Sự kiện Thiên An Môn tròn 25 năm: Trung Quốc thắt chặt an ninh

14:32, 04/06/2014

Ngày 4/6 là tròn 25 năm về sự kiện Thiên An Môn. Sự kiện này khá “nhạy cảm” đối với Trung Quốc nên truyền thông nước này hầu như không bao giờ nhắc đến nó.

Đối với những người trẻ ở Trung Quốc, sự kiện Thiên An Môn họ chỉ biết mơ hồ và sơ lược về khoảng thời gian đó trong lịch sử - theo một khảo sát của NPR. Nhưng đối với lớp những người lớn tuổi, đây là một sự kiện lớn, mang dấu ấn chính trị của đất nước Trung Quốc.

Quảng trường Thiên An Môn 

Trong bối cảnh các vụ tấn công khủng bố có xu hướng gia tăng trên khắp đất nước này cộng với dư âm của sự kiện lịch sử, vẫn âm ỉ trong ký ức của những người trong cuộc, nên chính quyền Bắc Kinh đã được triển khai một chiến dịch an ninh trước đó.

Theo FT, từ nhiều ngày qua, cảnh sát Bắc Kinh đã triển khai lực lượng ở trung tâm thành phố, với hàng nghìn cảnh sát, lực lượng bán quân sự cùng các quan chức mặc thường phục.

Đi đôi với nó, việc kiểm duyệt các nội dung trên mạng cũng có dấu hiệu gia tăng.

Một số vụ bắt giữ đã diễn ra trước thời gian kỷ niệm sự kiện Thiên An Môn.

Báo chí Hong Kong đưa tin, ông Bào Đồng, 81 tuổi, đã bị giữ hôm 30/5. Gia đình ông Bào cho biết, các nhân viên an ninh không thông báo địa điểm giữ ông ở đâu.  

Một số người cho rằng việc bắt giữ ông Bào là để tránh các cuộc phỏng vấn đối với truyền thông nước ngoài, bởi ông Bào Đồng từng là cựu trợ lý chính của cố Tổng Bí thư Triệu Tử Dương, người nắm giữ cương vị lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1987. Ông Triệu bị mất chức do cách thức xử lý bị cho là mềm mỏng đối với các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ vào tháng 6/1989.

Liên quan đến sự kiện này, tại đặc khu Hồng Kông, vào ngày 1/6, hàng ngàn người biểu tình ủng hộ dân chủ đã tuần hành nhân ngày kỷ niệm lần thứ 25 sự kiện Thiên An Môn. Cảnh sát Hồng Kông cho biết số người biểu tình khoảng dưới 1.900.

Theo AFP, Hồng Kông là vùng duy nhất của Trung Quốc thường xuyên tổ chức lễ tưởng niệm về vụ thảm sát Thiên An Môn một cách công khai.

Còn theo Straits Times, số người tham gia kỷ niệm ở đặc khu Hồng Kông nhân 25 năm sự kiện Thiên An Môn dự kiến lên tới 200.000 người. Hồng Kông là vùng duy nhất của Trung Quốc tổ chức lễ tưởng niệm sự kiện này một cách công khai mỗi năm.

Mặc dù Trung Quốc ra sức che dấu và trì hoãn, nhưng Liên Hiệp Quốc vẫn liên tục hối thúc Trung Quốc công khai sự kiện Thiên An Môn.

Hôm qua 3/6, bà Navi Pillay, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc tiết lộ sự thật về sự kiện Thiên An Môn tại Bắc Kinh 25 năm trước đây.

Đồng thời bà Pillay cũng hối thúc Bắc Kinh chấm dứt các hoạt động chặn các cuộc thảo luận liên quan tới sự kiện này trên mạng và trả tự do cho hàng chục người bất đồng chính kiến trong nước có ý định tổ chức kỷ niệm đã bị bắt trong những ngày gần đây.

 

Bà Navi Pillay, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

“Vì lợi ích của nhân loại, sự thật xung quanh sự kiện Thiên An Môn cần được sáng tỏ”, bà Navi Pillay, nữ cao ủy Nhân quyền từng giữ chức thẩm phán tòa án tối cao Nam Phi và Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) nhấn mạnh.

Và, “Thay vì tìm cách dập tắt các hoạt động kỷ niệm sự kiện gây chấn động diễn ra vào năm 1989 này, giới chức (Trung Quốc) nên khuyến khích các cuộc đối thoại và thảo luận, coi đó là biện pháp để vượt qua những di sản của quá khứ”, bà nói.

“Rút ra những bài học từ quá khứ cũng không ảnh hưởng tới những thành quả đạt được trong 25 năm qua, nhưng điều đó có thể cho thấy mức độ đảm bảo tôn trọng và bảo vệ nhân quyền của Bắc Kinh” – bà Pillay tuyên bố tại văn phòng ở Geneva.

Trung Quốc vẫn một mực bảo vệ chiến dịch ngăn các hoạt động kỷ niệm sự kiện Thiên An Môn lần thứ 25 và cho rằng “đó là con đường đúng đắn vì lợi ích của người dân”.

Sự kiện Thiên An Môn hiện vẫn nằm trong “tấm màn bí ẩn” khi Bắc Kinh chưa bao giờ công bố con số thương vong. Tuy nhiên, một số nhà quan sát độc lập ước tính đã có hơn 1.000 người thiệt mạng.

Thanh Trà (tổng hợp)