Công sở thời Facebook

03:27, 16/10/2009

Sau khi Yahoo!360 chính thức chia tay với cộng đồng blogger Việt, mạng xã hội Facebook gần như đang trở thành một hiện tượng, một xu hướng giải trí và kết nối mới tại Việt Nam. Bên cạnh sự gia tăng chóng mặt về số lượng người tham gia, Facebook còn làm nên nhiều kỷ lục ngoạn mục chỉ trong một thời gian ngắn.
 
 Điểm mạnh của Facebook chính là tính cộng đồng, chia sẻ dữ liệu nhanh chóng và sự phong phú của các ứng dụng. Đặc biệt, chơi quiz và game trên Facebook đang tạo thành bão ở các công sở, doanh nghiệp. Những công chức, nhân viên cần mẫn bất chợt chuyển nghề trở thành những “nông dân” chăm chỉ trên không gian ảo.

 

Facebook rất hấp dẫn, khó có thể cưỡng lại được

 

Nếu có một cơ quan chuyên thống kê sự lãng phí thời gian của dân công sở Việt Nam và quy ra tiền thì có lẽ con số mà Facebook đang đốt ở các văn phòng sẽ lên đến hàng tỷ đồng. Độc đáo, nổi bật và hút lượng lớn thành viên thuộc giới công chức văn phòng là các game nông trại như Happy Farm, Barn Buddy, Farm Pals, Farm Town, Farm Ville, Sunshine Ranch… Ở các trò chơi này, người chơi sẽ được vào vai nông dân thực sự.
 
Tại trang trại có cung cấp đầy đủ các nông cụ, địa điểm mua bán, những hình thức canh tác như: nơi mua sắm hạt giống, phân bón, công cụ để trừ sâu, diệt cỏ, thu hoạch... Nếu giàu hơn thì có thể vỡ đất khai hoang để trồng trọt thêm. Bạn sẽ phải đợi từ lúc gieo hạt đến lúc cây lớn, ra hoa, rồi kết trái. Ngoài ra, họ cũng có thể mời bạn bè tham gia chơi cùng cho vui hay để nâng thêm kinh nghiệm, kỹ năng chơi.

 

Một điểm lý thú không kém phần hấp dẫn đối với người chơi là ngoài kiếm tiền mua hạt giống trồng cây, họ có thể mua vật nuôi như gà, cừu, trâu bò... để thu hoạch kiếm tiền, hay chạy sang nông trại của bạn bè ăn trộm hoa quả, ăn trộm trứng gà... bán lấy tiền. Họ cũng có thể tích tiền để mua chó canh trang trại, đề phòng  kẻ ăn trộm...
 
Tất cả những tính năng trên được thực hiện trên một giao diện có màu sắc khá bắt mắt khiến các game này rất lôi cuốn người chơi. Mỗi lần có khách truy cập, hệ thống Facebook đều báo cáo cụ thể hoạt động của khách tại vườn. Quen biết trước trên mạng xã hội, việc những cái nick quen đến nhà vặt quả chín hay thả sâu bọ trở thành yếu tố kích thích người chơi chạy sang… trả thù hay cảm ơn. Nhờ vậy, khoảng thời gian dành cho Facebook cứ thế mà kéo dài…

 

Bên cạnh game nông dân, những thể loại game khác như Crime World, Hero World, Kung Fu Pets, Mafia Wars… là các trò chơi giả lập đánh nhau online, hay các trò nuôi thú ảo cũng đang hot trên Facebook và thu hút được nhiều người tham gia. Vậy là, từ môi trường giải trí lành mạnh, sự phát triển của game trên Facebook với mức độ tham gia dày đặc của nhiều người, đặc biệt là giới văn phòng, đã trở thành nỗi lo của nhiều doanh nghiệp.

 

Ý kiến người trong cuộc

 

Trà My – nhân viên kế toán của một công ty cổ phần thương mại ở Sài Gòn cho biết: "Em nghĩ trò chơi trên Facebook rất thú vị, mang tính giải trí cao. Đôi lúc cũng hơi mất thời gian trong việc hồi hộp canh chừng để thu hoạch nhưng nó cũng giúp mình giao lưu kết bạn được nhiều hơn”.

 

Phương Thảo, làm ở bộ phận quản lý khách hàng của một công ty mỹ phẩm Hàn Quốc thì hào hứng nói: “Facebook á! Ôi, mình thì ngày nào cũng phải chơi game trên Facebook. Mình hiện đang là bà chủ của một loạt khu vườn đấy nhé: nào là Barn Buddy, Happy Farm rùi Farm Ville. Dù biết, chúng khiến mình tốn rất nhiều thời gian nhưng mình mê nó mất rùi. Nhiều hôm mình phải canh đến khuya hoặc là đang ngủ cũng phải dậy để thu hoạch vì sợ bị trộm mất. Cái hay của game là khi chơi sẽ được hòa vào cuộc sống nông thôn, được nghe tiếng gà kêu, chó sủa thật sinh động, cứ như là ở thôn quê vậy”.

