Cơ chế, chính sách giúp báo chí phát triển

16:01, 17/06/2024

Sau giai đoạn 1 quy hoạch báo chí, Việt Nam đang có trên 800 cơ quan báo chí. Vấn đề kinh tế báo chí và cơ chế tài chính báo chí đang được phân tích để đưa ra giải pháp giúp báo chí phát triển. Tuy vậy, cơ chế tài chính báo chí vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ...

Báo chí là những sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội thể hiện bằng sự sáng tạo của người làm báo thông qua các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, hoặc các hoạt động truyền thông để đến với công chúng.

Như vậy, có thể xem tin tức và các sản phẩm của hoạt động báo chí, truyền thông… là những hàng hóa đặc biệt đáp ứng nhu cầu về thông tin, chính trị, giáo dục, giải trí… của công chúng, theo góc nhìn kinh tế, đó là kinh tế báo chí. Từ góc độ này cho thấy cơ chế tài chính báo chí đang còn nhiều vướng mắc chưa phù hợp với thực tế, ảnh hưởng tới sự phát triển của báo chí.

Nguồn thu cho cơ quan báo chí

Đối với Việt Nam, hầu hết các cơ quan báo chí còn giữ vai trò quan trọng với tư cách là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân. Vì thế, Đảng, Nhà nước ta từ năm 2019 đã đưa ra chủ trương quy hoạch lại báo chí, theo đó Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, sau giai đoạn 1 của quy hoạch báo chí (tính đến năm 2023), Việt Nam còn 808 cơ quan báo chí, bao gồm: 138 báo và 670 tạp chí (327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật và số còn lại là các tạp chí mang tính thông tin chuyên ngành).

Trong số các cơ quan báo chí kể trên, có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực gồm: Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV). Trong 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực này có tới 15 cơ quan báo chí, gồm: 11 báo, 3 tạp chí và Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC.

Về nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí, hiện có khoảng 41.000 người, trong đó khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người. Tổng số người được cấp thẻ nhà báo kỳ hạn 2021-2025 tính đến tháng 12/2023 là 20.508 trường hợp, trong đó 7.587 trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học trở lên ngành báo chí.

Theo các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, việc sắp xếp và quy hoạch nhằm hỗ trợ cơ quan báo chí, trong đó có vấn đề về tài chính, nhân lực, hạ tầng, những vấn đề liên quan đến mô hình báo chí giúp báo chí làm tốt hơn sứ mệnh, thúc đẩy phát triển những cơ quan báo chí có thương hiệu, có bề dày, có lượng bạn đọc lớn, định hướng dư luận theo mục tiêu đề ra.

Vấn đề kinh tế báo chí và cơ chế tài chính báo chí đang được phân tích để đưa ra giải pháp giúp báo chí phát triển.

Với tư cách là cơ quan ngôn luận, các hoạt động kinh tế báo chí của các cơ quan báo chí kể trên đang ngày càng đóng vai trò quan trọng, nhất là với các cơ quan báo chí của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước phải tự chủ về vấn đề tài chính. Riêng đối với cơ quan báo chí của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, vấn đề tự chủ tài chính đã đặt ra ngay từ khi được thành lập. Với những sản phẩm của mình, báo chí có thể tạo ra lợi nhuận từ 5 nguồn thu.

Thứ nhất, thu tiền từ dịch vụ quảng cáo, đây là nguồn thu chính cho nhiều cơ quan báo chí. Doanh nghiệp trả tiền để đăng quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, bao gồm báo in, truyền hình, radio và trang web.

Thứ hai, thu tiền từ người đọc, họ trả phí để có quyền truy cập các nội dung chất lượng mình cần.

Thứ ba, tổ chức sự kiện, hội nghị, triển lãm và các chương trình đặc biệt khác có thể tạo ra nguồn thu từ việc bán vé hoặc quảng cáo.

Thứ tư, nội dung trả phí trực tuyến, tức là thu phí từ việc truy cập nội dung chất lượng cao hoặc những dịch vụ đặc biệt.

Thứ năm, thu từ tài trợ và quảng cáo nội dung. Các doanh nghiệp có thể tài trợ cho nội dung cụ thể hoặc đặt quảng cáo trong các bài viết, video hoặc podcast…

Thứ sáu, thu từ dịch vụ truyền thông và tư vấn. Các cơ quan báo chí có thể cung cấp dịch vụ tư vấn truyền thông cho doanh nghiệp hoặc tổ chức.

