AI sẽ thay đổi cuộc chơi thị trường vốn

14:01, 31/12/2024

Theo nghiên cứu của Deloitte, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là công nghệ quyết định trong lĩnh vực ngân hàng và thị trường vốn trong 5 năm tới. Tuy nhiên, tối đa hóa lợi ích từ AI không phải là một bài toán dễ giải.

Cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh

AI không còn là công nghệ mới đối với lĩnh vực ngân hàng và thị trường vốn. Tuy nhiên, sự xuất hiện của AI tạo sinh (GenAI) đánh dấu một kỷ nguyên mới, khiến số lượng trường hợp sử dụng tiềm năng bùng nổ và mang lại nhiều lợi ích cho lực lượng lao động.

Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu lĩnh vực tài chính, Deloitte toàn cầu, mặc dù tương lai còn ẩn chứa nhiều biến số do sự bất ổn của kinh tế vĩ mô và tình hình địa chính trị, nhưng AI chính là cơ hội lớn nhất có thể kiểm soát được mà các bên tham gia trong lĩnh vực này có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trong khoảng thời gian 5 năm tới.

Theo nghiên cứu của Deloitte, Top 14 các ngân hàng đầu tư trên toàn cầu có thể cải thiện hiệu suất của đội ngũ kinh doanh từ 27% tới 35%, doanh thu trên một nhân viên có thể tăng thêm đến 3,5 triệu USD vào năm 2026. Tại Anh, trong mảng ngân hàng bán lẻ, với việc ứng dụng AI, một ngân hàng lớn đã giảm tỷ lệ gian lận từ 19% xuống 13% so với tổng mức trong ngành, bao gồm giảm 90% gian lận khi mở tài khoản kể từ năm 2019. Tất cả đều góp phần giảm chi phí hoạt động.

Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc phụ trách khách hàng và thị trường, Lãnh đạo ngành dịch vụ tài chính, Deloitte Việt Nam.

Bên cạnh đó, AI có thể giúp các doanh nghiệp tăng trưởng dương ở mức 5 - 7% trong 2 - 3 năm và 10 - 15% trong 5 - 7 năm. Số liệu này được đưa ra dựa trên việc xem xét một loạt các ngân hàng và tổ chức nhỏ hơn, linh hoạt hơn, bao gồm cả những tổ chức có tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) đang ở mức cao sẽ tìm thấy cơ hội lớn hơn để đạt được mức tăng trưởng cao hơn trong phạm vi cải thiện 5 - 15%.

Ở Việt Nam, việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ được đẩy mạnh trong nhiều năm qua. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tại các ngân hàng thương mại, trên 90% giao dịch được thực hiện trên kênh số, hơn 55% nghiệp vụ ngân hàng hoàn toàn được số hóa. Các ngân hàng và doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ tài chính đã và đang đầu tư nhiều nguồn lực vào chuyển đổi hạ tầng, nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới mang tính đột phá, tăng cường ứng dụng AI trong nghiệp vụ. Các nghiệp vụ thường thấy được ứng dụng AI bao gồm phân tích dữ liệu, hỗ trợ khách hàng, phát hiện gian lận, tối ưu hóa chi phí, quản trị rủi ro và tư vấn đầu tư.

Nguồn: Nghiên cứu của Deloite năm 2024

Ai sẽ là người chiến thắng khi AI thay đổi cuộc chơi?

Các tổ chức dẫn đầu trong công cuộc đổi mới và chiến thắng trong bối cảnh mới sẽ là những tổ chức có chuyển biến trong suy nghĩ về việc sử dụng AI - từ nhận định AI là một “công cụ của chiến lược” (instrument of strategy) thành “yếu tố quyết định của chiến lược” (determinant of strategy), từ việc AI giúp đẩy nhanh quá trình thực hiện kế hoạch kinh doanh hiện tại sang việc xây dựng những chiến lược kinh doanh trong tương lai dựa trên những năng lực mới của AI.

Tốc độ và mức độ hiệu quả của các sáng kiến AI đối với hoạt động kinh doanh, sản phẩm và dịch vụ cũng sẽ là yếu tố quyết định người thắng hoặc kẻ thua, từ đó thiết lập lại bức tranh trong lĩnh vực ngân hàng và thị trường vốn.

