10 gợi ý tránh rắc rối khi tham gia mạng xã hội
Hiện nay, mạng xã hội đã nổi lên như là phương tiện liên lạc, giao tiếp và tương tác chính bên cạnh IM và email. Với các nhà hoạch định chiến lược PR, mạng xã hội còn là một công cụ hết sức hiệu năng.
1. Lựa chọn trang dịch vụ phù hợp với nhu cầu sử dụng
Điều đầu tiên cần phải xem xét là bản chất của mạng xã hội bạn đang sử dụng. Một số trang hướng đến những mối quan hệ nghề nghiệp và kinh doanh, một số khác lại thuần tuý chỉ là tương tác xã hội.
Các mạng xã hội Việt Nam có Yobanbe.vn, I-Pro.vn, Yume.vn, Ngoisaoblog.com, Clip.vn, Cyworld.vn, Cyvee.com, Phununet.com, Henantrua.com... Còn các mạng thế giới có Facebook, Twitter...
Hãy nắm rõ đặc trưng của dịch vụ. Rất có thể những người đang đọc có thể không cảm thấy phiền hà khi bạn đăng bài trên Twitter nhiều lần một ngày, nhưng trên Facebook, cập nhật thường xuyên status có thể gây ra hiệu ứng ngược nếu như bạn bè của bạn cứ phải theo dõi những thông tin đâu đâu như “tôi đang đi ăn”, “tôi định tới cửa hàng sắm đồ”...
Một điểm đáng lưu ý nữa là bạn nên sử dụng từng trang riêng cho những mục đích nhất định, nếu không trang của bạn sẽ trở thành một “nồi lẩu thập cẩm”.
2. Nắm rõ độc giả, người theo dõi trang của bạn
Tất cả các mạng xã hội đều là những công cụ giao tiếp trực tuyến. Khi bộc bạch trên mạng, điều đầu tiên mọi người vẫn quan tâm đó là: ai là người đang theo dõi, đọc bài viết của mình. Bởi lẽ độc giả sẽ không chỉ quyết định những gì bạn sẽ viết mà còn là cách bạn viết nữa.
Bạn phải nhớ một điều là sẽ khó có thể làm thoả lòng tất cả mọi người. Tốt nhất, bạn nên có quy định của riêng mình. Nếu ai đó không thích, họ có thể bỏ qua. Nếu họ không tuân theo quy định, bạn có thể gỡ họ bỏ khỏi danh sách bạn bè.
Điều cuối cùng là, hầu hết các trang mạng xã hội đều cho phép bạn quản lý độc giả sẽ theo dõi trang. Một lời khuyên hữu ích khi tham gia mạng xã hội là hãy biết cẩn trọng khi chọn bạn, bất kể bạn thuộc dạng người dễ tính hay thường kén cá chọn canh.
3. Chỉ viết những gì cần thiết phù hợp với độc giả, người theo dõi. Tránh phí thời gian vào những trò giải trí vô bổ trên các mạng xã hội
Một trong số những mối nguy hiểm nhất từ mạng xã hội bắt nguồn từ việc bạn đánh đồng nhóm độc giả, người theo dõi trang cá nhân của bạn là các đối tác làm ăn với bạn bè thông thường, người thân trong gia đình vv...
Quyết định sẽ đăng tải những gì cho phù hợp trên trang cá nhân sẽ là một bài toán không đơn giản, khi rất có thể những thông tin riêng tư, những cảm xúc cá nhân nào đó có thể hoạ vô đơn chí trở thành sơ hở để các đối thủ lợi dụng hoặc đối tác của bạn...bỏ đi.
Ngoài ra, còn hàng loạt game và ứng dụng thứ ba tràn ngập các trang mạng xã hội. Sẽ chẳng có chuyện gì nếu như bạn giải trí đôi chút, nhưng nếu như cứ tiêu tốn thời gian vào các trò không đâu, có thể bạn sẽ mất điểm với các nhà tuyển dụng tương lai hoặc với sếp hay các đối tác làm ăn!
4. Quan tâm đến bài viết của bạn bè
Nếu như mới tham gia vào mạng xã hội, có thể bạn sẽ không nhận ra rằng tất cả những ai có quyền truy cập đều có thể thấy được tất cả những gì mà bạn của bạn đã viết, những bức ảnh họ đăng trên trang riêng của họ.
Rất có thể một số bài viết của họ về bạn sẽ gây nên ít nhiều phiền phức. Hãy quyết định cho cẩn thận mỗi khi chọn bạn và ngược lại, lưu ý rằng: Đừng bao giờ đăng bất kì thứ gì trên trang của người khác mà có thể gây cho bạn bè phiền toái nếu như các sếp hay vợ/chồng, người thân của họ đọc được.
