10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Gần 1.000 website VN bị tin tặc TQ tấn công
Ngay trong những ngày nghỉ Lễ 2/9, giới tin tặc Trung Quốc lại tấn công hàng loạt Website của Việt Nam. Đây cũng là sự vụ VT-CNTT nổi bật nhất tuần qua.
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Người dùng phải chịu trách nhiệm về thông tin trên MXH
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: VNPT nâng dung lượng kênh Internet quốc tế
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Việt Nam xếp thứ 3 thế giới về thư rác
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Bộ TT-TT sẽ quản lý đầu số nhắn tin để giảm tin nhắn rác
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Việt Nam sẽ cung ứng 80% chip máy tính của Intel trên toàn cầu
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Tên miền tiếng Việt đạt 1 triệu tên trong tháng 7
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Bitcoin tại Việt Nam đang “tiền trảm, hậu tấu”?
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: “Lãnh đạo sở ngành rất kém về CNTT”
- Những sản phẩm số tiêu biểu năm 2007
1- Khai mạc Hội thảo hợp tác phát triển CNTT - TT Việt Nam lần thứ 18
Sáng 29/8, Bộ TT-TT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh và Hội Tin học Việt Nam tổ chức Hội thảo hợp tác phát triển CNTT - Truyền thông Việt Nam lần thứ 18.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của CNTT-TT trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Ông đánh giá rất cao sự vào cuộc tích cực của các tổ chức, đơn vị, địa phương trong việc triển khai ứng dụng CNTT-TT trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội. Theo ông, thông qua Hội thảo CNTT-TT lần thứ 18, các tổ chức, đơn vị, địa phương sẽ có những giải pháp kỹ thuật công nghệ mới nhằm xây dựng mô hình chính quyền điện tử hoàn thiện, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Hình ảnh về Hội thảo.
Ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, việc xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh không chỉ đơn thuần là đầu tư kinh phí mua sắm thiết bị, phần mềm tin học mà đã thực hiện đồng bộ 4 nội dung căn bản: Xây dựng được hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ, kết nối băng thông rộng tạo thành hệ thống liên thông thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã trong các cơ quan Nhà nước và các cơ quan Đảng; rà soát, chuẩn hóa toàn bộ thủ tục hành chính của 3 cấp chính quyền; thiết lập mô hình Trung tâm Hành chính công để giải quyết TTHC cho tổ chức, công dân theo phương thức nhanh gọn, công khai, minh bạch,… Sau khi đi vào hoạt động, các Trung tâm Hành chính công đã tiếp nhận giải quyết trên 40.000 bộ hồ sơ của tổ chức, công dân, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt trên 96%, trong đó có trên 12.000 bộ hồ sơ được thẩm định, phê duyệt tại chỗ (đạt 30%). Việc thực hiện theo mô hình này đã tạo thuận lợi tối đa cho các tổ chức, công dân khi đến giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính, được nhân dân ghi nhận và hưởng ứng tích cực; được lãnh đạo Trung ương đánh giá cao và đồng tình ủng hộ.
2- Tin tặc TQ lại đồng loạt tấn công các website Việt Nam
Trước ngày 2/9 (ngay trong những ngày nghỉ Lễ vừa qua), đã có tổng cộng 745 websites của Việt Nam bị hacker Trung Quốc tấn công, cụ thể: Ngày 28/8/2014, hacker Trung Quốc tấn công 289 websites của Việt Nam và chiếm quyền điều khiển, thay đổi giao diện website (defacement). Trong ngày 2/9, các hacker Trung Quốc tấn công thêm 84 websites khác của Việt Nam. Và hôm 4/9, có thêm 373 websites của Việt Nam tiếp tục bị hacker tấn công, tuy nhiên trong đó phần lớn là các tên miền của công ty 123muaxe.vn.
Lợi dụng mấy ngày nghỉ Lễ, các tin tặc Trung Quốc đã đồng loạt tấn công gần 1000 Website của Việt Nam.
Thống kê cho thấy, trong số 745 websites bị tấn công gồm có: 8 websites của chính phủ (.gov.vn) và 40 websites của các tổ chức giáo dục (.edu.vn) tại Việt Nam.
Tất cả danh sách các website bị tấn công này đã được các tin tặc Trung Quốc đăng tải trên websites 1937cn.net - một diễn đàn an ninh mạng nhằm mục đích kích động các hacker tấn công các websites của Việt Nam. Tuy nhiên, không chỉ riêng có 1937cn.net tham gia tấn công, Sky-Eyeye -một nhóm hacker lớn của Trung Quốc cũng tham gia và đã thực hiện tấn công gần 100 websites của Việt Nam.