Tuy nhiên, việc xây dựng nền tảng và mở khóa tiềm năng mà AI có thể mang lại là việc mà tất cả những tổ chức có khả năng trở thành người thắng cuộc đã làm từ trước. Đó là sự đầu tư vào những nền tảng kỹ thuật chính như đám mây, tự động hóa, quản trị dữ liệu, ngân hàng số.

Các tổ chức này nhận ra lợi ích từ những đổi mới kỹ thuật trước đó đã rút ra bài học và điều chỉnh các phương pháp triển khai phù hợp với tổ chức của họ. Thông thường, công tác triển khai bao gồm việc xem xét các yếu tố như quản trị, văn hóa, ý tưởng tạo giá trị, quan hệ đối tác và nhân tài.

Cán cân lợi ích và rủi ro khi ứng dụng AI

Bên cạnh những lợi ích to lớn như gia tăng lợi nhuận, cắt giảm chi phí, tối ưu hiệu suất, tăng khả năng sáng tạo đổi mới…, việc ứng dụng AI làm gia tăng rủi ro cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, các ngân hàng đang chấp nhận một mức độ rủi ro nhất định để đổi lấy lợi ích.

AI giúp tăng lợi nhuận, giảm chi phí, tối ưu hiệu suất, tăng khả năng sáng tạo đổi mới…, nhưng đòi hỏi ngân hàng phải chấp nhận một mức độ rủi ro nhất định để đổi lấy lợi ích.

Một số rủi ro trọng yếu doanh nghiệp cần lưu ý trong suốt quá trình ứng dụng AI là lạm dụng AI, tác động đến môi trường, khuếch đại những định kiến, rủi ro an ninh mạng, hạn chế chủ quyền, hành lang pháp lý và quy định trong tương lai, tự động hóa và sự can thiệp của con người, cuộc chiến giành nhân tài.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp định hướng công tác quản trị công nghệ AI, dựa trên kinh nghiệm triển khai nhiều dự án chuyển đổi công nghệ thông tin quy mô lớn, Deloitte đã xây dựng và đưa ra khung quản trị ứng dụng AI với các nguyên tắc cụ thể và cơ bản mà các ngân hàng và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này tại Việt Nam có thể tham khảo và ứng dụng, giúp làm chủ việc ứng dụng AI.

Thứ nhất, ứng dụng AI với mục đích. Các ngân hàng phải ứng dụng AI với một tầm nhìn rõ ràng, giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp. Tùy thuộc việc ưu tiên tối ưu hiệu quả chi phí, giảm thiểu rủi ro hoặc tập trung vào trải nghiệm khách hàng và thúc đẩy tăng trưởng, các ngân hàng hoặc các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này sẽ tập trung vào những phòng, ban khác nhau.

Thứ hai, quản lý dữ liệu đầu vào. Đầu ra của AI chỉ có thể tốt khi chất lượng của đầu vào tốt. Ngoài ra, đầu ra của AI, đặc biệt là những kết quả thúc đẩy các quyết định ảnh hưởng đến khách hàng, phải đảm bảo tính minh bạch, công bằng, hợp pháp, đạo đức và an toàn. Công tác quản trị vững chắc có vai trò rất quan trọng để hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, giảm thiểu ảo giác và quản lý thiên kiến/định vị. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi tổ chức hiểu rõ, làm chủ và quản lý được tài sản dữ liệu nguồn của doanh nghiệp

Thứ ba, thiết kế lấy con người làm trung tâm: Con người có vai trò quan trọng trong việc thiết kế, phát triển và vận hành AI thành công. Nguồn nhân lực nên tiếp tục đảm nhận trách nhiệm giải trình đối với các hoạt động của AI, có năng lực giám sát các quy trình AI và hành động khi cần thiết để quản lý các hành vi hoặc kết quả không mong muốn. Điều này có nghĩa là chức năng AI sẽ hỗ trợ các tương tác của con người một cách minh bạch, trực quan và có thể giải thích được.