AI đang thay đổi mạnh mẽ ngành marcom ở Việt Nam
Các nhà làm marketing hiện nay có nhiều nền tảng, công cụ và kênh phân phối hơn. Lượng thông tin, dữ liệu và nguồn lực phục vụ cho sáng tạo cũng nhiều hơn. Tuy vậy, các chuyên gia marcom cho rằng trong thực tế, chất lượng sáng tạo, chiều sâu ý nghĩa của thông điệp, và tác động của nội dung đang có xu hướng giảm sút.
Marketing giỏi không chỉ là nhanh hơn, mà còn là sâu hơn, tinh tế hơn
Tại sự kiện Táo Marcom 2024 với chủ đề "Hiểu để Thương” do Câu lạc bộ Tiếp thị và Truyền thông Việt Nam - Vietnam Marketing & Communication Club (VMCC) tổ chức chiều 11/1, “Táo sáng tạo” Hồ Công Hoài Phương, đồng sáng lập The Partners, cho biết tất cả các chiến dịch marketing không chỉ là để quảng bá sản phẩm, mà còn là tạo ra những giá trị cảm xúc và ý nghĩa sâu sắc. Điều cốt lõi là biết cách nhìn vấn đề từ góc độ mới, từ đó biến những điều tưởng chừng bất lợi thành lợi thế. Theo đó, ông Phương cho rằng: “Marketing giỏi không chỉ là nhanh hơn, mà còn là sâu hơn, tinh tế hơn”.
Các chuyên gia tham gia phiên thảo luận tại sự kiện Táo Marcom 2024
Năm 2024 được xem là một năm đầy biến động, cả trên phạm vi thế giới lẫn tại Việt Nam. Những thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh kinh tế - xã hội cũng kéo theo những chuyển biến tương ứng trong lĩnh vực marketing và truyền thông. Đây là một năm với cả mặt sáng và tối, những nốt thăng và nốt trầm đan xen.
Trong bối cảnh đó, AI đã thay đổi mạnh mẽ tư duy marketing tại Việt Nam, giúp doanh nghiệp hiểu khách hàng sâu sắc hơn và nâng cao hiệu quả phục vụ. Thương mại điện tử cũng bùng nổ với các xu hướng như megalive, shoppertainment, và social commerce, trở thành công cụ marketing và bán hàng hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp vươn xa trong nền kinh tế số.
Ông Lại Tuấn Cường, “Táo AI”, nhà sáng lập kiêm CEO Repu Digital, đã chia sẻ về việc ứng dụng AI trong hiểu và tương tác với khách hàng trong lĩnh vực marketing. Theo đó, AI đã thay đổi hành vi của khách hàng trong quá trình tìm kiếm và mua hàng. Trước đây, khách hàng thường sử dụng các công cụ tìm kiếm như Google để tra cứu thông tin sản phẩm, dịch vụ, hoặc lịch trình du lịch. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người sử dụng AI, đặc biệt là các công cụ như ChatGPT, để giúp họ tìm kiếm thông tin và đưa ra quyết định.
“AI giúp khách hàng tìm kiếm thông tin một cách hiệu quả và tiện lợi hơn so với các công cụ truyền thống. Ví dụ, thay vì tìm kiếm lịch trình du lịch trên Google, bạn có thể hỏi ChatGPT để nhận được gợi ý chi tiết về điểm đến, thời gian, chi phí và kế hoạch cho chuyến đi”, ông Lại Tuấn Cường nói.
Các công cụ AI cũng có thể giúp doanh nghiệp phân tích cảm nhận thương hiệu và đối thủ cạnh tranh, từ đó đưa ra các chiến lược tối ưu hóa nội dung trực tuyến và nâng cao điểm mạnh của công ty. Đáng chú ý, “Táo AI” nhấn mạnh dù là làm thương mại điện tử, công ty B2B, hay cung cấp các sản phẩm B2C, các doanh nghiệp cần lưu ý AI có thể cung cấp cho họ các công cụ và giải pháp, nhưng chính cách sử dụng AI và chiến lược áp dụng của mỗi doanh nghiệp sẽ mang lại hiệu quả khác nhau.