Trước vấn đề nghiêm trọng này, SecurityDaily đã đưa ra khuyến cáo các quản trị website tại Việt Nam nên kiểm tra website của mình trong danh sách các website bị tấn công. Các websites bị hack cần rà soát lại toàn bộ website của mình, xóa bỏ các cửa hậu có thể đang tồn tại trên hệ thống và đồng thời thực hiện các biện pháp đánh giá, củng cố bảo mật để tránh việc tiếp tục trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công. Đối với các website không nằm trong danh sách bị tấn công, SecurityDaily đưa ra lời khuyên các quản trị cần cập nhật các phiên bản mới nhất cho các nền tảng đang sử dụng. Thực hiện kiểm tra, đánh giá bảo mật cho websites của mình.
3- Xin giấy phép kinh doanh ở Quảng Ninh giảm còn 3 ngày
Không chỉ giúp rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, CNTT còn giúp các cơ quan nhà nước tăng cường năng lực quản lý, nắm bắt thông tin, nâng cao hiệu lực pháp luật và giúp quản lý hành chính minh bạch hơn và đây là nội dung được đưa ra trong Hội thảo “Chính quyền điện tử: Hỗ trợ cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh” cuối tuần qua tại Quảng Ninh.
Thực tế triển khai Chính quyền điện tử kết hợp Trung tâm hành chính công ở Quảng Ninh đã cho những kết quả đang khích lệ như: 5 bước giải quyết thủ tục hành chính trước kia đã giảm bớt còn 3 bước (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt), thời gian giải quyết thủ tục hành chính cũng giảm đáng kể như việc xin giấy phép kinh doanh trước kia mất 5 ngày nay chỉ còn 3 ngày… Người dân có thể trực tiếp tra cứu thông tin hồ sơ đã được giải quyết đến đâu tại nhà qua phần mềm hành chính công hoặc tra cứu trực tiếp trên cây kiosk tại Trung tâm thông qua mã vạch được cấp. Quảng Ninh đang nghiên cứu, chuẩn bị triển khai việc tra cứu trực tiếp trên điện thoại di động.
Gần 800 đại biểu đã chia sẻ, bàn luận các định hướng về chính sách CNTT, giải pháp tổng thể cho chính quyền điện tử, hạ tầng thông tin trong định hướng xây dựng Chính quyền điện tử, thúc đẩy thuê, sử dụng dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước tại Hội thảo này. Hội thảo cũng chia sẽ những kinh nghiệm ứng dụng phát triển CNTT vào xây dựng Chính quyền điện tử như mô hình Quảng Ninh, Đà Nẵng...; mô hình thuê mua dịch vụ CNTT - hệ thống điều hành điện tử quốc hội e-Pas.
4- VinaPhone hợp tác với Vodafone
Vinaphone vừa ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Vodafone, một tập đoàn Viễn thông hàng đầu thế giới, nhằm đẩy mạnh lĩnh vực hợp tác và kinh doanh quốc tế.
Theo VinaPhone, đây cũng là một hoạt động chính trong khuôn khổ hợp tác chiến lược giữa Conexus (liên minh các mạng di động hàng đầu Châu Á mà VinaPhone là thành viên) với Tập đoàn Vodafone.
Trên cơ sở thỏa thuận này, VinaPhone và Vodafone tin tưởng sẽ tận dụng được những lợi thế về thị trường, kỹ thuật, kinh nghiệm của các bên để cùng mang lại trải nghiệm và giá trị tốt nhất cho khách hàng. Với thỏa thuận này, VinaPhone trở thành nhà mạng duy nhất tại Việt Nam có hợp tác chiến lược với Vodafone.
“Thỏa thuận này sẽ giúp cải thiện vị trí của cả 2 trên thị trường Việt Nam, bên cạnh đó, khách hàng chính là những người được hưởng lợi ích lớn nhất bởi VinaPhone sẽ tiếp tục mang đến những dịch vụ chất lượng và thiết thực, đáp ứng nhu cầu của người dùng trong thời gian tới. Ngoài ra, việc hợp tác với Vodafone cũng sẽ giúp thương hiệu VinaPhone được biết đến nhiều hơn tại các thị trường khác trên thế giới”, ông Đoàn Xuân Hợp, người phát ngôn của VinaPhone khẳng định.
