Băng rộng tới nhà: Đường đã thông và hè sẽ thoáng

03:27, 10/08/2010

Câu chuyện băng thông Internet lan tỏa tới từng nhà dân có nét tương đồng với bức tranh giao thông đô thị: các trục lớn thì thênh thang nhưng vào đến lạch nhỏ thì lại chưa thật thông thoát. Bài toán nan giải đó đang được tháo gỡ từng ngày, để cáp quang có thể ngay lập tức gõ cửa từng nhà, và thông tin... vèo phát tới trong một phần ngàn cái chớp mắt.

Giao thông đã khá hơn rất nhiều

Quả thực trong hơn 10 năm qua, hàng loạt con đường lớn nhỏ đã được làm mới, cải tạo và mở rộng, đáp ứng được cơ bản nhu cầu lưu thông của người dân và của một nền kinh tế mở cửa sôi động. Một số tuyến huyết mạch như quốc lộ 1A và 2 đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ, Tp.HCM - Trung Lương, lại thêm quốc lộ 1B đã sẵn sàng; quốc lộ 5 nối Hà Nội với vùng duyên hải người xe lườm lượp, nay lại chuẩn bị đón quốc lộ 5B cao tốc thực sự; rồi các trục đường như Láng - Hòa Lạc và vành đai 3 ở Hà Nội, hành lang Đông Tây ở Tp.HCM...
 
 
- Công nghệ cáp quang FTTH (Fiber-To-The-Home) là mạng viễn thông băng rộng được nối đến nhà thuê bao, cung cấp dịch vụ truy nhập Internet tốc độ cao và các dịch vụ trên nền băng rộng, hiện đang được triển khai mạnh mẽ trên thế giới.
- Với FTTH, dịch vụ Fiber VNN có thể cung cấp tốc độ tải xuống lên đến 10Gigabit/giây, nhanh gấp 200 lần so với ADSL+2. Với các đặc điểm: đường truyền dẫn hoàn toàn bằng cáp quang tới tận phòng máy của người sử dụng; chất lượng truyền dẫn tín hiệu bền bỉ, ổn định không bị suy hao bởi nhiễu điện từ, thời tiết hay chiều dài cáp; tốc độ truyền tải cân bằng, có thể phục vụ cùng lúc cho hàng trăm máy tính với độ bảo mật cao.
- FTTH đặc biệt hiệu quả với các dịch vụ: server riêng Hosting; mạng riêng ảo VPN; truyền dữ liệu; Game Online, truyền hình tương tác IPTV; xem phim theo yêu cầu VoD; Hội nghị truyền hình Video Conference; giám sát từ xa Camera IP...
 

 
Tuy vậy, nhiều con đường nhỏ vẫn còn chưa tốt, gập ghềnh và tắc nghẽn nhất là ở các khu đô thị lớn. Thêm nữa, nhiều tuyến đường người đi bộ không thấy lối đi dành cho mình ở đâu, đã hẹp lại còn bị lấn chiếm bởi hàng quán, bãi xe máy và thậm chí cả ô tô chắn ngang nữa. 
 
 

Băng rộng đã gõ cửa từng nhà

Cùng với Internet tốc độ cao MegaVNN cưỡi cáp đồng, dịch vụ băng rộng sử dụng cáp quang cũng đã được VDC/VNPT chuẩn bị cung cấp từ đã lâu.          Tuy không phải là dịch vụ hoàn toàn mới nhưng với việc chính thức công bố ra mắt nhãn hiệu FiberVNN hồi tháng 5/2010 vừa rồi, VNPT đã khẳng định thêm rằng mình sẵn sàng đáp ứng toàn bộ nhu cầu của khách hàng khi cần cả về băng thông và chất lượng.

Mạng lưới liên tục được đầu tư hiện đại của VDC/VNPT hiện có dung lượng đường truyền quốc tế cỡ 70Gbps (cuối 2010 sẽ lên đến 100Gbps); doanh nghiệp hiện chiếm tới gần 75% thị phần băng thông rộng trên cả nước, với hơn 50.000 thuê bao Internet trực tiếp, hơn 7.000 thuê bao truyền số liệu VPN và hơn 2,8 triệu thuê bao băng rộng MegaVNN. Tổng số người sử dụng Internet của VDC/VNPT vào khoảng 19 triệu người.

Ngay từ đầu năm 2010, khi được thử nghiệm cung cấp ở các tỉnh dịch vụ Fiber VNN đã có hàng chục ngàn thuê bao, với tốc độ tăng trưởng trung bình 25%/tháng. Với các tính năng và chất lượng ổn định, tính bảo mật cao... mà Fiber VNN rất phù hợp cho khách hàng là các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, cũng như các điểm dịch vụ Internet công cộng, các trường học và bệnh viện.