5. Một bức ảnh có giá trị ngàn lời, nhưng cũng có thể gây ra vô khối rắc rối
Điều đầu tiên, hãy lưu ý: đừng đăng tải ảnh hay video của bạn về những cảnh không hay ho như đang uống rượu, say sỉn, quần áo sộc sệch hở hang, khoe hình xăm vv...ngay cả khi bạn đang có ý định gây cười, ngay cả khi bạn hạn chế số người xem là các bạn bè thân cận nhất. Nhớ rằng, đến lúc bạn nhận ra sai lầm và gỡ bỏ thì đã có ai đó hứng thú lưu lại mất rồi.
Điều thứ hai đáng quan tâm là đừng đăng tải ảnh của người khác mà không được phép của họ, ngay cả những bức ảnh đàng hoàng nhất. Vẫn có một số người không thích mình bị quăng hình lên mạng.
Ngoài ra, cũng đừng quá ham hố với ảnh số. Chỉ nên chọn một vài bức ảnh đẹp nhất, thay vì cả bộ sưu tập. Sẽ chẳng ai quan tâm vì chúng có thể gây mỏi mắt.
6. Tránh bàn tán, đăng tải thông tin có thể sai lệch về những chủ đề nhạy cảm
Cũng giống như đang sống trong một “thế giới thực”, bạn phải cẩn trọng mỗi khi đưa ra quan điểm đánh giá hay nhận xét của mình, nhất là các chủ đề nhạy cảm như chính trị, tình dục, tôn giáo...
Bạn cũng nên chú ý mỗi khi viết về những vấn đề liên quan đến pháp lý hay thuế má. Ngoài ra, những câu chuyện tầm phào bâng quơ xảy ra ở công sở, một khi đưa lên mạng, rất có thể sẽ trở thành mối gây rắc rối cho bạn, thậm chí là chấm dứt hợp đồng lao động.
Cũng hãy nên cẩn trọng khi đáp lại những bài viết huênh hoang, khoác lác hay có vẻ thương cảm của người khác. Rất có thể bạn đang bị đặt vào một cãi bẫy nào đó.
7. Làm chủ cảm xúc, trạng thái tinh thần khi viết bài
Một khi ngòi bút bị “bẻ cong” vì men rượu bia, rất có thể những bài viết sẽ trở thành bản cáo trạng tố giác bạn sau này. Ngoài ra, khi có những cảm xúc mạnh như giận dữ, sợ hãi, đau khổ hoặc đơn giản là vì thiếu ngủ, khả năng đánh giá của bạn sẽ kém đi, mất tự chủ, có thể sẽ khiến bạn viết ra những điều không nên.
Trên các mạng xã hội chưa có tính năng kiểu như Mail Googles (bắt người dùng phải giải một bài toán nho nhỏ trước khi gửi bài), nhưng trước hết và quan trọng nhất, bạn hãy biết tỉnh táo và kiềm chế đúng lúc, mỗi khi viết bài, kẻo rồi lại “bút sa gà chết”.
8. Sẵn sàng nói “không” với những yêu cầu kết bạn của người lạ hay cắt đứt quan hệ với kẻ xấu
Đừng quá dễ dãi chấp nhận bạn mới, một khi chưa xác định được danh tính hay thái độ của người yêu cầu muốn trở thành bạn của bạn. Cứ tưởng tượng, nếu sẵn sàng chấp nhận tất cả các yêu cầu, chẳng khác nào bạn đang mở toang ngôi nhà của mình cho hàng trăm khách lạ đến trú ngụ, săm soi, bình phẩm mọi thứ bạn làm và viết. Tất nhiên, nếu quá khó tính, rất có thể bạn sẽ làm bạn bè tổn thương khi vô tình từ chối yêu cầu kết bạn của họ.
Khó khăn hơn cả là một khi bạn phải nói lời “chia tay” với ai đó đã nằm trong danh sách bạn bè. Tuy nhiên hãy “mạnh tay” khi bạn cảm thấy cần thiết.
9. Tìm hiểu cách sử dụng, tuỳ biết và những công cụ hữu ích của dịch vụ
Một trong những điều quan trọng nhất bạn cần quan tâm là phải làm sao nắm rõ trang mạng xã hội mình muốn “ở trọ”, nhất là các thông số cài đặt và lựa chọn tuỳ biến.
Các trang mạng xã hội thường cung cấp cho người dùng những công cụ bảo vệ riêng tư mạnh mẽ, hãy sử dụng chúng để tự bảo vệ danh dự, thông tin của mình.
10. Không nên sử dụng nickname
Bạn có thể cho rằng, cách tốt và đơn giản nhất để tránh mọi rắc rối có thể như đã kể trên là sử dụng nickname khi tham gia mạng xã hội. Tất nhiên, bạn hoàn toàn có thể tự tạo những tài khoản với danh xưng giả mạo và nói huênh hoang bất cứ điều gì bạn muốn mà chẳng ai biết. Nếu làm vậy, ngoài việc xa rời mục đích của mạng xã hội là để biết mọi người ra sao và làm sao giúp họ hiểu về mình, bạn cũng có thể vi phạm các điều khoản sử dụng dịch vụ (ToS- Terms of Sevice) thường thấy trên hầu hết các trang mạng xã hội.