Còn ông Vittorio Colao, CEO của Vodafone cho biết: “Việc ký kết thoả thuận đẩy mạnh kinh doanh quốc tế giữa Vodafone và VinaPhone xây dựng trên cơ sở hợp tác lâu dài và thành công của cả 2 bên trong các lĩnh vực: khách hàng doanh nghiệp, roaming, dịch vụ giá trị gia tăng… Vodafone có thể mang đến các sản phẩm và dịch vụ quốc tế đến Việt Nam cũng như những dịch vụ sở hữu riêng duy nhất cho nhu cầu từng thị trường như chúng tôi đã từng làm khắp nơi trên thế giới.”
5- VNPT ký kết Hợp tác chiến lược với UBND tỉnh Kiên Giang
Ngày 4/9, Lễ ký kết Bản hợp tác chiến lược về VT- CNTT giai đoạn 2014-2020 giữa UBND tỉnh Kiên Giang và Tập đoàn VNPT đã diễn ra tại Hà Nội.
Theo Bản hợp tác, VNPT và UBND tỉnh Kiên Giang sẽ hợp tác chiến lược trong 4 lĩnh vực: Xây dựng hạ tầng VT-CNTT đáp ứng nhu cầu triển khai Chính phủ điện tử của tỉnh Kiên Giang; Ứng dụng CNTT để xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh; Xây dựng giải pháp tổng thể an toàn thông tin, Chính quyền điện tử và đào tạo nguồn nhân lực VT-CNTT cho tỉnh.
Cụ thể, để đáp ứng nhu cầu triển khai Chính quyền điện tử của tỉnh Kiên Giang, VNPT sẽ phối hợp, hỗ trợ tỉnh đánh giá tổng thể hiện trạng, nhu cầu về hạ tầng mạng truyền số liệu, về lưu trữ dữ liệu để lập kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng VT-CNTT trên địa bàn. VNPT sẽ cung cấp các dịch vụ truyền dẫn, chứng thực chữ ký số, lưu trữ dữ liệu, các dịch vụ viễn thông khác phục vụ việc kết nối, điều hành và triển khai Chính quyền điện tử của tỉnh.
VNPT cũng cam kết hỗ trợ tỉnh Kiên Giang xây dựng đề án và cung cấp giải pháp tổng thể an toàn thông tin, chính quyền điện tử phù hợp với qui hoạch và định hướng của tỉnh, bao gồm: Tư vấn hoàn thiện chính sách an toàn, an ninh thông tin; Kiện toàn qui trình quản lý, tổ chức phân loại thông tin và quản lý truy cập; Xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT, cung cấp giải pháp đảm bảo thực thi chính sách an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu thiết lập Chính quyền điện tử tỉnh Kiên Giang.
Tỉnh Kiên Giang cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để VNPT tiếp cận, nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu ứng dụng CNTT của các Sở, Ban, Ngành vào quản lý, điều hành, cung cấp dịch vụ hành chính công. Đồng thời, Tỉnh Kiên Giang cũng tạo điều kiện để VNPT triển khai đầu tư, chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ VT-CNTT, đào tạo nguồn nhân lực VT-CNTT chất lượng cao phục vụ các lĩnh vực KT-XH mà tỉnh Kiên Giang có nhu cầu.
Được biết, VNPT đã ký kết và trở thành đối tác chiến lược trong xây dựng chính quyền điện tử với 6 UBND tỉnh/thành phố khác, gồm: Hải Phòng, Tiền Giang, Phú Yên, Điện Biên, Tây Ninh, Hà Nam và lần này là Kiên Giang.
6- Mua sắm trực tuyến bằng thiết bị di động tăng nhanh
58% người tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng thiết bị di động để mua sắm trực tuyến. Với tỷ lệ này, tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ xếp sau Indonesia 62% và Philiphines 61%.
Đây là kết quả nghiên cứu toàn cầu của Nielsen về thương mại trực tuyến được khảo sát trên 30 ngàn người có sử dụng kết nối internet tại 60 nước trong những tháng đầu năm 2014 để tìm hiểu về việc mua sắm trực tuyến mới được công bố. Khu vực ASEAN có 6 quốc gia tham gia khảo sát này gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philiphines, Thái Lan và Singapore.
Indonesia, Philiphines, Việt Nam, Thái Lan hiện được xếp vào danh sách Top 10 toàn cầu trong việc sử dụng điện thoại di động để mua sắm trực tuyến. Mặc dù máy tính vẫn chiếm ưu thế trong việc mua sắm trực tuyến, nhưng khoảng cách này đang rút ngắn lại so với trên thiết bị di động. Và người tiêu dùng Việt Nam hiện đứng thứ tư trong khu vực, sau Indonesia, Singapore và Malaysia sử dụng máy tính để mua sắm trực tuyến.
