Bộ GDĐT sẽ tiếp tục kiến nghị xếp tiền lương giáo viên cao nhất hệ thống hành chính sự nghiệp
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục có kiến nghị về chế độ ưu đãi với nhà giáo; kiến nghị tiền lương nhà giáo được ưu tiên xếp trong thang, bảng lương cao nhất hệ thống hành chính sự nghiệp.
- Tỷ lệ tuyển sinh lớp 10 THPT công lập của Hà Nội đúng quy định của Bộ GD&ĐT
- Bộ GD&ĐT lọc 'ảo' nguyện vọng xét tuyển đại học từ hôm nay
- Bộ GDĐT thống nhất bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên
- Bộ GD&ĐT ban hành nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2023-2024
- Bộ GD&ĐT yêu cầu thực hiện nghiêm phòng cháy, chữa cháy trong học sinh, sinh viên
- Bộ GD&ĐT thông tin về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
- Bộ GD&ĐT đồng hành cùng Vingroup triển khai chương trình Giáo dục xanh và Thể thao xanh
- Bộ GD&ĐT lấy ý kiến về việc giao quyền chọn sách giáo khoa cho các trường
- Spider Player 2.1- Chương trình nghe nhạc đa năng
Chiều 6/12, các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 6, TP. Hà Nội tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Tổ Đại biểu Quốc hội đơn vị số 6 gồm: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà; Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Phạm Đức Ấn.
Buổi tiếp xúc diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 3 điểm cầu: huyện Thanh Trì, huyện Thanh Oai, quận Hà Đông.
Kiến nghị tiền lương nhà giáo được ưu tiên xếp trong thang, bảng lương cao nhất hệ thống hành chính sự nghiệp
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: ngành Giáo dục đã và đang triển khai nhiều chính sách thu hút học sinh vào học tại các cơ sở đào tạo giáo viên; trong đó có Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi với cử tri chiều 6/12.
Sau 3 năm triển khai Nghị định 116, số sinh viên chọn học sư phạm tăng rõ rệt. Với một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện cơ chế đặt hàng, Bộ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định 116 để tháo gỡ.
Về chế độ tiền lương, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, hiện nay các giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đã có phụ cấp ưu đãi. Mức phụ cấp ưu đãi cao nhất là 70% lương cơ bản.
Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề với giáo viên công tác tại vùng khó như điều kiện sinh hoạt, thiếu nước sạch, nhà công vụ, khó khăn về điều kiện dạy học…
Mặc dù vậy, tuyệt đại đa số thầy cô tâm huyết với nghề nghiệp, bám trường, bám lớp, thuyết phục học sinh đến trường, thực hiện trách nhiệm giáo dục của nhà giáo.
“Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục có kiến nghị về chế độ ưu đãi với nhà giáo; kiến nghị tiền lương nhà giáo được ưu tiên xếp trong thang, bảng lương cao nhất hệ thống hành chính sự nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.
Thu hút sinh viên vào học sư phạm, chính sách nhà giáo là vấn đề được cử tri quan tâm.
Về việc tuyên truyền, thu hút học sinh vào học các ngành công nghệ kỹ thuật, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Bộ trưởng thông tin: Bộ GD&ĐT coi đây là hướng ưu tiên trong định hướng chỉ đạo.
Thời gian qua, các trường đại học đã có nhiều chính sách, dành nhiều học bổng thu hút học sinh vào học các ngành công nghệ, kỹ thuật. Chính phủ cũng đang có kế hoạch triển khai đào tạo nhân lực ngành công nghệ bán dẫn, vi mạch và các ngành công nghệ cao khác.
Bám sát thực tiễn, lắng nghe cử tri, góp phần nâng chất hoạt động của Quốc hội
Tại buổi tiếp xúc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời báo cáo về kết quả hoạt động năm 2023 của Tổ Đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 6.
Theo đó, các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 6 đã rất tích cực, thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, thực hiện đúng chương trình hành động của cá nhân đã đặt ra và kế hoạch công tác của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội năm 2023.
Các đại biểu Quốc hội đều có ý thức học hỏi, nghiên cứu, nâng cao kiến thức, năng lực thực tiễn, tích cực tham gia hoạt động tiếp xúc cử tri trước, sau kỳ họp thứ 5, thứ 6 - Quốc hội khóa XV.
Trong các buổi tiếp xúc cử tri, Tổ Đại biểu đã chuyển 17 ý kiến, kiến nghị của cử tri đến cơ quan của Trung ương và 25 ý kiến, kiến nghị của cử tri đến UBND Thành phố Hà Nội. Các ý kiến đã được các cơ quan Trung ương và UBND Thành phố trả lời. Tổ Đại biểu cũng trả lời tại các cuộc tiếp xúc cử tri tiếp theo.
Cử tri gửi câu hỏi, kiến nghị đến các đại biểu Quốc hội.
Tại các buổi tiếp xúc cử tri, Tổ Đại biểu đơn vị bầu cử số 6 đã nhận được 64 đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Trong đó các đơn đủ điều kiện thụ lý đã được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết đồng thời báo tin cho cử tri biết.
Bên cạnh đó các đại biểu Quốc hội đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ lịch tiếp công dân theo sự phân công của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội vào sáng thứ 6 hàng tuần tại 2 trụ sở tiếp công dân của Thành phố.
Tổ Đại biểu đồng thời thường xuyên liên hệ, phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các quận, huyện Hà Đông, Thanh Oai, Thanh Trì; tích cực tham dự các kỳ họp Hội đồng nhân dân các quận/huyện, các ngày lễ kỷ niệm, các lễ hội… Qua đó, nắm bắt tình hình kinh tế xã hội, phong tục tập quán, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân nơi mình ứng cử.
Các đại biểu Quốc hội trong Tổ bầu cử số 6 cũng đã đóng góp nhiều ý kiến tại các phiên họp của Quốc hội; thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri nơi ứng cử, nơi cư trú, nơi công tác để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri; tập hợp và phản ánh trung thực, đầy đủ, khách quan, kịp thời các ý kiến, kiến nghị của cử tri tới diễn đàn Quốc hội.
Bộ trưởng khẳng định: "Các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, học hỏi, bám sát thực tiễn, lắng nghe ý kiến của các cử tri để tham gia đề xuất, phản ánh với Quốc hội, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, từng bước đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của cử tri".
Các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 6, TP. Hà Nội tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Tại buổi tiếp xúc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng thay mặt các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 6 trao đổi, tiếp thu ý kiến cử tri về các vấn đề liên quan đến xử lý ô nhiễm môi trường, làm đường giao thông, vấn đề giáo dục - đào tạo, phòng chống tham nhũng, công tác cán bộ...
Trước đó, ông Đỗ Đức Hồng Hà đã báo cáo cử tri về kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Ông Phạm Đức Ấn thông tin về trả lời kiến nghị của cử tri huyện Thanh Trì, Thanh Oai và quận Hà Đông gửi đến các cơ quan trung ương, Thành phố Hà Nội tại các kỳ tiếp xúc trước.
Nhân dịp này, hưởng ứng tháng cao điểm vì người nghèo, đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 6, thành phố Hà Nội đã trao tặng Quỹ người nghèo của huyện Thanh Trì 300 triệu đồng.
Theo Báo Chính phủ