10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: 50.000 địa chỉ email ở VN bị hack

08:44, 15/09/2014

Một hacker Nga vừa công bố gần 5 triệu địa chỉ email, trong đó đa phần là Gmail và có khoảng 50.000 địa chỉ ở Việt Nam. Đó là sự vụ VT-CNTT Nổi bật nhất tuần qua.

1- VNPT và Ủy ban Dân tộc ký kết Chương trình hợp tác giai đoạn 2014-2020

Sáng ngày 9/9, tại trụ sở chính Tập đoàn VNPT, đã diễn ra lễ ký kết Chương trình hợp tác về VT-CNTT&TT giai đoạn 2014-2020 giữa Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

 

Hai bên tiến hành nghi thức ký kết hợp tác.

Chương trình sẽ được triển khai trên 4 lĩnh vực: Xây dựng hạ tầng VT-CNTT&TT đáp ứng nhu cầu triển khai Chính phủ điện tử của Ủy ban Dân tộc; Ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Ủy ban Dân tộc; Truyền thông công tác dân tộc, cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Đào tạo nguồn nhân lực VT-CNTT&TT.

Được biết, trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội cùng dân tộc miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biết khó khăn, Tập đoàn VNPT đã và đang là đơn vị đi đầu trong việc kết nối thông tin liên lạc, rút ngắn khoảng cách địa lý, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển, giúp đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận khoa học công nghệ hiện đại, tiếp cận thông tin, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần… Cạnh đó, Tập đoàn VNPT còn tích cực tham gia các chương trình xóa đói giảm nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo thuộc những vùng khó khăn nhất của đất nước; đã hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, giúp giảm nghèo đối với 2 huyện nghèo nhất nước là Mường Tè và Sìn Hồ của tỉnh Lai Châu. Đặc biệt, VNPT vẫn phát huy hiệu quả vai trò quan trọng trong việc “thu hẹp khoảng cách số”, từng ngày đưa CNTT-VT, phát triển đa dạng dịch vụ Internet tốc độ cao đến các vùng sâu, vùng xa…

Cũng trong tuần, ngày 11/9, Tập đoàn VNPT và UBND tỉnh Ninh Thuận ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược về VT-CNTT giai đoạn 2014 - 2020 và kế đó, ngày 13/9, Tập đoàn VNPT và UBND tỉnh Nghệ An ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược về VT-CNTT giai đoạn 2014 - 2020.

2- Gần 5 triệu địa chỉ email vừa bị hack, trong đó 50.000 địa chỉ Gmail ở VN

Ngày 9/9, một hacker người Nga đã công bố một bản danh sách gần 5 triệu tài khoản email và mật khẩu kèm theo. Trong đó, ngoài các tài khoản của Yandex và một số trang khác, phần lớn là các địa chỉ Gmail ở các nước nói tiếng Anh, Nga… và một phần là của người dùng Gmail ở Việt Nam.

 

Bản danh sách các địa chỉ email bị hack.

Theo đó, hacker có nick là "tvskit" đã đăng tải một danh sách 4.930.000 địa chỉ email và mật khẩu trên diễn đàn Bitcoin Nga BTCsec. Theo kiểm tra của SecurityDaily từ danh sách email nói trên, có khoảng 50.000 địa chỉ Gmail của người dùng ở Việt Nam bị rò rỉ.

Tuy nhiên, nó được cho rằng, khoảng 60% các mật khẩu bị hack kia là có giá trị.

Còn một số thành viên diễn đàn khi xem danh sách được công bố, cho rằng các mật khẩu có từ khoảng 10 năm đã lỗi thời, một số tài khoản khác hiện đã bị đình chỉ hoặc ngừng hoạt động trong nhiều năm.

Trước sự việc này, đại diện của Google và Yandex giải thích với CNews rằng, danh sách các địa chỉ email đã được tạo ra bằng cách kết hợp danh sách địa chỉ email bị xâm nhập từ các năm trước, mà không có các tài khoản mới.