Kết quả nghiên cứu cho thấy các dịch vụ du lịch; vé xem phim, nhạc kịch, tham dự triển lãm, xem các trận đấu thể thao được người tiêu dùng tại khu vực ASEAN đặt mua nhiều nhất. Điều này cho thấy các mặt hàng được chọn mua sắm trực tuyến đã thay đổi căn bản. Năm 2012 các mặt hàng như máy tính, phần mềm trò chơi, điện thoại di động và quần áo… được đặt mua trực tuyến nhiều nhất.
7- DN cung cấp phải đảm bảo chất lượng truy nhập Internet thành công trên 90%
Kể từ ngày 1/3/2015, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet (ISP) trên mạng viễn thông di động mặt đất IMT-2000 phải đảm bảo chỉ tiêu tỷ lệ truy nhập thành công dịch vụ đạt từ 90% trở lên. Đó là một trong những nội dung chủ yếu trong Thông tư 10/2014/TT-BTTTT ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truy nhập Internet trên mạng viễn thông di động mặt đất IMT-2000” - Quy chuẩn QCVN 81:2014/BTTTT của Bộ TT-TT.
Cụ thể, Quy chuẩn quy định: Chỉ tiêu về tỷ lệ truy nhập thành công dịch vụ (tỷ lệ giữa số lần truy nhập thành công dịch vụ trên tổng số lần truy nhập dịch vụ) phải đạt từ 90% trở lên. Ngoài ra, thời gian trễ truy nhập dịch vụ trung bình phải không lớn hơn 10 giây.
Phương pháp xác định các chỉ tiêu chất lượng nêu trên là phương pháp mô phỏng với số lượng mẫu đo tối tiểu là 1.500 mẫu, phân bố đều theo các điều kiện đo kiểm: Trong nhà, ngoài trời tại các vị trí cố định, đo ngoài trời di động, với mỗi điều kiện đo kiểm thực hiện đo vào các giờ khác nhau trong ngày, trong vùng cung cấp dịch vụ. Khoảng cách giữa hai mẫu đo liên tiếp xuất phát từ một thiết bị người dùng không nhỏ hơn 30 giây.
8- “Lập lờ” gói cước Default - dịch vụ ANY BOOK của Viettel
Lời cảnh báo của một thành viên trên mạng xã hội đã khiến hàng nghìn thuê bao di động trả trước của Viettel “giật mình” vì hằng tháng, mình đã phải trả một dịch vụ mà thực chất không biết, hoặc chưa từng sử dụng tới. Nội dung cảnh báo như sau: “Những ai dùng mạng Viettel trả trước chú ý nhé. Có một dịch vụ đọc sách họ cài sẵn trong SIM của chúng ta tên là ANY BOOK”.
“Mỗi tháng, họ móc túi của chúng ta 9.000 đồng. Trong khi chúng ta không hề biết việc mình bị trừ tiền vì lý do gì. Các bạn hãy soạn tin “HUY” gửi đến 2828. Mình đảm bảo các bạn sẽ nhận được tin “Quý khách đã hủy thành công gói cước Default của dịch vụ ANY BOOK”.
Cảnh báo này đã được lan truyền rất nhanh trên cộng đồng mạng. Tất cả các thuê bao điện thoại trả trước của Viettel đã nhanh chóng soạn cú pháp “HUY” gửi đến số 2828 và đúng như lời cảnh báo, các thuê bao đều nhận được dòng tin hồi đáp của Viettel.
Các thuê bao đều cho rằng, Viettel đã dùng “chiêu trò” móc túi khách hàng, đặc biệt với thuê bao trả trước bằng việc khấu trừ tiền trực tiếp vào tài khoản, khiến khách hàng rất khó phát hiện. Nếu Viettel coi trọng quyền lợi của khách hàng thì khi áp dụng bất kỳ dịch vụ gì, khách hàng phải được thông báo, đồng ý sử dụng dịch vụ đó. Rất nhiều khách hàng không hề biết có dịch vụ Anybook của Viettel.
