2008: Viễn thông và máy tính cá nhân là những điểm sáng

00:00, 26/12/2008

 Năm 2008, khủng hoảng kinh tế đã giáng những đòn mạnh vào đến ICT Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp lao đao, các dự án của Chính phủ dậm chân tại chỗ và không thể giải ngân.... Nhưng thị trường máy tính cá nhân và viễn thông vẫn vô cùng sôi động.

Bối cảnh u ám

Từ quý 2/2008, "ông lớn" FPT công bố Kế hoạch C20, cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết và tối ưu lại nguồn nhân lực với mức giảm 20%. Nhiều công ty phải hoạt động cầm chừng, thậm chí thua lỗ và có nguy cơ đóng cửa.

Trong lĩnh vực gia công phần mềm, FPT Software (FSoft) chỉ đạt hơn 41 triệu USD, tức khoảng 40% so với mức hoạch định là 60%. Fsoft còn phải hoãn việc mở thêm chi nhánh ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) và ở London (Anh) cũng vì lo ngại tình hình kinh tế. Một số DN như Công ty phần mềm Tinh Vân (Tinh Vân Outsourcing) dù có kế hoạch phòng ngừa rủi ro khá sớm song vẫn bị ảnh hưởng trong việc kinh doanh và mở rộng khách hàng, đặc biệt ở thị trường Mỹ. Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, những DN lớn như FPT còn khó khăn như vậy thì các DN chỉ có vài khách hàng gặp rất nhiều rủi ro.

Năm 2008, các dự án ứng dụng CNTT của Nhà nước cũng lâm vào cảnh khó khăn. Đề án 112 thất bại, đề án "113" kế tục chưa thấy đâu, còn các dự án khác cũng không tiến triển được nhiều. Theo Bộ TT&TT, 200 tỷ đồng kinh phí trung ương hỗ trợ địa phương ứng dụng CNTT từ ngân sách dự phòng năm 2008 sẽ phải chuyển sang năm 2009. Còn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có 4 dự án CNTT sử dụng khoảng 165 triệu USD vốn ODA, nhưng tất cả đều... chậm so với kế hoạch.

Những điểm sáng

Theo thống kê mới nhất của Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDC, quí 3/2008, thị trường máy tính VN đã tăng trưởng 8,5% và đạt mức tăng 12,5% cả năm, lên 365.600 máy. Góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường máy tính phải kể đến công của "netbook". Trong quý 3/2008, doanh thu bán ra của các dòng netbook Asus, HP, Acer, Lenovo và CMS tăng trưởng thêm 179,1%,.

Cuối tháng 3.2008, Samsung Electronics công bố đầu tư gần 1 tỉ USD xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động và thiết bị viễn thông có quy mô thuộc hàng lớn nhất thế giới tại Khu Công nghiệp Yên Phong I, tỉnh Bắc Ninh. Theo kế hoạch, nhà máy này sẽ cung cấp 100 triệu sản phẩm mỗi năm, sử dụng trên 40% nguyên liệu từ các nhà cung cấp VN và khoảng 20 nghìn lao động.

Thị trường viễn thông VN tiếp tục phát triển sôi động khi số thuê bao của các mạng đều tăng mạnh. Cước ĐTDĐ và cố định tiếp tục giảm, khiến ngày càng nhiều người dân có cơ hội tiếp cận các dịch vụ này. Sau khi mạng di động mới là G-Tel được cấp phép, các nhà cung cấp tiếp tục cuộc đua hướng đến cấp lên các công nghệ mới như 3G và Wimax. Viettel và MobiFone đã tiến tới miễn phí máy đầu cuối cho khách hàng hoà mạng di động mới. Riêng Viettel còn thực hiện miễn phí cước thuê bao điện thoại Home Phone ở các vùng nông thôn trong cả nước (trừ Hà Nội và TP HCM).
 
Theo Laodong.com.vn