Hiện, chưa có thông tin nào về việc Gmail bị tấn công. Tuy nhiên, rất có thể các địa chỉ bị lộ từ các chiến dịch lừa đảo, giả mạo của các nhóm hacker. Tuy nhiên, phía SecurityDaily khuyến cáo người dùng cẩn kiểm tra địa chỉ email trong danh sách bị tấn công và thay đổi mật khẩu ngay nếu thuộc danh sách này. Người dùng cần kích hoạt tính năng xác thực 2 bước của Google để tăng cường an ninh cho tài khoản.

Để phòng tránh bị lấy cắp tài khoản, người dùng không nên click vào bất cứ đường dẫn nào được gửi trong email, không tải và mở các tập tin đính kèm trong email lạ. Ngoài ra, cần phải chắc chắn đăng nhập địa chỉ của Gmail như gmail.com, mail.google.com, accounts.google.com và đã được bảo vệ bởi https.

3- Hơn 80% tên miền tiếng Việt đã đăng ký chưa đưa vào sử dụng

Theo báo cáo của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), tính đến đầu tháng 9/2014, đã có 151.909 tên miền tiếng Việt kích hoạt dịch vụ trên tổng số 1.006.306 tên miền tiếng Việt đã đăng ký.

Như vậy, mặc dù số lượng tên miền tiếng Việt đã cán mốc 1 triệu, đưa Việt Nam lọt vào Top các quốc gia có số lượng tên miền bản địa lớn nhất thế giới, tuy nhiên, con số này cho thấy tỷ lệ tên miền tiếng Việt được đưa vào sử dụng trong cuộc sống mặc dù đang có xu hướng tăng song vẫn còn thấp, chỉ mới chiếm xấp xỉ 20%. Cụ thể, năm 2012 đạt 10,15%, năm 2013 đạt 13,66%, tháng 7/2014 đạt 18,07%.

4- Truyền hình trả tiền (THTT) còn nhiều cơ hội

Ngày 11/9, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị quốc tế về “Cơ hội phát triển truyền hình trả tiền tại Việt Nam”, do Tổng Công ty Truyền hình cáp Việt Nam (VTVCab) và Hiệp hội Truyền hình trả tiền châu Á -Thái Bình Dương (CASBAA) phối hợp tổ chức, với sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ các thương hiệu truyền hình hàng đầu thế giới cùng các đơn vị truyền hình và truyền thông trong nước.

 

Họp báo công bố Hội nghị quốc tế về cơ hội phát triển THTT tại Việt Nam.

Vấn đề quản lý giá sàn dịch vụ THTT và bản quyền truyền hình OTT là 2 nội dung chính được đề cập sâu trong Hội nghị này.

Với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây, đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của dịch vụ THTT, với sự mở rộng các hình thức như: Truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số mặt đất, truyền hình vệ tinh, truyền hình Internet và truyền hình di động.

Cụ thể, trong khoảng 3 năm trở lại đây, số lượng thuê bao THTT tại Việt Nam đã tăng đáng kể, từ khoảng 3,5 triệu đến khoảng 6,5 triệu thuê bao, tăng gần gấp đôi. Nó đã tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ THTT và cho thấy, tiềm năng phát triển của thị trường này còn rất lớn.

Tại Việt Nam, với quy mô hơn 90 triệu người và hơn 20 triệu hộ gia đình, nên CASBAA mong muốn hợp tác với VTVcab để đem lại lợi ích cho người sử dụng dịch vụ THTT cũng như toàn ngành công nghiệp này.

Hội nghị cũng là dịp để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm từ quốc tế và giới thiệu với các nhà đầu tư và đối tác về cơ hội hợp tác, sản xuất nội dung, chuyển giao công nghệ số hoá truyền hình giữa các đơn vị có liên quan trong lĩnh vực THTT tại Việt Nam.