Về vấn đề này, Tổng Công ty Viễn thông Viettel thông tin lại như sau: “Huy” gửi 2828 là cú pháp dịch vụ Anybook của Viettel. Trước thời điểm ngày 21/8/2014, hệ thống khai báo các khách hàng chưa đăng ký gói cước Anybook (9.000đ/tháng) là thuê bao “default” (không cước thuê bao), nhằm thuận tiện cho khách hàng có thể truy cập website http://anybook.vn đọc hàng trăm đầu sách miễn phí bất kỳ lúc nào. Để phân biệt với các khách hàng đang dùng gói cước có thu phí, các thuê bao này khi nhắn tin “HUY” gửi 2828 sẽ nhận được tin nhắn trả lời có nội dung “Quý khách đã hủy thành công gói cước default”. Viettel khẳng định từ khi cung cấp dịch vụ Anybook (năm 2012), các thuê bao mặc định gói cước default không bị thu bất kỳ khoản phí nào.
Sau khi nhận được ý kiến thắc mắc của khách hàng, đêm 20/8, Viettel đã sửa cú pháp tin nhắn theo tình trạng của từng thuê bao để khách hàng yên tâm. Theo đó, đối với các thuê bao default, khi nhắn HUY sẽ trả về tin nhắn: “Quy khach chua dang ky dich vu Anybook. De dang ky dich vụ, soan: DK gui 2828 (9.000đ/thang)….”. Viettel xin lỗi khách hàng vì đã để ra những hiểu lầm đáng tiếc...
9- VNPT hợp tác với Điện lực kéo cáp quang biển ra huyện đảo Phú Quốc
Thực hiện chủ trương của Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang về việc đầu tư hạ tầng mạng cáp quang ra huyện đảo Phú Quốc, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội tại huyện đảo; sau thời gian chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật, ngày 30/8, VNPT Kiên Giang đã phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam đấu nối thành công tuyến cáp quang biển đầu tiên kết nối đất liền và huyện đảo Phú Quốc.
Tuyến cáp quang biển này có dung lượng đến 20GB/s, gấp 10 lần so với dung lượng đường truyền viba đang phục vụ hiện nay. Từ đây, người dân và du khách tại Phú Quốc được sử dụng các dịch vụ Internet băng thông rộng, tốc độ cao (MegaVNN, FiberVNN), Truyền hình theo yêu cầu – MyTV, di động Vinaphone, các dịch vụ Truyền số liệu với chất lượng cao, thay cho tình trạng chập chờn, nghẽn mạng như trước đây.
Được biết, tuyến cáp quang biển Phú Quốc được thi công tích hợp bên trong tuyến cáp điện ngầm 110KV, có chiều dài 56km, được chôn ở độ sâu 0,7m đến 1,5m dưới đáy biển. Điểm đầu của tuyến cáp ngầm bắt đầu từ xã Thuận Yên, thị xã Hà Tiên và điểm cuối tại xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc.
Hiện, VNPT Kiên Giang là đơn vị duy nhất cung cấp các dịch vụ VT-CNTT bằng đường truyền cáp quang trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc.
10- “Nông thôn @”: Góc nhìn mới về người nông dân
Với mục tiêu xây dựng hình ảnh nông thôn mới thế kỷ 21, vừa qua, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT đã phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phát sóng chương trình “Nông thôn @” nhằm cung cấp thông tin phục vụ đông đảo bà con nông dân trên cả nước.
Theo đó, chương trình sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho bà con nông dân về những con người thật, việc thật - là các gương điển hình SXKD giỏi trên khắp các vùng miền của cả nước đã thành công nhờ trải nghiệm, ứng dụng VT-CNTT.
Qua chương trình, bà con nông dân sẽ được lựa chọn và ứng dụng các dịch vụ Internet, dịch vụ di động, dịch vụ CNTT trong cuộc sống, trong SXKD cũng như trong nghiên cứu, học tập.
Chương trình gồm 2 chuyên mục: “Góc nhìn cuộc sống”, là những câu chuyện và phỏng vấn những tấm gương tiêu biểu về nông dân sản xuất giỏi và chuyên mục “Đường tin”, cung cấp tin tức hữu ích cho người nông dân.
Chương trình “Nông thôn @” phát sóng lúc 11h45 – 11h50 và phát lại vào 17h55 – 18h00 vào thứ Hai và thứ Tư hàng tuần trên kênh VOV1 và VOV2, bắt đầu từ tháng 9/2014.
Đặc biệt, cũng từ tháng 9/2014, Tạp chí XHTT hân hạnh được bảo trợ thông tin cho chương trình này. Trân trọng kính mời độc giả gần xa đón nhận và theo dõi online chương trình qua www.xahoithongtin.vn.
Thanh Trà (tổng hợp)