Tăng cường kết nối, hợp tác nông nghiệp Việt Nam - châu Phi

10:48, 10/09/2021

Trong bối cảnh thế giới đang chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, nhằm nâng cao khả năng thích ứng, khắc phục khó khăn, cùng nhau tìm kiếm một mô hình hợp tác năng động, hiệu quả, sáng tạo hơn trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và châu Phi, chiều 9/9, đông đảo đại biểu từ nhiều đầu cầu tại Việt Nam và trên thế giới đã tham dự Hội thảo trực tuyến “Hợp tác nông nghiệp Việt Nam-châu Phi: Tăng cường kết nối, cùng phát triển bền vững."

Hơn 500 đại biểu đại diện các bộ, ngành, ngân hàng, viện nghiên cứu, trường đại học, địa phương, doanh nghiệp Việt Nam và châu Phi, các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam và các nước châu Phi thường trú và kiêm nhiệm, 1 số tổ chức quốc tế và cơ quan phát triển tham dự hội thảo.

Tang cuong ket noi, hop tac nong nghiep Viet Nam-chau Phi hinh anh 1

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhắc lại mối quan hệ truyền thống, thủy chung giữa Việt Nam với các quốc gia châu Phi khởi nguồn từ khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và sự ủng hộ chí tình dành cho nhau trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Mối quan hệ hợp tác tốt đẹp đó đang tiếp tục được vun đắp và mở rộng trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, viễn thông, y tế, giáo dục, nông nghiệp... cũng như hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các cơ chế đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Trong thời gian qua, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và các nước châu Phi đã đạt kết quả khích lệ, nhất là trong khuôn khổ hợp tác Nam - Nam. Việt Nam và nhiều quốc gia châu Phi cũng trở thành đối tác thương mại nông sản hàng đầu của nhau.

Năm 2020, thương mại nông sản giữa hai bên đạt 3,1 tỷ USD, chiếm khoảng 45% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với châu Phi. Các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang châu Phi chủ yếu là gạo, cà phê, hạt tiêu, chè, hải sản (cá tra, tôm, cá basa, cá ngừ đóng hộp)... Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã thâm nhập tốt và có chỗ đứng tại thị trường châu Phi, được người dân sở tại ưa chuộng.

Trong khi đó, nhiều mặt hàng nông sản của châu Phi như bông, gỗ, hạt điều thô... có vai trò ngày càng quan trọng đối với công nghiệp chế biến phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu của Việt Nam.

Về phía các nước châu Phi, Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp Sierra Leone - Abu Bakarr Karim bày tỏ cảm ơn Chính phủ, chuyên gia Việt Nam thời gian qua đã hỗ trợ nhiều nước châu Phi phát triển nông nghiệp, trong đó có dự án phát triển lúa gạo tại Sierra Leone, đồng thời mong muốn Việt Nam tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo chuyên gia, hỗ trợ các dự án nông nghiệp trên cơ sở tìm kiếm các nguồn tài chính mới, thiết lập quan hệ đối tác công tư trong lĩnh vực sản xuất và chế biến nông sản...

Bộ trưởng Abu Bakarr Karim cho biết, châu Phi đang là thị trường tiềm năng cho hợp tác thương mại nông sản, nhất là sau khi Hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) có hiệu lực từ tháng 1/2021, hứa hẹn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại nội khối của châu Phi và với các đối tác.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh chia sẻ, hiện Việt Nam đã vươn lên thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông, thủy sản lớn trên thế giới.

Xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam không ngừng tăng, đạt mức kỷ lục 41,53 tỷ USD (năm 2020), tăng 3,3% so với năm 2019 với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, hạt điều và các loại thủy hải sản… Việt Nam đã cử gần 500 chuyên gia sang hỗ trợ phát triển nông nghiệp tại các nước châu Phi.

Thành công của các dự án hợp tác phát triển nông nghiệp tại Mozambique, Sierra Leone, Cộng hòa Guinea, Namibia, Senegal, Benin, Madagascar, Mali, Cộng hòa Congo... đã góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho nhiều nước châu Phi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam sẽ đề xuất với Chính phủ thành lập Trung tâm hợp tác Nam-Nam để làm đầu mối thúc đẩy hợp tác nông nghiệp với các nước châu Phi.

Đại diện Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), ông Chékou Oussouman, Trưởng đại diện Văn phòng OIF khu vực châu Á - Thái Bình Dương đánh giá cao việc hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và OIF; mong muốn Việt Nam là cửa ngõ cho các nước Pháp ngữ thâm nhập vào thị trường châu Á và ngược lại.

Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá tiềm năng và cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Phi là rất lớn và nhất trí nhiều phương hướng và cách tiếp cận mới nhằm nâng cao hơn nữa kim ngạch thương mại nông sản hai bên.

Trà My (T/h)