Asus Transformer Pad TF701T – Tablet hiệu năng tốt
Tiếp nối thành công của người tiền nhiệm Transformer Pad Infinity TF700 được giới thiệu hồi năm ngoái, Asus tiếp tục cho nâng cấp dòng sản phẩm máy tính bảng (tablet) kích thước lớn của mình với phiên bản Transformer Pad TF701T (giá 429 USD).
Trong đó phiên bản mới có màn hình hiển thị sắc nét hơn với độ phân giải cao, hiệu năng mạnh với chip Tegra 4 của Nvidia, cùng khả năng đa nhiệm… Nhưng liệu so với các đối thủ hiện nay, Asus Transformer Pad TF701T có phải là một sự lựa chọn hợp lý trong mức giá?
Thiết kế
Asus Transformer Pad TF701T tiếp tục duy trình những ưu điểm nổi bật trong thiết kế của dòng sản phẩm tablet chủ đạo Transformer Pad của hãng trước đây.
Trong đó thiết kế mặt sau là nhôm với các vân sần là những vòng tròn đồng tâm xuất phát từ logo Asus ở chính giữa, vừa có tác dụng tăng ma sát khi người dùng cầm máy bằng một tay, các vân tròn này sẽ xuất hiện khi có nguồn sáng chiếu vào ở một góc xiên so với máy, tương tự như thiết kế Asus đã sử dụng cho Transformer Prime hoặc Transformer Pad Infinity TF700.
Mặt trước của Transformer Pad TF701T vẫn là màn hình chính với logo Asus sáng bóng ở góc trên cùng bên trái, viền màn hình của máy hơi dày một chút nên trông Transformer Pad TF701T khá lớn, nhưng người dùng có thể thoải mái cầm nắm máy một cách thoải mái mà các ngón tay không bị vô tình chạm vào màn hình cảm ứng.
Với thiết kế nút điều khiển âm lượng và nút nguồn ở cạnh mép mặt sau của máy, thay vì ở cạnh trên hoặc cạnh dưới như hầu hết các loại tablet hiện nay, điều này khiến cho người dùng gặp đôi chút khó khăn khi cần truy cập vào các nút này.
Cạnh trái gồm khe cắm thẻ nhớ microSD, cổng microHDMI và cổng cắm tai nghe 3.5 mm
Cạnh dưới gồm một cổng sạc độc quyền và cổng kết nối với dock bàn phím
Với kích thước 263x180,8x7mm và nặng 570g, rõ ràng Asus Transformer Pad TF701T có hình thể lớn hơn so với các đối thủ như Apple iPad Air (240x169,5x7,5mm; 469g (Wi-Fi)/478g (3G/LTE)); Sony Xperia Tablet Z (266x172x6,9mm; 495g) và Samsung Galaxy Note 10.1 (2014) với kích thước 243,1x171,4x7,9mm, 540g (Wi-Fi)/535g (3G)/547g.
Màn hình
Asus Transformer Pad TF701T sở hữu màn hình cảm ứng kích thước 10,1 inch với độ phân 2.560x1.600 pixel, panel IPS, mật độ điểm ảnh là 299ppi cùng khả năng hỗ trợ thao tác 10 điểm cùng lúc. Màn hình có khả năng hiển thị hình ảnh sắc nét, màu sắc chính xác, tuy nhiên xét về mức độ phong phú của màu sắc thì vẫn còn kém hơn một chút so với màn hình của iPad Air hoặc Fire HDX 8,9 inch, ngay cả sau khi sử dụng tiện ích là Splendid để điều chỉnh màu sắc và độ bão hòa theo cách mà mình muốn.
Góc nhìn của màn hình cũng khá rộng, khi nghiêng màn hình một góc lớn hơn 45 độ màu sắc vẫn hiển thị tương đối chính xác. Nhưng màn hình bóng của máy lại là trở ngại lớn khi sử dụng máy ở ngoài trời, mặc dù Asus cũng đã trang bị chế độ ngoài trời (Outdoor) để tăng cường độ sáng màn hình khi sử dụng bên ngoài, dù vậy hình ảnh cũng hiển thị cũng không đến mức quá mờ.
Bàn phím
Bàn phím ảo trên màn hình của Transformer Pad TF701T có kích thước rộng rãi, khoảng cách các phím đều nhau, do đó thao tác nhập liệu là khá nhanh và dễ. Đặc biệt là hàng phím số chuyên dụng ở phía trên, cho phép người dùng thực hiện các phép tính toán ngay lập tức mà không cần thao tác chuyển đổi.
Nếu người dùng không thích bàn phím ảo, có thể chọn dock bàn phím (150 USD) rời cho máy, trong đó đi kèm một cổng USB 3.0, khe cắm thẻ SD và một pin phụ.
Tuy nhiên, dock bàn phím của máy có kích thước hơi nhỏ vì vậy mà các phím bấm cũng nhỏ hơn, đặc biệt là Shift và các phím điều khiển bên phải. Hiện tượng flex (khi gõ mạnh một phím, các phím liền kề bị lún) cũng xuất hiện mà rõ nhất là ở giữa của bàn phím. Nhìn chung nếu so với bàn phím Type Cover của Microsoft Surface 2 thì vẫn chưa thể bằng.