Cần sửa đổi quy định về cơ chế tài chính báo chí

Không phải cơ quan báo chí nào cũng có đầy đủ các nguồn thu kể trên. Thực tế chỉ ra rằng việc tạo ra nguồn thu ổn định cho báo chí đòi hỏi sự sáng tạo và linh hoạt mới thích nghi được với những sự thay đổi trên thị trường truyền thông và công nghệ. Điều này đòi hỏi năng lực thực sự của lãnh đạo cơ quan báo chí cũng như chất lượng phẩm chất của những nhà báo, người làm báo trong thời đại công nghệ 4.0.

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, một mặt, đã tạo ra những bước đột phá về cải tiến nội dung báo chí để thu hút người đọc; mặt khác, làm giảm doanh thu từ các nguồn thu nói trên.

Hiện các cơ quan báo chí nói chung đang đứng trước tình hình doanh thu ngày càng giảm, bởi trước đây thông tin thường khan hiếm trên báo chí truyền thống, nhưng nay trên không gian số, nó đã trở nên dư thừa.

Các nền tảng số xuyên quốc gia, các mạng xã hội đã cạnh tranh mạnh mẽ với báo chí khiến doanh thu của các cơ quan báo chí ngày càng sụt giảm, trong khi chi phí ngày càng tăng.

Trước thách thức này, các cơ quan báo chí đang tích cực chuyển đổi số, những cách làm sáng tạo cải tiến nội dung để tăng doanh thu từ các sản phẩm của mình. Tạp chí Kinh tế Việt Nam cũng là một trong những cơ quan báo chí đã tận dụng thế mạnh của không gian số, tạo nguồn thu, duy trì hoạt động và phát triển rất tốt trong những năm vừa qua.

Tuy nhiên, báo chí vừa phải đảm bảo các nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao, vừa bảo đảm hoạt động kinh tế báo chí, nên rất nhiều cơ quan báo chí gặp khó khăn vướng mắc chủ yếu về cơ chế tài chính và chính sách thuế cho báo chí.

Một khó khăn khác xuất hiện trong năm qua đó là quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật của báo chí. Định mức này là cơ sở để xác định chi phí tiền lương trong đơn giá, giá sản phẩm, dịch vụ của các báo chí.

Việc thực hiện các quy định liên quan đến định mức kinh tế - kỹ thuật để tính đơn giá thực hiện đặt hàng, đấu thầu trong lĩnh vực báo chí vẫn còn nhiều vướng mắc. Định mức nhìn thì chặt chẽ nhưng chưa bắt kịp với tình hình thực tế sản xuất báo chí, gây khó khăn cho việc thực hiện.

Vì thế trước mắt, điều mà báo chí cần là Chính phủ sửa đổi quy định về cơ chế đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các cơ quan báo chí và hoàn thiện các quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực báo chí, đảm bảo phù hợp với thực tế dễ thực hiện.

Nhà nước cần đặt hàng thường xuyên hoặc theo định kỳ về công tác thông tin, tuyên truyền, đồng thời đặt hàng trực tiếp khi có những sự kiện đột xuất, chuyên đề riêng. Đây cũng là nguồn thu quan trọng giúp báo chí phát triển.

Mặt khác, báo chí cũng kiến nghị Nhà nước sửa đổi các quy định về thuế, phí, lệ phí, chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí phù hợp với đặc thù hoạt động của từng loại hình báo chí.

Kinh tế báo chí phát triển phần lớn dựa trên sản phẩm hàng hóa báo chí, truyền thông và dịch vụ quảng cáo trên các phương tiện truyền thông. Báo chí, truyền thông chỉ trở thành một ngành công nghiệp khi và chỉ khi việc sản xuất được diễn ra trên quy mô, dây chuyền lớn, với sự hỗ trợ của công nghệ, kỹ thuật cùng các cơ chế, chính sách và điều tiết từ Chính phủ.

Theo Tạp chí VnEconomy

https://vneconomy.vn/co-che-chinh-sach-giup-bao-chi-phat-trien.htm