Cổng Thông tin Thương mại Việt Nam (VTIP): Nâng cao hiệu quả cung cấp thông tin cho doanh nghiệp
Trong năm 2021, hệ thống cơ chế, chính sách vận hành Cổng thông tin thương mại Việt Nam (VTIP) về cơ bản đã được hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền trên Cổng với các nội dung đa dạng, kịp thời đến cộng đồng doanh nghiệp.
- Sáng 3/3/2022 sẽ ra mắt Cổng Thông tin cơ sở dữ liệu thương mại Việt Nam (VNTR)
- Doanh nghiệp cần tiếp tục số hóa để nâng cao năng suất sau Covid-19
- Gần 52.000 doanh nghiệp thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia
- Doanh nghiệp ngành Công Thương: Làm chủ công nghệ mới
- HCA tiếp đón đoàn lãnh đạo Hội Tin học, Hội Doanh nghiệp và các doanh nghiệp CNTT-VT tỉnh Đồng Nai
Quang cảnh hội nghị.
Sáng ngày 11/3, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác vận hành Cổng thông tin thương mại Việt Nam (VTIP) năm 2021, quý 1/2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành nhấn mạnh, theo yêu cầu của Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (TFA), mỗi nước thành viên, trong đó có Việt Nam, cần xây dựng cho mình một trang điện tử giúp công bố và cung cấp các thông tin. Chính vì vậy, việc xây dựng trang Cổng thông tin thương mại Việt Nam (VTIP) là để đáp ứng các cam kết của Việt Nam tại Hiệp định TFA, đồng thời là công cụ hữu hiệu tạo thuận lợi hơn nữa cho các bên có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu và quá cảnh với Việt Nam.
Tổng cục Hải quan là đơn vị được Chính phủ giao nhiệm vụ trực tiếp vận hành Cổng VTIP, trong thời gian qua Tổng cục Hải quan đã thường xuyên đăng tải, cập nhật các văn bản quy định cần thiết liên quan đến xuất nhập khẩu trên địa chỉ website www.vietnamtradeportal.gov.vn bằng cả 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh.
Cho biết rõ hơn về kết quả hoạt động của Cổng VTIP trong năm 2021, bà Vũ Thị Ánh Hồng, Tổng Biên tập Báo Hải quan, Phó Trưởng ban biên tập thường trực Cổng VTIP cho biết, hệ thống cơ chế, chính sách vận hành Cổng VTIP về cơ bản đã được hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền trên Cổng với các nội dung đa dạng bao gồm: tổng quan về nền kinh tế Việt Nam; các thông tin liên quan tới quy định pháp lý và thủ tục hiện hành về thương mại như: các văn bản pháp quy, thủ tục hành chính, thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu, biểu thuế, hướng dẫn, biểu mẫu, giấy phép và cấp phép, phi áp dụng các hiệp định thương mại quốc tế, khu vực và song phương mức mà Việt Nam đã ký kết... kịp thời đến cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, về nội dung, hiện nay thông tin đăng tải trên Cổng VTIP do cơ quan Hải quan cập nhật chủ yếu thuộc phạm vi quản lý của ngành Hải quan và một số văn bản quy phạm pháp luật do Tổng cục Hải quan nhận được từ các bộ, ngành gửi đến (chủ yếu là văn bản liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa). Do vậy, để Cổng VTIP cập nhật đầy đủ thông tin về thương mại của Việt Nam rất cần sự tham gia cập nhật thông tin lên Cổng từ các bộ, ngành và đơn vị liên quan.
Để phát huy hiệu quả của Cổng VTIP là cổng thông tin điện tử quốc gia uy tín, tin cậy trong việc công khai, minh bạch thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động thương mại giữa Việt Nam và các nước, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, để tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế, Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành yêu cầu các đơn vị trong ngành cần tiếp tục cập nhật thông tin, sắp xếp, hệ thống lại các cơ sở dữ liệu, văn bản, đồng thời hoàn thiện về công nghệ để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp.
“Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét có cơ chế phối hợp với các bộ, ngành để có sự phối hợp tốt hơn trong việc cung cấp nhanh và kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu trên Cổng VTIP”, Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cho biết thêm.
Theo/haiquanonline.com.vn