13 năm thành bại của Steve Ballmer tại Microsoft
06:00, 27/08/2013
Thứ 6 tuần trước, Giám đốc điều hành của Microsoft – ông Steve Ballmer đã tuyên bố, ông sẽ nghỉ hưu vào năm 2014. Năm 2000, khi tiếp quản Microsoft từ Bill Gates (người đã xây dựng lên hệ thống phần mềm khổng lồ và đã gặt hái được những thành công vang dội), Ballmer đã không lường được sự phát triển chóng mặt của Steve Jobs tại Apple với những sản phẩm để đời như iPod, iPhone và iPad – những sản phẩm đã làm nên một cuộc cách mạng mới về di động và làm cho Microsoft trở nên mờ nhạt. Tuy nhiên, đầu năm 2013, Steve Ballmer lại làm Microsoft hồi sinh bằng sản phẩm cốt lõi là Hệ điều hành Windows 8. Dưới triều đại của Ballmer, bên cạnh những tổn thất, Microsoft cũng đã gặt hái được những thành công nhất định.
ông Steve Ballmer - Giám đốc điều hành của Microsoft
Thành công
Windows XP - Hệ điều hành dành cho Desktop (máy tính để bàn) được Microsoft phát hành vào năm 2001 và được cài đặt cho trên 80% máy tính cá nhân trên toàn thế giới. Phần mềm này cũng đã chứng tỏ sức sống đáng kinh ngạc của mình. Nhiều nhà quản lý CNTT đã thất vọng trước những lỗi của Microsoft Vista nên đã quay sang dùng Windows XP cũ vì cảm thấy tin cậy hơn. Tính đến nay, XP đã tồn tại được 12 năm và vẫn hoạt động trên 39% máy tính để bàn trên toàn thế giới.
Xbox - Ra mắt vào năm 2001, là giao diện điều khiển trò chơi điện tử và thế hệ kế nhiệm nó là Xbox 360, đã bán được hơn 100 triệu đơn vị. Một số trò chơi bom tấn như "Halo" và "Gears of War" chỉ có sẵn trong Xbox. Hệ thống Kinect của Xbox đã được ca ngợi như một bước tiến mới trong game kiểm soát chuyển động, trong khi đó Xbox Live, mạng chơi game trực tuyến của Microsoft đã thu hút được đông đảo người tham gia và hiện có hơn 46 triệu thành viên trên toàn thế giới. Microsoft sẽ phát hành giao diện điều khiển thế hệ tiếp theo là Xbox One vào tháng 11 năm nay.
Bing - Công cụ tìm kiếm của Microsoft được Steve Ballmer giới thiệu vào năm 2009. Ngay từ lúc xuất hiện, Bing đã nhận được sự quan tâm của nhiều người sử dụng với những hình ảnh hấp dẫn và các tính năng tiên đoán văn bản, gợi ý người sử dụng thực hiện cách gõ từ truy vấn để có được kết quả tốt nhất. Mặc dù không phải là nền tảng chính thách thức sự thống trị của Google trong thời gian tới, nhưng Bing đã nổi lên như một đối đáng thủ đáng gờm. Bing đã dần trở nên phổ biến và chiếm 18% thị trường tìm kiếm tại Hòa Kỳ .
Windows Phone 7 (và 7.5) - Được khởi động vào cuối năm 2010 và đầu năm 2011, Microsoft đã hoàn thành việc xây dựng lại hệ điều hành di động của mình bằng cách thêm vào một giao diện trực quan hơn, các công cụ mạng xã hội tốt hơn và một màn hình độ nét cao với nhiều màu sắc sặc sỡ. Đây là một bước tiến lớn của Microsoft sau nhiều năm duy trì tình trạng kinh doanh an toàn.
Thất bại
Internet Explorer 6 - Từng là phiên bản trình duyệt dành cho máy tính để bàn của Microsoft được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới, nhưng đã bị chỉ trích vì các lỗi bảo mật và thiếu sự hỗ trợ dành cho các tiêu chuẩn Web hiện đại.
Zune – Thiết bị nghe nhạc di động được Microsoft công bố vào năm 2006 như một lời thách thức trước sản phẩm bán chạy nhất thế giới của Apple là iPod. Tuy nhiên, Zune đã không làm được điều đó và không bao lâu sau thị phần của sản phẩm này đã giảm xuống còn 2%. Bất lợi lớn nhất của Zune chính là các tính năng phức tạp thua xa iPod, bên cạnh đó vào ngày 31/12/2008, là ngày mà toàn bộ sản phẩm Zune bị đóng băng vì đồng hồ hiển thị của thiết bị nhận được (hoặc không nhận được) năm nhuận. Microsoft đành phải đưa Zune ra khỏi cuộc đời mình vào năm 2011.
Vista – Được phát hành vào năm 2007 và là sản phẩm kế nhiệm của Windows XP. Tuy nhiên, ngay lập tức Vista gặp phải những phản ứng của người sử dụng như chi phí cao, tốc độ chậm, điều khoản cấp phép hạn chế và làm thế nào bảo vệ được Vista trước sự sao chép của các phiên tiện kỹ thuật số. Một cuộc khảo sát những người dùng doanh nghiệp về Vista cho thấy, chỉ có 8% nói rằng họ "rất hài lòng" với hệ điều hành này. Với tỉ lệ người dùng thấp, 3 năm sau đó, Microsoft đã vội vã tung ra Windows 7.
Máy tính bảng Surface – Trong một nỗ lực muộn màng nhằm truất ngôi dẫn đầu thị trường của thiết bị iPad của Apple, tháng 10/2012, Microsoft công bố máy tính bảng Surface. Surface được tích hợp hệ điều hành Windows 8 và hệ thống phần cứng của chính Microsoft. Mặc dù được đánh giá tốt, nhưng Surface vẫn không đáp ứng được người tiêu dùng. Microsoft chỉ kiếm được 853 triệu USD kể từ khi ra mắt Surface cho đến kết thúc năm tài chính 2012 (bằng một phần nhỏ doanh số bán hàng của iPad cùng thời điểm). Theo các chuyên gia kinh tế, con số này đã cho thấy một kết quả đáng buồn của máy tính bảng Microsoft.
Hoàng Hải