8 tháng đầu năm 2016 có 73 người tử vong vì chụp hình selfie

11:49, 20/11/2016

Số người tử vong khi đang chụp selfie trên thế giới đang tăng, nhưng một nhóm các nhà nghiên cứu Mỹ hy vọng họ có cách làm giảm tình trạng này.

Nhóm này đang phát triển một ứng dụng để cảnh báo mọi người khi họ gặp rủi ro lúc chụp selfie.

Nghiên cứu của họ cho thấy có 15 người chụp selfie tử vong năm 2014, 39 người tử vong năm 2015 và 73 người tử vong trong tám tháng đầu năm 2016.

Họ tìm hiểu phần lớn các tai nạn này xảy ra ở đâu và nguyên nhân tử vong thay đổi thế nào tùy nơi bạn sống.

Nghiên cứu này do sinh viên PhD Hemank Lamba và một nhóm bạn ở trường Đại học Carnegie Mellon ở Pittsburgh tiến hành.

Kết quả là gì?

Báo cáo đầu tiên (từ một nguồn đáng tin cậy) về trường hợp một người chụp selfie tử vong khi chụp hình là vào tháng 3/2014.

Từ đó, Hemank và nhóm của anh đã tìm được 127 trường hợp tử vong selfie được ghi lại trên thế giới. 76 trường hợp này xảy ra ở Ấn Độ, 9 ở Pakistan, 8 ở Mỹ và 6 ở Nga.

Nguyên nhân tử vong thường gặp nhất là rơi từ độ cao. Nhiều người liều mạng trèo lên vách đã hay nóc các tòa nhà cao chụp selfie để gây ấn tượng với các follower trên mạng xã hội.

Nguyên nhân tử vong khác nhau thế nào trên thế giới?

Ở Ấn Độ, nhiều trường hợp tử vong liên quan đến tàu hỏa. Hemank và nhóm của anh cho rằng đây là vì "người Ấn Độ cho rằng chụp ảnh trên hay cạnh đường tàu với bạn thân nhất là lãng mạng và thể hiện tình bạn vĩnh cửu".

Ở Mỹ và Nga, phần lớn các trường hợp tử vong là do vũ khí, mà theo các nhà nghiên cứu thì có khả năng cao là do luật về súng ở hai nước này.

Có thể làm gì về tử vong selfie?

Nhóm nghiên cứu hy vọng ứng dụng của họ có thể nhận định khi ai đó chụp ảnh ở độ cao, bên đường tàu hay trong các tình huống nguy hiểm khác và cảnh báo họ những mối nguy hiểm chết người.

Ứng dụng này kết hợp dịch vụ định vị và nhận dạng một phần hình ảnh của những nơi không an toàn.

Nhóm này đã thử thuật toán của họ trên 3.000 bức selfie và nói ứng dụng của họ có tỷ lệ phát hiện những bức ảnh nguy hiểm là hơn 70%.

Tất nhiên, bạn có thể tranh luận rằng người dùng nhận được cảnh báo khi đang ở trong một tình huống nguy hiểm còn làm mọi chuyện nguy hiểm hơn.

Tại sao tử vong selfie trở thành một hiện tượng?

Selfie càng hấp dẫn, bạn càng thu hút được nhiều like và người theo trên các mạng xã hội, chẳng hạn Instagram.

Chụp selfie trước gương không còn đủ sức hút nữa.

Người đàn ông Nga, Kirill Oreshkin, được 17.900 người theo dõi và nổi tiếng vì những bức ảnh đứng tim chụp trên nóc các tòa nhà. Anh Drewsssik, người dùng Instagram, cũng có lượng người theo đông đảo vì những bức ảnh chụp trên các tòa nhà cao. Anh tử vong năm 2015 sau khi ngã từ một tòa nhà. Tháng 10/2016, một bé gái 12 tuổi người Nga, được biết đến với cái tên Oksana B, đã tử vong khi đang trèo lên lan can ban công để chụp selfie.

telecomit.vn theo BBC