Cần áp thuế tuyệt đối lên thuốc lá
Sáng 13/8, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá và vai trò của chính sách thuế trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Bà Trần Thị Nhị Thủy, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Trần Thị Nhị Thủy, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT cho biết Theo Tổ chức Y tế thế giới, hút thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Trong khói thuốc lá có 69 chất gây ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp và ảnh hưởng sức khoẻ sinh sản cả nam và nữ. Sử dụng thuốc lá gây 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới.
Hiện nay, Việt Nam vẫn là một trong 15 quốc gia có tỉ lệ hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN. Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, việc sử dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt để tác động đến nhận thức và hành vi tiêu dùng thuốc lá được đánh giá trên một số khía cạnh:
"Tăng giá": Bằng cách tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá, giá bán lẻ sẽ tăng lên, điều này có thể ngăn cản người tiêu dùng mua chúng. Giá cao đặc biệt hiệu quả trong việc ngăn chặn thanh thiếu niên và những người có thu nhập thấp bắt đầu hoặc tiếp tục hút thuốc.
"Giảm tiêu thụ": Giá cao hơn có thể dẫn đến việc giảm tiêu thụ trong số những người hút thuốc hiện tại. Một số người có thể giảm số lượng thuốc lá họ hút, trong khi những người khác có thể bỏ thuốc hoàn toàn.
"Ngăn chặn việc bắt đầu": Giá cao có thể đóng vai trò như một rào cản đối với thanh thiếu niên, những người có thể bắt đầu hút thuốc. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tăng giá rất hiệu quả trong việc ngăn chặn việc bắt đầu hút thuốc ở thanh thiếu niên.
Toàn cảnh Hội thảo
Hiện nay, theo đánh giá của các chuyên gia mức thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá trong dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi vẫn còn thấp, sự tác động để kiểm soát tốt hơn việc tiêu dùng cho mặt hàng thuốc lá, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân chưa đặt như kỳ vọng.
Mục tiêu của hội thảo là để các chuyên gia, các nhà khoa học cung cấp các thông tin, số liệu có tính thuyết phục về tác hại của thuốc lá; vai trò, giải pháp để chính sách thuế có thể kiểm soát một cách hiệu quả việc tiêu dùng thuốc lá tại Việt Nam.
Tại Hội thảo, TS.Angela Pratt – Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ trong cuộc chiến chống tác hại của thuốc lá trong một thập kỷ qua.
"Một trong những thách thức lớn nhất mà chúng ta đang phải đối mặt là thực trạng giá thuốc lá rất rẻ ở Việt Nam. Trong những năm vừa qua, thuốc lá ngày càng trở nên phù hợp với túi tiền của người dân hơn bởi giá của nó vẫn được giữ nguyên, trong khi thu nhập lại tăng. Đây là điều chúng ta cần thay đổi. Tăng thuế thuốc lá là cách nhanh và hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu này", bà Angela Prat cho biết.
Với việc thảo luận, thông qua dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) thời gian tới, WHO tin rằng Việt Nam đang có một cơ hội đặc biệt để hướng tới mục tiêu cao hơn và đạt được nhiều lợi ích hơn nữa tới sức khỏe của người dân - bà Angela Pratt chia sẻ.
Thạc sĩ. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, Chuyên gia phòng, chống tác hại thuốc lá, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam đã chia sẻ về gánh nặng bệnh tật, kinh tế do sử dụng thuốc lá, vai trò của chính sách thuế thuốc lá và khuyến nghị cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở Việt Nam. Theo đó, tỷ lệ hút thuốc lá tại Việt Nam giảm chậm, không đạt các mục tiêu quốc gia và cam kết quốc tế, sản lượng và tiêu thụ thuốc lá gần đây có xu hướng tăng nhanh; kinh nghiệm quốc tế cho thấy thuế thuốc lá là biện pháp chính giảm cầu nhưng ở Việt Nam thuế thuốc lá đang rất thấp; nếu không có các biện pháp can thiệp thuế thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ tăng thêm.
Hội thảo đã nghe thạc sỹ Đào Thế Sơn, chuyên gia kinh tế; đại diện Bộ Y tế thông tin về: những quan ngại về tăng thuế thuốc lá và sự thật; quan điểm của Bộ Y tế đối với thuế thuốc lá tại dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)./.