Cơ sở hạ tầng đã sẵn sàng lưu lượng IPv6 tại Việt Nam vẫn thấp, vì sao?
Trong khi các ISP (nhà cung cấp dịch vụ Internet) khẳng định cơ sở hạ tầng đã sẵn sàng cho IPv6, lưu lượng kết nối qua chuẩn phân giải địa chỉ Internet mới này tại Việt Nam vẫn rất thấp. Vậy đâu là nguyên nhân chính?
Đây là vấn đề được Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) đặt ra tại cuộc họp tổng kết năm 2014 của Ban công tác thúc đẩy phát tiển IPv6 Quốc gia vừa qua.
Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, việc tìm ra nguyên nhân sẽ giúp đẩy nhanh quá trình triển khai IPv6 tại Việt Nam hơn, do đó, Bộ TT&TT và Ban công tác IPv6 rất cần sự tham mưu, tư vấn của các đơn vị và doanh nghiệp để từ đó Bộ đưa ra các chính sách, quy định được phù hợp.
“Cần phải tìm ra nguyên nhân nằm ở thiết bị đầu cuối hay các website nội dung chưa sẵn sàng? Nếu nói hạ tầng của ISP đã sẵn sàng rồi thì số lượng kết nối Internet từ thiết bị smartphone đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam và đã hỗ trợ giao thức IPv6 thì vì sao lưu lượng kết nối qua giao thức này vẫn thấp, trong khi các dịch vụ web lớn trên thế giới như Google và Facebook đều đã chạy trên IPv6?”, Thứ trưởng Thắng nêu rõ vấn đề cần lý giải.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết 2014 của
Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia.
Chia sẻ về trường hợp triển khai IPv6 ở Singapore năm 2013, Cơ quan phát triển Thông tin và truyền thông Singapore (IDA) đã áp dụng chính sách điều hướng mọi kết nối phải phân giải tên miền theo IPv6 trước, nếu không được mới chuyển sang IPv4. Đồng thời, IDA cũng yêu cầu các ISP lớn tại quốc gia này như M1, Singtel, Starhub đồng loạt triển khai chính sách cấp mặc định kết nối IPv6 song song với IPv4 cho các thuê bao băng rộng tại nhà nên lưu lương IPv6 của Singapore đã tăng đột biến. Hiện tại Singapore đứng thứ hai khu vực châu Á (sau Nhật Bản) và nằm trong 10 nước có tỉ lệ lưu lượng IPv6 cao nhất thế giới.
Chia sẻ tại buổi tổng kết, đại diện Netnam cũng cho biết ISP này đã có triển khai IPv6 nhanh nhất tại Việt Nam nhờ áp dụng giải pháp Dual Stack trong giai đoạn từ 2012-2014. Lưu lượng kết nối IPv6 từ các thuê bao Internet của Netnam chủ yếu cũng tập trung vào Google và Facebook.
Một thực tế hiện nay là các ISP lớn trong nước như VNPT,… đều cho biết đã sẵn sàng để triển khai IPv6 và cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Cũng đã có các khách hàng đặt vấn đề sử dụng, tuy nhiên sau khi chào giá cho giải pháp thì khách hàng không triển khai nữa vì vẫn đang sử dụng IPv4 được. Do đó, dù đã sẵn sàng về giải pháp, nhưng các ISP cũng không tự triển khai trước vì nhu cầu khách hàng còn quá ít, và thường có tâm lý tận dụng nốt IPv4, đến khi nào cần bắt buộc phải chuyển sang IPv6 thì mới triển khai.
Đại diện CMC chia sẻ rằng do hiện tại cả thế giới đều vẫn phải hỗ trợ song song cả IPv4 và IPv6, nên để tăng được lưu lượng kết nối IPv6 từ các thiết bị smartphone đã hỗ trợ sẵn chuẩn địa chỉ Internet này, cần làm việc cụ thể với các nhà mạng di động để hỗ trợ IPv6 đến tận các thuê bao 3G, xem cụ thể hệ thống mạng lõi của từng nhà mạng đã thực sự hỗ trợ IPv6 hay chưa, vì chỉ cần một phần trong hệ thống hạ tầng như Gateway cho 3G không hỗ trợ IPv6 thì toàn bộ quá trình kết nối sẽ lại phải chuyển sang IPv4.
Kết luận tại cuộc họp tổng kết năm của Ban công tác IPv6, Thứ trưởng Lê Nam Thắng chỉ đạo cần bám sát kế hoạch công tác, công việc gì đã làm được, phần nào chưa thực hiện được, từ đó đề ra phương án giải quyết để hoàn thiện chương trình công tác 2015. Ngoài ra, cũng cần cụ thể về khả năng sẵn sàng triển khai IPv6 sẽ bao gồm các tiêu chí như thế nào.
Các đơn vị tham dự buổi tổng kết cũng thống nhất cần phải tăng cường tuyên truyền mạnh hơn để các khách hàng sử dụng Internet thấy được tính cấp thiết của IPv6 và triển khai các giải pháp thiết bị và phần mềm hỗ trợ chuẩn địa chỉ Internet mới này.
Nha Trang ( Tổng hợp)