Theo bà Đặng Thúy Hà “Táo Insight”, Giám đốc khu vực miền Bắc của NielsenIQ Vietnam, việc hiểu khách hàng đòi hỏi thu thập và phân tích dữ liệu từ hai nguồn chính, đó là dữ liệu thứ cấp (secondary data), là những thông tin đã được tổng hợp và công bố từ các nguồn khác nhau, và dữ liệu sơ cấp (primary data), được thu thập trực tiếp để đáp ứng các nhu cầu nghiên cứu cụ thể.
Từ góc độ công ty nghiên cứu thị trường, bà Đặng Thúy Hà cho biết NeilsenIQ Vietnam đã sử dụng AI từ khá lâu. Hiện tại, đội ngũ của công ty bao gồm khoảng 200 chuyên gia trên toàn cầu, trong đó gần 40 tiến sĩ chuyên về lĩnh vực AI và dữ liệu. Việc sử dụng AI đã cải thiện đáng kể quy trình xử lý và phân tích dữ liệu, giúp cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng và cung cấp các gợi ý đổi mới. Dù một số gợi ý chưa thể áp dụng ngay, chúng lại mở ra nhiều hướng phát triển tiềm năng.
Đặc biệt, bà Hà đã đề cập đến một xu hướng đáng chú ý khác là virtual respondent - các đối tượng khảo sát ảo, được tạo ra nhờ máy học, mô phỏng hành vi và phản hồi của con người. Những đối tượng này có thể được sử dụng để kiểm nghiệm sản phẩm mới hoặc ý tưởng truyền thông, mang lại hiệu quả đáng kể trong tương lai.
Rõ ràng, với sự phát triển của công nghệ, các nhà làm marketing đang ngày càng có nhiều nền tảng, công cụ, và kênh phân phối hơn. Lượng thông tin, dữ liệu và nguồn lực phục vụ cho sáng tạo cũng nhiều hơn. Tuy vậy, các chuyên gia marcom cho rằng trong thực tế, chất lượng sáng tạo, chiều sâu ý nghĩa của thông điệp, và tác động của nội dung đang có xu hướng giảm sút. Nhiều thương hiệu gặp khó khăn trong việc vượt qua sự bão hòa thông tin và áp lực doanh số, dẫn đến việc lạm dụng các thủ thuật khuyến mãi và giảm giá. Điều này không chỉ làm tổn thương giá trị thương hiệu mà còn khiến nó mất đi sự tự trọng vốn có.
Ngành sáng tạo nội dung thay đổi mạnh mẽ trước AI
Chia sẻ tại phiên thảo luận, “Táo content” Phùng Thái Học, nhà sáng lập cộng đồng Tâm sự con sen, cho biết ngành sáng tạo nội dung (content) vốn mang tính bao quát và khó định nghĩa, bởi bất kỳ hình thức thể hiện nào - từ sự kiện, bài viết, hình ảnh, video, âm thanh, màu sắc đến con người - đều có thể được xem là nội dung. Tuy nhiên, sự xuất hiện của AI đã tác động mạnh mẽ, làm thay đổi đáng kể cách thức gia nhập và vận hành trong ngành này.
Theo “Táo content”, sự hỗ trợ từ AI đã mang lại nhiều điểm sáng cho ngành content, đặc biệt AI đã “hạ thấp rào cản gia nhập ngành”. Với AI, việc sản xuất nội dung trở nên đơn giản và nhanh chóng hơn, cho phép bất kỳ ai, kể cả những người không có nhiều kinh nghiệm hay kiến thức chuyên môn, cũng có thể tham gia và đạt được những thành công ban đầu. Các công cụ như ChatGPT, MidJourney hay các nền tảng chỉnh sửa tự động đã giúp tự động hóa quy trình sản xuất, từ việc viết bài, tạo video đến việc lên ý tưởng. Nhờ đó, các bạn mới vào nghề (newbies) dễ dàng tạo ra những nội dung thu hút, tận dụng góc nhìn mới lạ cùng sự hỗ trợ từ AI.
