Chơi "dế" sang: Chủ hay nô lệ ?
Chồng chị Nguyễn Thanh Thúy, ở đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội thường xuyên chặc lưỡi tiếc của vì cứ chỉ dăm ba tháng chị Thúy lại thay điện thoại di động. Mặc dù điện thoại đang dùng còn mới, và là những dòng điện thoại đắt tiền nhưng hễ thấy quảng cáo loại sản phẩm mới nào là chị Thủy lại mua. Đây được coi một trường hợp điển hình của thị hiếu tiêu dùng, hay nói đúng hơn là xu hướng đua chơi điện thoại di động hiện nay.
Mua “dế” đa năng dùng chẳng bao nhiêu
Mỗi lần bị chồng ca thán, chị Thúy lại biện minh rằng mỗi loại điện thoại mới ra đời là có nhiều cải tiến mới mà người dùng nên tận hưởng. Nhưng chị Thúy bỏ iPhone 4G và “lên đời” iPhone 4Gs chỉ vì thấy màn hình sáng sủa hơn và “nghe nói” dùng mọi ứng dụng sẽ nhanh hơn, đặc biệt khi lướt web.
Trong khi đó, cũng khoái dùng các “chú dế” đời mới, "hot" như iPhone nhưng trường hợp Nguyễn Xuân Tuấn, nhân viên kinh doanh một công ty Dược phẩm lại khá phí phạm khi anh bộc bạch, chỉ dùng chú dế bạc triệu này để… “alo”. Khi được người bạn chỉ cho tính năng Facetime (thiết lập cuộc gọi video ảo), Tuấn vô cùng ngạc nhiên và thích thú.
Cũng vì có thói quen thay điện thoại như thay áo, mà chị Hương Giang ở Thanh Xuân, Hà Nội đã dở khóc dở cười khi cầm nhầm chiếc điện thoại của một vị khách khi qua cửa kiểm tra an ninh ở sân bay Nội Bài. Chị Giang cho biết đã không nhớ nổi vì mình dùng quá nhiều loại trong một thời gian ngắn nên nhầm lẫn. Vụ này suýt làm chị phải hoãn chuyến bay vì chủ nhân chính đã nhờ nhân viên an ninh đi tìm. Trước đó, nhiều lần do không biết sử dụng các tính năng đồng bộ riêng biệt của dòng điện thoại nhà Táo nên chị không giữ được các danh bạ liên lạc, và thậm chí mất điện thoại cũng chịu chết trong khi nếu hiểu biết về tính năng của iPhone hoàn toàn có thể tìm lại qua tiện ích FindMyiPhone.
Chủ hay nô lệ?
Mua quá nhiều loại, nên dùng mỗi loại, cả chị Thúy và Giang hiếm khi dùng đúng công dụng, khả năng của từng loại. Sự tiện dụng mà chị Thúy tận hưởng hàng ngày dường như chỉ dừng ở cảm giác thích thú khi ve vuốt màn hình bằng các đầu ngón tay một cách sành điệu và được các bạn khen đồ đẹp. Con trai chị thích thú khi mỗi lần mượn được máy mẹ để chơi game. Còn chồng chị Thúy lại thấy tiếc khi vài ba tháng, ngân sách gia đình lại mất đi một khoản cho thú vui tốn kém của vợ.
Anh Nguyễn Nhật Anh, chủ một shop điện thoại di động ở Khâm Thiên, Hà Nội cho rằng: “Giờ đây rất nhiều khách hàng của cửa hàng là nữ giới tự đi mua đồ. Thường là nhóm rủ nhau đi mua. Đến cửa hàng, khác với nam giới sẽ hỏi han rất kỹ tính năng cũng như các dòng máy, các quý cô chỉ hỏi loại máy cần và trả tiền”.
Đối với điện thoại di động thông minh loại sang, không phải ai cũng biết và sử dụng hết được các tính năng tiện ích. Nhưng với nhiều người mua trước hết là thấy sành điệu, cảm giác luôn theo kịp thời đại.
Hầu hết các dòng điện thoại thông minh hiện nay đều có giá trên dưới chục triệu, đặc biệt các dòng sản phẩm như iPhone đời mới của Apple, Galaxy của Samsung… còn có giá trên dưới hai chục triệu đồng. Tương ứng với mức giá này, các nhà sản xuất đã tích hợp vô vàn các tính năng, tiện ích có thể phục vụ tối đa nhu cầu của người dùng. Từ đơn giản nhất là tính năng thoại màn hình, tới điều khiển bằng giọng nói, định vị nơi chốn để dễ dàng tìm bạn bè đang ở đâu, bảo mật dữ liệu,… tìm lại máy chẳng may bị thất lạc… Tuy nhiên, khi hỏi 10 người đang sử dụng dòng máy iPhone 4Gs của Apple thì chỉ có khoảng 3 người có thể thao tác dễ dàng các tính năng kể trên, 50% số còn lại cho rằng có biết nhưng chưa sử dụng bao giờ và 50% không hề biết.
Thị trường liên tục xuất hiện hàng mới để đáp ứng nhu cầu. Và người dùng có nhu cầu cần thiết để sử dụng sẽ thích hợp. Chạy theo những cái mới liên tục, người tiêu dùng từ chỗ là chủ của công cụ, họ lại phải vất vả hơn khi phải co kéo các khoản chi tiêu để mua cho được nó.