay, Bộ Công Thương đang nỗ lực phát triển và hoàn thiện hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, hoàn thiện những nền tảng số tương ứng đối với những hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp để có thể kịp thời hỗ trợ cho những doanh nghiệp, hợp tác xã và những hộ kinh doanh kinh doanh hiệu quả trên môi trường số.
Về phía doanh nghiệp, mới đây, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã ra mắt sàn thương mại điện tử nongsan.buudien.vn, đa dạng cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm ra biên giới qua nền tảng thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Trường Giang - Phụ trách HĐTV Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, với phương châm “Mỗi sản phẩm là một món quà đến tay người tiêu dùng”, sàn thương mại điện tử nongsan.buudien.vn không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng thường ngày mà còn là lựa chọn tinh tế cho các món quà biếu, tặng đầy ý nghĩa dành cho người thân và bạn bè; đồng thời hướng đến xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.