5- Cảnh báo phương thức tấn công mới của “tin tặc” từ mạng LAN

Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước Bộ TT-TT tháng 8, diễn ra tại Hà Nội ngày 8/9, Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) cho biết: Qua theo dõi sát sao các cuộc tấn công mã độc có tính chất âm thầm và nguy hiểm cao trong thời gian qua, VNCERT đã phát hiện một phương thức tấn công mới trong mạng LAN - dùng để kết nối các máy tính cùng một khu vực vào với nhau để chia sẻ.

Theo đó, “tin tặc” dễ dàng tấn công ăn cắp mật khẩu, tài khoản trong mạng LAN của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và truy cập vào các mạng LAN này để gây hại.

Các cuộc tấn công mạng LAN thường sử dụng những công cụ và phương thức tấn công tinh vi hơn trước đây. Hiện VNCERT đang soạn thảo hướng dẫn, cảnh báo để các đơn vị chủ quản mạng LAN nâng cao cảnh giác.

6- Hàng vạn người Việt Nam đặt mua iPhone 6

Sau khi ra mắt sản phẩm iPhone 6, trong khi tại Mỹ không ít người xếp hàng nhiều ngày trước cửa hàng của Apple để trở thành người đầu tiên sở hữu iPhone 6, còn tại Việt Nam, dân chơi công nghệ cũng xếp hàng đặt “mua đón” iPhone 6 vào cuối tháng 9.

Khi thấy nhiều khách hàng ngỏ ý muốn mua iPhone 6, ngay lập tức, các cửa hàng chuyên bán dòng điện thoại smartphone đã nhanh chóng “nắm bắt thời cơ”, tư vấn khách hàng để lại số điện thoại và đặt cọc 1 triệu đồng và chờ đến ngày 19.9, khi iPhone 6 bán chính thức tại Hong Kong.

 

Nhiều cửa hàng tung ra chương trình khuyến mãi đặt hàng iPhone 6.

Một số cửa hàng điện thoại còn tung ra các “chiêu khuyến mãi”, dành cho những người nhanh tay đặt hàng sớm, từ giảm giá (bằng tiền) đến các phụ kiện, quà tăng kèm.

Trên các trang mua bán điện thoại cũng sôi động không kém. Chẳng hạn thegioididong đang chạy chương trình mua iPhone 6 giảm giá 60%, áp dụng cho tới 30/10; nhưng mỗi ngày có 1 khách hàng được giảm 60% và 10 khách hàng được giảm 1,6 triệu đồng (câu khách). Với chương trình này, họ đã có hơn 13.000 người tham gia đặt mua qua mạng.

Bởi thế, trong lúc chờ đợi đến ngày được “mục sở thị iPhone 6”, giá iPhone 6 tại Việt Nam cứ “loạn cả lên”.

Mối quan tâm của các tín đồ “quả táo cắn dở” thời điểm hiện tại chính là giá cả của bộ đôi iPhone 6. Tại Mỹ, iPhone 6 bản quốc tế 16 GB, 64 GB và 128 GB có giá tương đương với iPhone 5S lần lượt là 649, 749 và 849 USD (tương đương khoảng 13,6 triệu đồng đến 17,8 triệu đồng). Trong khi đó iPhone 6 Plus màn hình 5,5 inch lớn hơn có giá lần lượt là 749, 849 và 949 USD (tương đương khoảng 15,7 đến 20 triệu đồng). Với mức giá này, Techone đưa ra giá dự kiến 20 triệu đồng cho model 16 GB, đồng thời cam kết ngày 19/9 sẽ có hàng và đây cũng là mức giá mà thegiodidong đưa ra.