 

Anh Thanh Tùng, một fan khác của Facebook cho biết: “Nếu mỗi ngày không vào chăm sóc vuờn thì chịu không nổi. Nhiều lúc cũng cố gắng không chơi, nhưng cứ thấy bạn bè tặng quà nhiều, lại nghĩ đến trồng cây mà không thu hoạch thì dễ bị héo. Nên mình cứ vào thu hoạch, thu hoạch xong rồi sang chăm sóc vườn bạn, tính ra thì rất mất thời gian”.

 

Anh Minh Hòa, nhân viên công ty PR cũng là một fan của Facebook cho biết, không riêng gì anh mà gần hết nhân viên trong công ty đều… nghiện. Việc đầu tiên của nhiều người khi đến cơ quan hiện nay không còn là check mail như trước mà là truy cập vào Facebook, kiểm tra xem có ai comment gì không, nhận các quà tặng rồi mở game, kiểm tra vườn tược, bò, chó… Anh cho biết, ở công ty bạn anh, có nhân viên còn bị đình chỉ công tác 1 tuần vì quá say mê hoạt động trong băng đảng Mafia trên Facebook, công việc chính thì càng ngày càng chậm trễ, thiếu sự chú tâm...

 

Còn Thanh, làm trợ lý dự án cùng công ty với anh Hoà, cũng bị game nông trại cuốn hút, hiện tại đã tham gia 4 trò chơi nông trại trên Facebook. Không chỉ vậy, với mong muốn kiếm được nhiều tiền, tăng level nhanh, Thanh đã mạnh dạn "đầu tư" lập thêm 2 đến 3 cái nick phụ mới, chỉ để trồng cây, cho nick chính ăn trộm kiếm tiền. “Nhiều khi không login bằng máy tính được thì tôi login bằng điện thoại di động”, Thanh chia sẻ.


Hà Anh, một lập trình viên, vừa cười vừa nói: Tôi đã từng đã tốn hầu như cả giờ đồng hồ vào việc chơi game Facebook khi cho là mình có thể giấu được Sếp và có vẻ vẫn đang làm việc. Tuy nhiên một hôm tôi đã bị phát hiện – nguyên nhân là trò chơi đã post điểm số của tôi lên profile Facebook mà tôi không hề hay biết gì. Chính vì vậy mà Sếp đã thấy điểm số đó và tôi đã nhận được một bài giảng giải về việc lãng phí tài nguyên của công ty.

 

Vấn đề nan giải

 

Về mặt tích cực thì Facebook đem đến cho cư dân mạng một nơi giao lưu, kết bạn và chia sẻ cực kỳ lý tưởng mà không phải mạng xã hội nào cũng có thể làm được. Nó còn là một công cụ giải trí, xả stress, giãi bày tâm sự, trút bỏ phiền muộn. Đối với nhu cầu cá nhân thì nó là cầu nối giữa gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Đối với doanh nghiệp, tổ chức thì nó là nơi để hội họp, truyền tin, là kênh quảng cáo hữu hiệu… Về mặt tiêu cực thì Facebook đang bị cho là “chất gây nghiện” nguy hiểm hơn cả game online. Người ta đang có xu hướng dành quá nhiều thời gian để lên Facebook gây ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt cũng như công việc trong cuộc sống thực tại. Nếu đứng trên phương diện người quản lý của một công ty có nhân viên chơi Facebook thì dường như Facebook lại trở thành kẻ tội đồ, chất gây nghiện, làm giảm năng suất lao động …

 

Trước thực trạng trên, hiện nay một số doanh nghiệp đã có biện pháp chống lại cơn nghiện Facebook, cụ thể là bằng các biện pháp như chặn tường lửa. Hoặc có nơi đưa ra quy chế xử phạt đối với nhân viên khi chơi game trong giờ làm việc. Có những nơi mặc dù còn ít người dùng Facebook nhưng quản lý công ty đã phải sớm có lệnh cấm.

 

Anh Minh Long, hiện đang làm việc tại một công ty truyền thông tâm sự, hiện ở công ty anh, dù trong giờ làm việc hay ngoài giờ, các nhân viên cũng không thể vào mạng Facebook, lý do vì một thời gian trước, công ty anh đã có nhiều nhân viên lén đi "trồng cây" trong giờ làm việc. Để khắc phục tình trạng trên, công ty đã nhờ kỹ thuật khóa trang Facebook, không để các nhân viên vào được trang này.

 

Mặc dù các doanh nghiệp đã có nhiều biện pháp chế tài lẫn kỹ thuật để ngăn chặn nạn chơi game trên Facebook trong giờ hành chính, thế nhưng đó chỉ là những biện pháp nhất thời. Vấn để ở đây chính là vai trò của những người tham gia mạng xã hội này bởi Facebook sẽ không là vấn nạn nếu người chơi sắp xếp được thời gian làm việc hợp lý và chơi game vào giờ nghỉ để không làm ảnh hưởng đến công việc.


Ái Dân