AI cũng đã phá vỡ định kiến về vai trò của chuyên gia trong ngành. Sự sáng tạo giờ đây không còn bị giới hạn trong tay những người có kinh nghiệm lâu năm. Những người mới với tư duy “không ngại thử nghiệm” và sự hỗ trợ từ AI có thể tạo ra những nội dung độc đáo, thậm chí đôi khi vượt qua cả các chuyên gia nhờ góc nhìn táo bạo và khác biệt.
Bên cạnh đó, AI giúp tăng tốc độ đáp ứng nhu cầu của thị trường, vốn đòi hỏi sự nhanh nhạy và linh hoạt. Áp lực từ các nền tảng thương mại điện tử, đặc biệt trong các chiến dịch performance marketing, yêu cầu quy trình sản xuất nội dung diễn ra nhanh chóng và tối ưu hơn. AI đã hỗ trợ hiệu quả trong việc giải quyết bài toán này, giúp ngành content đáp ứng tốt hơn với những thách thức hiện đại.
Tuy vậy, ông Phùng Thái Học cũng cho rằng ngành content, dù có nhiều điểm sáng nhờ sự hỗ trợ của AI, vẫn đối mặt với không ít thách thức và mặt tối.
Thứ nhất, khi rào cản gia nhập ngành trở nên quá thấp, chất lượng nội dung dễ rơi vào tình trạng thiếu chiều sâu. Nhiều người mới bước vào nghề mà không có nền tảng kiến thức hoặc góc nhìn tổng quát, dẫn đến việc sản xuất ra các nội dung chỉ mang tính tạm thời, không đủ sức tạo ra giá trị bền vững trong dài hạn.
Thứ hai, thành công dễ dàng cũng khiến nhiều người trẻ trong ngành thiếu động lực học hỏi và phát triển. Với sự hỗ trợ từ AI, họ có thể nhanh chóng tạo nên những kênh TikTok bán hàng hoặc viết nội dung cho các sàn thương mại điện tử mà không cần đầu tư quá nhiều công sức. Tuy nhiên, khi muốn tiến xa hơn, họ thường gặp khó khăn do thiếu tầm nhìn chiến lược và kỹ năng quản lý, dẫn đến sự cạn kiệt khả năng phát triển.
Thứ ba, ngành content và marketing hiện nay đang bị phân mảnh bởi áp lực từ các nền tảng số và những yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Sự gia tăng số lượng người tham gia nhờ AI đã làm cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn, không chỉ ở khía cạnh sáng tạo mà còn về giá trị thực chất mà nội dung mang lại.
Theo các chuyên gia, AI đang giúp ngành content mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng tạo nên không ít thách thức. Trong ngắn hạn, công cụ AI giúp sản xuất nội dung trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, để đạt được sự phát triển bền vững, những người làm nội dung cần tập trung xây dựng kiến thức nền tảng, tư duy sáng tạo sâu sắc và khả năng nhìn nhận vấn đề từ góc độ toàn diện. Điều này không chỉ giúp họ vượt qua những thách thức hiện tại mà còn tiến xa hơn trong hành trình nghề nghiệp.
Như “Táo Insight” bà Đặng Thúy Hà nói, AI đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ này, sử dụng các thuật toán tiên tiến để nhanh chóng phân tích và lọc thông tin hoặc dữ liệu sẵn có. Tuy nhiên, khả năng AI hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu sâu về khách hàng vẫn đang phát triển và chưa thể thay thế hoàn toàn sự phân tích mang tính con người./.