2015: Đây là năm của thương mại điện tử?

11:00, 23/01/2015

Thương mại điện tử là một mô hình bán hàng không mới nhưng lại chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam. Liệu trong năm 2015, thương mại điện tử có trở thành miếng bánh hấp dẫn để các ông lớn “nhảy" vào?

Thực chất thương mại điện tử đơn giản chỉ là việc đưa các sản phẩm, dịch vụ chào bán trên internet, mạng máy tính hay nói một cách ngắn gọn, cũng thể hiểu đây là một hình thức bán hàng trực tuyến có tổ chức và qui mô lớn. Hiện tại ở Việt Nam, chúng ta có thể liệt kê ra một danh sách dài các trang web thương mại điện tử như lazada.vn, 5giay.vn, vatgia.com, ebay,...

Quảng cáo online đôi khi gây lại ác cảm với người tiêu dùng. Ảnh: Hạo Nhiên

Những khó khăn của thương mại điện tử

Chưa bàn ra xa ngoài đất nước, hiện thị phần trong nước của thương mại điện tử rất nhỏ bé. Hãy tưởng tượng dân số của Việt Nam là 90 triệu người, số người dùng internet là 35 triệu người thì chỉ có khoảng 2 triệu người là sử dụng internet để mua sắm, một con số khá khiêm tốn khi nói về lượng khách hàng của thương mại điện tử.

Không những thế, người dùng vẫn còn quan ngại về các mặt hàng được bán online. Vì sao? Chúng ta vẫn còn thói quen “tai nghe, mắt thấy”, tự cầm trên tay và có nhiều người cho rằng việc thanh toán bằng thẻ tín dụng thật phiền phức. Hơn nữa, đã có nhiều trường hợp các công ty thương mại điện tử "treo đầu dê bán thịt chó” hay các sản phẩm không như các quảng cáo trên website của họ. Dù là việc không mong muốn nhưng những sự cố ấy một phần cũng là do quá lạm dụng thương mại điện tử và tư tưởng “đánh đồng” của một bộ phận người dùng.

Nhờ vào smartphone, doanh nghiệp có thể dễ dàng quản lý trang thương mại điện tử của mình. Ảnh: Hạo Nhiên

Lợi ích khi áp dụng thương mại điện tử

Không phủ nhận việc khởi nghiệp trên phương thức thương mại điện tử là vô cùng khó khăn. Song, thương mại điện tử vẫn có những hấp dẫn riêng của nó, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp trong nước, phần đa chưa áp dụng thương mại điện tử một cách rõ ràng.

Trước đây, các doanh nghiệp thường phụ thuộc vào mặt địa lý và khi muốn mở rộng thì phải mở chi nhánh 1, 2, 3,… Thì bây giờ, với thương mại điện tử sẽ không còn cần thiết nữa. Đối tượng khách hàng của thương mại điện tử cũng thế, họ không bắt buộc phải đến tận cửa hàng, đại lý để mua hàng.

Thay vào đó, tất cả những gì người dùng phải làm để sở hữu món đồ họ mong muốn đơn giản chỉ là những cú click chuột, điền thông tin, địa chỉ, thanh toán qua thẻ tín dụng và đợi hàng được gửi về. Tất nhiên, nếu người dùng lo lắng về việc liệu chất lượng sản phẩm có được như mong muốn thì đã có một số doanh nghiệp thực hiện chính sách thanh toán khi nhận hàng. Điều này sẽ dễ dàng hơn nếu người dùng muốn đổi món đồ mà họ không vừa ý.

Chi phí hoạt động cũng là lợi thế của thương mại điện tử. Không cần một lượng nhân viên đông đảo, cơ sở hạ tầng tốt, in ấn các poster, tờ rơi để quảng cáo,… Đơn giản, doanh nghiệp sử dụng thương mại điện tử chỉ cần một website chính chủ để đăng sản phẩm, tiền quảng cáo qua internet, Google, Facebook,...

Ebay, Amazon,... là những ông lớn thành công ở lĩnh vực thương mại điện tử. Ảnh: Internet

Các doanh nghiệp áp dụng mô hình thương mại điện tử có đang thành công?

Hiện tại, không phải là ít các doanh nghiệp sử dụng thương mại điện tử. Và đã có rất nhiều doanh nghiệp thành công, nếu không phải là trong lĩnh vực bán hàng thì cũng là từ nguồn đầu tư. Trên thực tế, các doanh nghiệp thương mại điện tử thành công ở Việt Nam không phải là hiếm. Ngoài những cái tên vốn đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng như vatgia.com, 5giay.vn,… thì trên sàn giao dịch thương mại điện tử đã xuất hiện những tên tuổi mới với tốc độ phát triển rất nhanh, điển hình có thể kể đến là tiki.vn, lazada.vn,…

Nếu như Vật Giá hay 5 Giây dường như đã trở thành thương hiệu không thể thay thế ở trong thương mại điện tử ở Việt Nam thì những công ty như Tiki hay Lazada lại từng bước đi lên và có được chỗ đứng. Cụ thể hơn, Tiki hiện đang là một trong những kênh bán hàng đa sản phẩm được khá nhiều bạn trẻ quan tâm bởi mức giá dễ chịu, mặt hàng phong phú, khả năng đáp ứng nhu cầu thị yếu,… Lazada cũng không hề thua kém, gần đây công ty mua sắm trực tuyến số một Đông Nam Á này đã nhận 200 triệu Euro từ các tập đoàn hàng đầu như Temasek, Rocket Internet, Kinnevik,…, và hiện tổng số tiền đầu tư vào Lazada đã đạt mức xấp xỉ 1 tỷ Euro.

Để thành công, cần rất nhiều "công thức". Ảnh: Internet

2015 là thời điểm để thương mại điện tử bùng nổ?

Theo một số chuyên gia, thương mại điện tử ở Việt Nam chỉ đang là giai đoạn sơ khai và cần có những tác động tích cực để mở rộng thị trường. Song, để làm được điều đó các doanh nghiệp thương mại điện tử cần phải có một chiến lược hoạt động lâu dài ở năm 2015 và về sau.

Cụ thể hơn, với thị trường chỉ khoảng 2 triệu khách hàng tiêu dùng thì việc thu hút người dùng vẫn còn là vấn đề nan giải. Tuy nhiên, nhìn về khía cạnh khách quan hơn, đơn cử là việc Lazada nhận số tiền đầu tư lên đến 200 triệu Euro. Điều này đã cho thấy được phần nào sự khởi sắc của sàn giao dịch thương mại điện tử, đồng thời hứa hẹn năm 2015 sẽ là năm của thương mại điện tử cả ở các doanh nghiệp dù là lâu năm hay vừa được thành lập.

Techz.vn