Hiệu năng
Với bộ vi xử lý NVIDIA Tegra 4 lõi tứ xung nhịp 1,9GHz, bộ nhớ RAM 2GB cùng bộ nhớ trong 32GB/64GB, Transformer Pad TF701T hoàn toàn đủ khả năng để chơi hầu hết các loại game trên Play Store.
Thử nghiệm thực tế với game NOVA 3, máy vận hành trơn tru mặc dù các ứng dụng như Chrome, Play Store, Settings, Galerry và Video Player đang chạy ẩn. Camera của máy cũng có thể chụp ảnh liên tục mà không có bất kỳ độ trễ nào, kể cả khi kích hoạt hoặc đóng các ứng dụng bất kỳ. Transformer Pad TF701T tiếp tục ghi được những điểm số ấn tượng trong các bài kiểm tra hiệu năng khi so với các đối thủ.
Trong bài kiểm tra Quadrant, Transformer Pad TF701T ghi được 16.726 điểm, vượt qua SlateBook 4 (Nvidia Tegra 4 xung nhịp 1,8GHz, RAM 2GB), nhưng Galaxy Note 10.1 (2014) sử dụng chip Exynos 5420 ghi được 19.523 điểm.
Trong bài kiểm tra Geekbench 3, số điểm của Transformer Pad TF701T tiếp tục vượt qua các đối thủ.
Thử nghiệm chuyển mã tập tin video dung lượng 200 MB, độ phân giải 1080p về độ phân giải 480p thông qua ứng dụng VidTrim.
Hiệu năng đồ họa của Transformer Pad TF701T cũng ấn tượng không kém với bài kiểm tra 3DMark Ice Storm Unlimited.
Khi kích hoạt game bắn súng đồ họa chuyên sâu NOVA 3, Transformer Pad TF701T chỉ cần 11 giây, nhanh hơn 7 giây so với Galaxy Note 10.1 (2014) và SlateBook x2 (12 giây). Chỉ riêng iPad Air cần 6 giây để thực hiện.
Camera
Camera chính mặt sau 5 megaixel của Transformer Pad TF701T có khả năng chụp ảnh rõ ràng và đầy màu sắc khi chụp ở điều kiện ánh sáng đầy đủ. Trong khi camera phía trước 1,2 megapixel của máy là khá thất vọng khi ảnh chụp bị nổi hạt kể cả trong điều kiện ánh sáng đầy đủ. Nhưng chất lượng video được quay từ camera chính mặt sau lại khá tốt với màu sắc tươi sáng và các chi tiết rõ ràng.
Thay vì sử dụng ứng dụng Camera đi kèm Android, Asus tích hợp cho Transformer Pad TF701T một ứng dụng camera riêng, trong đó bao gồm nút quay video chuyên dụng và một nút chụp với một nút chuyển đổi Turbo ở trên nó. Trong chế độ Turbo, tốc độ chụp ảnh là nhanh gấp hai lần so với chế độ chụp thông thường.
Một số ảnh chụp từ camera chính của máy
Ảnh chụp với chế độ HDR bật/tắt thực sự không hiệu quả nhiều
Thời lượng pin
Pin công suất 7.820 mAh trên Asus Transformer Pad TF701T có khả năng kéo dài 8 giờ 33 phút trong bài kiểm tra Laptop Battery, khi liên tục lướt web thông qua kết nối Wi-Fi với màn hình hiển thị được thiết lập độ sáng là 40%.
Kết quả so sánh thời lượng pin của máy với các đối thủ trong cùng bài kiểm tra.
Với dock bàn phím đi kèm, Transformer Pad TF701T có thể kéo dài 9 giờ 54 phút, vượt xa các đối thủ nhưng vẫn đứng sau iPad Air.
Kết
Nếu người dùng chỉ đơn giản là đang tìm kiếm một chiếc tablet Android lớn với màn hình độ phân giải cao phù hợp cho giải trí, hiệu năng mạnh cùng khả năng chơi hầu hết các game lớn hiện nay thì Asus Transformer Pad TF701T sẽ là sự lựa chọn phù hợp.
Nhưng nếu người dùng cần một chiếc tablet để làm việc như một văn phòng di động đúng nghĩa thì có thể chọn Microsoft Surface 2 với bàn phím tốt hơn và đặc biệt là đi kèm bộ ứng dụng Microsoft Office quen thuộc. Nếu người dùng có điều kiện hơn, có thể chọn Samsung Galaxy Note 10.1 (2014) với màn hình hiển thị tốt hơn, nhiều lựa chọn tùy biến hệ điều hành, tích hợp cảm biến hồng ngoại, camera tốt hơn và tất nhiên là bút stylus đa chức năng.
Ưu điểm:
- Hiệu năng mạnh.
- Có thể chơi hầu hết các thể loại game trên Play store.
- Nhiều ứng dụng bổ sung hữu ích.
- Màn hình độ phân giải cao sắc nét.
- Hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ mở rộng microSD.
Nhược điểm:
- Kích thước và trọng lượng lớn hơn các đối thủ.
- Thiết kế không có gì thay đổi so với các phiên bản trước đây.
- Ảnh chụp từ camera trước chất lượng kém.
- Dock bàn phím khá chật chội khi gõ.
Hoàng Thanh