Giai đoạn đầu, khách hàng đang sử dụng các dịch vụ của VNPT khi chuyển sang FiberVNN sẽ được mượn thiết bị đầu cuối và giảm giá cước sử dụng trong một số tháng đầu. Ngoài ra, các chế độ hậu mãi, hỗ trợ và chăm sóc khách hàng sẽ được triển khai trong suốt thời gian sử dụng như hướng dẫn, tư vấn, đào tạo miễn phí sử dụng dịch vụ... 

Tuy vẫn còn đó những khó khăn

Một trong những bất cập hiện nay là vấn đề “đầu cuối” ở phía khách hàng. Thứ nhất về đường truyền: cũng như bài toán giao thông nêu trên, cáp quang khi đi trên quốc lộ hay các tuyến phố thì đều “phi ầm ầm” vì có cống bể ngầm riêng bảo vệ, song khi vào tới một số ngõ hẻm lại gặp khó khăn nhất định, buộc phải luồn lách và treo phơi gió mưa với không ít nguy cơ xâm hại. Không phải khu dân cư cũ nào cũng có sẵn quy hoạch đường cống bể nên nhiều đoạn buộc phải đi cáp trên cột, một số nơi không thể đi qua sân cửa các hộ gia đình.

Tiếp đến là thiết bị đầu cuối. Việc vào mạng nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào ngay bản thân chiếc modem, máy tính và cách sử dụng của khách hàng. Hoặc đối với các cơ quan, doanh nghiệp thì còn là mạng nội bộ, switch, hub, tường lửa... Nhiều trường hợp máy tính dùng tràn lan quá nhiều các chương trình media quá tải bộ nhớ đệm, tràn dung lượng, rồi virus... thì sao nhanh được. Đó là chưa nói đến chất lượng thiết bị mua cũng như đòi hỏi phải có môi trường khô thoáng, chế độ bảo trì, vệ sinh máy và tiếp điểm các mạch/khe cắm để máy hoạt động ổn định đúng năng lực thiết kế.
 

Có không ít lần đến giao dịch ở cửa hàng, chạy đường 4 làn xe vù phát đến, vào hỏi thì nhận được cái lắc đầu “quý khách thông cảm, mạng nội bộ đang sập chưa khắc phục xong”, hỏi nữa thì được giải thích thêm “mạng trung tâm thì vẫn tốt, nên mời tạm sang điểm giao dịch khác gần đó”. Một số khách lớn của VDC/VNPT lúc trước còn cẩn thận mất tiền thuê thêm đường truyền mạng khác dự phòng, sau thấy phi lý mãi thế không ổn lại thôi, dồn nó sang tăng cường cho hệ thống mạng nội bộ và hàng rào bảo mật. 

Nối mạng với thế giới bên ngoài với đa dịch vụ

Một trong những mục tiêu quốc gia mà Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra là đến năm 2015 sẽ phủ sóng mạng băng rộng đến 70% dân số, với hầu hết các xã trên cả nước và triển khai công nghệ FTTH đến hầu hết các hộ gia đình tại các khu vực đô thị trên cả nước.

Việc cung cấp dịch vụ Internet cáp quang FiberVNN đã thể hiện sự nhanh nhạy của VNPT trong việc nắm bắt kịp thời, ứng dụng các công nghệ tiên tiến theo kịp xu hướng phát triển công nghệ của thế giới, cũng như phù hợp với mục tiêu phát triển của quốc gia. Mấy năm gần đây đã có ngày càng nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam bắt đầu triển khai cung cấp dịch vụ FTTH, song trong đó VNPT luôn là đơn vị dẫn đầu cả về chất lượng cũng như số lượng thuê bao, và đã triển khai lắp đặt tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Nhiều dịch vụ, tiện ích trên nền băng rộng mà VDC/VNPT hiện đang cung cấp được nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và hộ gia đình sử dụng, trong đó đáng chú ý như: Internet trực tiếp; Internet băng rộng MegaVNN; truyền số liệu VPN/VNN; chứng thực số công cộng VNPT-CA; hosting; các dịch vụ gia tăng trên Internet và di động...

Cùng với các dịch vụ Internet băng rộng đã cung cấp từ lâu, với FiberVNN VNPT sẽ tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu của mình trong lĩnh vực Internet, thúc đẩy sự phát triển các tiện ích hiện đại trên nền tảng băng rộng, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phát triển, góp phần hiện thực hóa xã hội kết nối băng rộng tại Việt Nam trong thời gian tới./.
 
                                                                                                                                                                                                     Chí Bằng