Vì sao khó xử lý vi phạm về thuốc lá điện tử?
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng… tiếp tục gây 'nóng' nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu, cho rằng nên quy định cấm. Rõ ràng chúng ta chưa có thống nhất về mặt quản lý, cấm hay không, nhưng thị trường mua-bán sản phẩm này vẫn diễn ra dễ dàng, nhiều vi phạm và khó xử lý.
- Đà Nẵng: Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với mặt hàng thuốc lá điện tử
- Phát hiện và xử lý số lượng lớn thuốc lá điện tử nhập lậu
- Khó khăn trong việc ngăn chặn tình trạng học sinh hút thuốc lá điện tử ngoài giờ học
- Đề xuất áp thuế nhập khẩu 50% với mặt hàng thiết bị điện tử dùng cho thuốc lá điện tử
- Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu xử lý việc quảng cáo, mua bán thuốc lá điện tử qua mạng xã hội
- Bộ Công Thương: Kiến nghị chưa cho phép lưu hành thuốc lá điện tử tại Việt Nam
- Tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tác hại của thuốc lá điện tử
- Thuốc lá điện tử - Mối nguy hại mới cho giới trẻ
- Thông số Bits/Pixel là gì?
Nếu nói thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang trở thành sản phẩm phổ biến trên thị trường cũng không có gì sai. Trên thực tế, các dòng sản phẩm thuốc lá thế hệ mới này vẫn được bày bán công khai trên môi trường mạng, đặc biệt việc sử dụng lại phổ biến trong giới trẻ… thậm chí nó trở thành “phong cách” sống của nhiều trẻ vị thành niên, lứa tuổi học sinh sinh viên. Nhu cầu lớn đã khiến cho hoạt động buôn bán mặt hàng này tìm đủ mọi cách để thâm nhập thị trường, từ nhập lậu, làm giả đến sản phẩm trá hình cho ma túy len lỏi vào cuộc sống.
Hàng loạt vi phạm liên quan đến thuốc lá điện tử
Dạo quanh một vòng các cổng trường, chúng ta dễ dàng bặt gặp hình ảnh các em học sinh, sinh viên “phì phèo” điếu thuốc, trong đó phần lớn đều là thuốc lá điện tử. Trong mấy năm gần đây xu hướng hút thuốc lá thế hệ mới này đang gia tăng nhanh chóng.
Trong một nghiên cứu mới đây của tổ chức từ thiện chống hút thuốc – Ash, cho thấy sự phổ biến của thuốc lá điện tử trong giới trẻ tại nhiều nước trên thế giới đang tăng mạnh. Theo khảo sát của Ash, tại Anh số trẻ em thử nghiệm thuốc lá điện tử đã tăng từ 7,7% vào năm 2022 lên 11,6% vào năm 2023.
Nghiên cứu của Ash chỉ ra rằng hầu hết những đứa trẻ này muốn thử loại thuốc lá mới này “vì tò mò” và biết đến việc quảng cáo thuốc lá điện tử ở các cửa hàng và trên môi trường trực tuyến. Các động lực khác để giới trẻ sử dụng thuốc lá điện tử, bao gồm sự dễ dàng sử dụng, hương vị (giới trẻ đặc biệt bị thu hút bởi hương vị trái cây hoặc món tráng miệng) và giúp kết nối với bạn bè. Tuy nhiên, thuốc lá điện tử lại tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với giới trẻ, bao gồm cả tác hại đối với phổi và não.
Cũng chính sự gia tăng nhanh chóng nhu cầu sử dụng loại thuốc lá thế hệ mới này, mà thuốc lá thế hệ mới đang trở nên tràn ngập trên thị trường cả trực tuyến và ngoại tuyến. Đặc biệt, người tiêu dùng có thể dễ dàng mua chỉ với một cú click chuột trên máy tính hoặc qua smartphone.
Chỉ cần gõ cụm từ tìm kiếm trên google “bán thuốc lá điện tử”, trong vòng 0,33 giây, có tới hơn 44 triệu kết quả liên quan đến cụm từ này. Điều đó có thể thấy, thị trường trực tuyến của mặt hàng này hết sức phong phú, ở đó có nơi bán cả dụng cụ, thiết bị, có nơi bán tinh dầu… và mọi giao dịch đều dễ dàng.
Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, các dòng thuốc lá thế hệ mới này đều có nhiều vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh. Theo ghi nhận, trong 5 tháng đầu năm 2024, chỉ riêng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng đã phát hiện, kiểm tra, xử lý hàng chục vụ vi phạm về thuốc lá điện tử, tạm giữ 15.541 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm, gồm: thuốc lá điện tử, tinh dầu và phụ kiện, với tổng giá trị hơn 5,2 tỷ đồng và đã xử phạt với số tiền là 347 triệu đồng. Số hàng vi phạm chủ yếu là nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trước đó, lực lượng chức năng cũng đã “phá” một kho hàng chứa tới hơn 100 nghìn sản phẩm thuốc lá điện tử mang nhãn hiệu như EBCREATE, LOST VAPE... Toàn bộ lô hàng do Trung Quốc sản xuất có dấu hiệu nhập lậu, đây cũng là những sản phẩm được quảng bá nhiều trên các nền tảng thương mại điện tử dù bị pháp luật Việt Nam ngăn cấm.
Tại Lạng Sơn, đầu năm 2024, trong một cuộc kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ đồ uống Chiulinh, lực lượng chức năng cũng phát hiện bên trong cơ sở có bày bán 755 lọ tinh dầu thuốc lá điện tử, 870 đầu máy thuốc lá điện tử và 594 máy thuốc lá điện tử (dạng Pod) dùng để hút tinh dầu với nhiều màu sắc khác nhau. Chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng hóa trên và cho biết số hàng hóa trên mua trôi nổi trên mạng xã hội để bán kiếm lời.
Đáng chú ý, ngay tại Hà Nội, thời gian qua, cơ quan chức năng đã liên tiếp khởi tố các vụ án về mua bán trái phép chất ma túy với thủ đoạn chế ma túy thành dạng tinh dầu trong thuốc lá điện tử để tiêu thụ. Hầu hết các sản phẩm đều được đặt mua dễ dàng qua mạng, giá cả dao động từ 380 - 500 nghìn đồng/cái.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, do chưa có chính sách, quy định pháp luật về quản lý thống nhất đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nên hiện nay các lực lượng chức năng chỉ có thể xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm thuốc lá thế hệ mới về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Với mức xử lý này, không đủ mạnh để răn đe với hành vi vi phạm này.
Thực tế hiện nay, việc kinh doanh các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không thuộc ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh (theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020), đồng thời, cũng chưa có quy định pháp luật cấm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Vì vậy, tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, buôn bán thuốc lá thế hệ mới, các cơ quan, lực lượng chức năng không có căn cứ áp dụng các quy định pháp luật xử lý hành chính hoặc hình sự đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm.
Khó xác định hành vi vi phạm để xử lý
Ở góc độ quản lý nhà nước về hải quan, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Tổng cục Hải quan đã ban hành văn bản chỉ đạo các cục hải quan địa phương không giải quyết thủ tục nhập khẩu đối với mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Đối với hoạt động nhập khẩu linh kiện điện tử để sản xuất, lắp ráp các bộ phận của thuốc lá điện tử, hiện nay một số doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện các hoạt động sản xuất, gia công, lắp ráp các bộ phận của thuốc lá điện tử như lõi đột ở đầu thuốc lá điện tử, mô-đun đốt nóng (sản phẩm đơn thuần chỉ là thiết bị điện tử, không có dung dịch thuốc...), sau đó xuất khẩu toàn bộ sản phẩm ra nước ngoài, không tiêu thụ, sử dụng hay lưu thông tại thị trường Việt Nam.
Theo quy định tại Điều 5 và Điều 42 của Luật Đầu tư thì “Nhà đầu tư có quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà luật này không cấm” và “nhà đầu tư có trách nhiệm tuân thủ quy định của luật này,... và giấy chứng nhận đầu tư trong quá trình triển khai dự án đầu tư”. Hiện cơ quan hải quan chỉ giải quyết thủ tục nhập khẩu linh kiện điện tử để gia công, sản xuất sản phẩm là thiết bị sử dụng trong thuốc lá điện tử (không bao gồm dung dịch thuốc lá hay bất kỳ sản phẩm gì của thuốc lá) để xuất khẩu ra nước ngoài theo ngành nghề đầu tư được cấp phép trong giấy chứng nhận đầu tư.
Theo Tổng cục Hải quan, do hiện nay chưa có chính sách quản lý đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng nên cơ quan hải quan gặp khó khăn trong việc xác định hành vi vi phạm và áp dụng chế tài xử lý vi phạm tương ứng.
Trước vấn đề này, và để lấp ngay khoảng trống về pháp lý, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập khẩu cũng như các thiết bị, linh kiện điện tử nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp, gia công các thiết bị điện tử sử dụng cho thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Theo Tạp chí Thương trường
https://thuongtruong.com.vn/news/vi-sao-kho-xu-ly-vi-pham-ve-thuoc-la-dien-tu-122067.html