Mặc dù giá bán chính thức tại các thị trường ngoài Mỹ chưa công bố, nhưng hệ thống Shop Duck đã niêm yết giá rất chi tiết cho phiên bản quốc tế cả 3 màu xám, bạc, rượu vang Champagne. Cụ thể model 16 GB 22 triệu; 64 GB giá 25 triệu; 128 GB giá 28 triệu; iPhone 6 plus 16 GB giá 25 triệu, đắt nhất iPhone 6 Plus 128 GB giá 31 triệu đồng. Trong khi đó, trên trang mua bán, rao vặt, iPhone 6 xách tay từ Mỹ “nóng hổi” cũng được chào bán với giá từ 18 - 25 triệu đồng.

Nói chung là iPhone 6 đang loạn giá và loạn cả nhu cầu. Chẳng lẽ người Việt ta đã giàu và “sành điệu” đến thế (với cả vạn người đặt mua)!

7- Liên minh Internet châu Á hội đàm với Hiệp hội Internet Việt Nam

Hiệp hôi Internet Việt Nam tổ chức chương trình Hội đàm với Liên minh Internet châu Á vào ngày 9/9 với sự hiện diện của đại diện các công ty và tập đoàn lớn của các nước đang kinh doanh Internet.

Chương trình Hội đàm giới thiệu toàn cảnh Internet Việt Nam và định hướng phát triển dịch vụ CNTT và Internet, các ưu tiên của Bộ TT-TT. Ngoài ra, Hội đàm còn nhấn mạnh về các chính sách hiện tại và sắp ban hành về dịch vụ CNTT và Internet Việt Nam. Đây là chủ đề đang được các doanh nghiêp cả trong và ngoài nước quan tâm.

Tại Hội đàm, Liên minh Internet mới (Asia Internet Coalition – AIC) tuyên bố sẽ tập trung vào việc gắn kết với các nhà làm chính sách, những nhà sản xuất trong ngành công nghiệp và những người dùng. Còn, Hiệp hội Internet Việt Nam mong muốn hai bên có thể ngồi lại hợp tác về các mặt như: Nghiên cứu, Đào tạo và cùng tham gia tổ chức các hoạt động của hai bên. Đây cũng là một trong những nội dung trong thời gian tới sẽ tiến hành giữa hai bên.Cơ hội hợp tác, trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm giữa hiệp hội Internet Việt Nam và AIC.

8- Google, Apple, eBay, Yahoo phải có đầu mối pháp nhân tại VN

Ngày 10/9, Đoàn Liên minh Internet châu Á (AIC) đã có chuyến thăm và làm việc với Bộ TT-TT và đây là lần đầu tiên AIC đến làm việc tại Việt Nam. Các thành viên trong đoàn gồm ông Alex Long, Giám đốc Chính sách công và quan hệ Chính phủ Việt Nam, Công ty Google; ông Nick O'Donnell, Giám đốc Chính sách công khu vực châu Á Thái Bình Dương, Công ty Yahoo; bà Heather Grell, Giám đốc cấp cao Quan hệ Chính phủ, Công ty Apple; bà Isabelle Neo Xiao Yun, Giám đốc Quan hệ Chính phủ khu vực Đông Nam Á, Công ty eBay...

Lãnh đạo các công ty Google, Apple, eBay, Yahoo đặc biệt quan tâm tới những quy định trong Nghị định 72/2013 của Chính phủ Việt Nam và các văn bản liên quan tới việc quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Đồng thời bày tỏ mong muốn sẽ có đối thoại thường xuyên hơn với Bộ TT-TT để góp phần cải thiện chất lượng chính sách.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng, đại diện Bộ TT-TT tiếp đoàn cho biết về một số điểm quan trọng trong các văn bản pháp luật sắp tới, có liên quan đến hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ của các công ty trong AIC. Đáng chú ý là Việt Nam sẽ bảo đảm việc lưu thông thông tin trên Internet được thuận lợi nhất, không có sự cản trở trao đổi thông tin trên Internet. Đây là cam kết của Việt Nam trong quá trình đàm phán gia nhập Hiệp định TPP. Trong quá trình kinh doanh đầu tư cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam, doanh nghiệp kinh doanh Internet quốc tế không phải đặt hệ thống máy chủ tại Việt Nam. Và Chính phủ Việt Nam không yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet phải chịu trách nhiệm về nội dung của bên thứ 3.

Tuy nhiên, doanh nghiệp Internet, đặc biệt là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới sẽ phải phối hợp với Chính phủ Việt Nam để ngăn chặn, loại bỏ thông tin liên quan đến tội phạm, khủng bố, vi phạm pháp luật Việt Nam. Hai bên sẽ phải xây dựng cơ chế phối hợp trong quá trình hoạt động.

Đặc biệt, doanh nghiệp Internet quốc tế khi cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam phải có pháp nhân tại Việt Nam, phải thành lập văn phòng hoặc chỉ định cơ quan, tổ chức, cá nhân đại diện cho mình tại Việt Nam để khi cần có thể trao đổi thông tin nhanh chóng với Chính phủ Việt Nam.

9- Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về xem video trực tuyến

Google vừa công bố kết quả nghiên cứu về hành vi trực tuyến của người tiêu dùng  năm 2014, trong đó Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về tỷ lệ người xem video trực tuyến.

Cuộc khảo sát được dựa trên 1.000 người Việt 16 tuổi trở lên, được thực hiện bởi TNS trong quý I, II/2014. Báo cáo cho thấy hành vi trực tuyến của người dùng Việt trong thời đại Internet đang bùng nổ mạnh.

 

Xem video trực tuyến trên di động đang là xu hướng ở Việt Nam.

Theo kết quả khảo sát, năm 2014 người Việt Nam bắt đầu có những bước tiến hơn trong công nghệ khi tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) gia tăng đáng kể. Trong đó, nhóm tuổi tăng nhanh nhất là từ 16 đến 24. Năm 2013, nhóm tuổi này chỉ chiếm 27% tỷ lệ sử dụng smartphone, nhưng năm nay đã tăng gần gấp đôi lên 58%. Bên cạnh đó, nhóm tuổi trung niên 35 – 44 tuổi tăng 14% so với năm ngoái là 17%.

Ngoài ra, trong năm 2014, 36% người Việt Nam đang sử dụng smartphone để kết nối Internet, tăng 16% so với 2013 là 20%. Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng máy tính để bàn chỉ tăng 5%. Điều này cho thấy smartphone đang dần trở thành một phần quan trọng trong hành vi trực tuyến của người dùng Việt.

Cũng theo bảng khảo sát, Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về tốc độ tiếp cận những công nghệ mới theo thị trường, chỉ sau Phillippines. Trong đó, 59% người Việt Nam chỉ ra rằng công nghệ mới mang đến nhiều cơ hội cho họ hơn rủi ro.

Bên cạnh đó, trong quá trình online, người Việt Nam có khuynh hướng xem video trực tuyến khi online với tỷ lệ 85%, cao thứ 3 thế giới sau Ả Rập Saudi (97%) và Trung Quốc (92%). Chưa hết, con số này còn đáng chú ý hơn khi 78% cho biết họ sử dụng điện smartphone để xem video. Tỷ lệ này cao hơn Anh (61%), Pháp (62%).

Ngoài ra, khuynh hướng online của người tiêu dùng Việt cũng đang bắt đầu thay đổi khi 28% người dùng mua sắm online. Con số này thậm chí cao hơn cả thị trường Thái Lan (20%) – thị trường được xem là thiên đường mua sắm của Đông Nam Á.

10- Thành lập Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia (NEAC) thuộc Bộ TT-TT trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Chứng thực chữ ký số quốc gia thuộc Cục Tin học hóa thuộc Bộ TT-TT.

NEAC là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng khai thác hạ tầng an toàn thông tin phục vụ hoạt động giao dịch điện tử, bao gồm dịch vụ chứng thực chữ ký số và xác thực điện tử.

NEAC có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật, có trụ sở chính tại Hà Nội.

Thanh Trà (tổng hợp)