Cuộc chiến bán lẻ đầy khốc liệt của ngành điện máy Việt Nam

16:17, 26/01/2015

(Telecom&IT) - Mặc dù, doanh thu ngành điện máy trong nước đang tăng trưởng đều, nhưng đằng sau những con số khả quan đó là cả một cuộc chiến bán lẻ đầy cạnh tranh và...


Mới đây, tập đoàn Vincom tuyên bố sẽ nhảy vào lĩnh vực bán lẻ điện máy với thành viên mới là VinPro. Trước đó, năm 2014, Vingroup đã mua lại chuỗi siêu thị Ocean Mart, chủ đầu tư của trung tâm thương mại Grand Mall – Khang Gia Trading, và gần đây nhất là nhận chuyển nhượng chuỗi siêu thị 79 từ Tập đoàn Alphanam.

Với xu hướng đó, Nguyễn Kim cũng đã chính thức “tuyên chiến” bằng sự kiện sẽ hợp tác với liên minh có nhiều năm kinh nghiệm bán lẻ hàng điện máy tại Thái Lan Power Buy – thành viên của tập đoàn Central Group.

Điểm nhấn tiếp theo là sự kiện chuỗi siêu thị TopCare thuộc CTCP Đầu tư và thương mại Ngôi Sao Châu Á do ông Ngô Việt Dũng, Trần Việt Hải và Trần Trung Chính sáng lập đã đồng loạt đóng cửa không rõ lý do. Động thái này của Topcare đã được dư luận đặt ra rất nhiều câu hỏi.

Trên thực tế, tỉ suất lợi nhuận của ngành bán lẻ điện máy thường chỉ rơi vào khoảng 2 - 5% và giải pháp tốt nhất để tăng trưởng là phải mở rộng quy mô, chủ yếu là thông qua việc tăng số lượng cửa hàng. 

Chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng nhận định, M&A và liên doanh là cách thức tốt nhất hiện nay để doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô nhanh chóng cũng như tăng sức mạnh để phát triển. 

Do đó, những doanh nghiệp bán lẻ được hậu thuẫn bởi nguồn tài chính hùng mạnh từ những ông lớn sẽ tạo sức ép cho các doanh nghiệp nhỏ hơn. Sự kiện Nguyễn Kim Dẫn cần trợ lực từ Central Group là dẫn dụ thực tế cho nhận định này sau 2 năm không mở thêm trung tâm mới.

Dưới đây là bảng xếp hạng các Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 2014 (VNR500), phần lớn các hãng điện máy đều bị tụt hạng so với năm 2013.

Dien may Vietnam

Với một Nguyễn Kim đang dần tụt lại, Cao Phong (chuỗi điện máy Chợ Lớn), Thiên Hòa đang dần chiếm ưu thế ở phía Nam và VHC (chuỗi điện máy HC) đang vượt trội ở phía Bắc. Ảnh: CafeBiz

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, thị trường bán lẻ Việt Nam đang bước vào thời kì cạnh tranh khốc liệt. Khi sức ép ngày càng lớn thì doanh nghiệp bán lẻ càng phải tích cực tìm ra lợi thế cạnh tranh của mình để có thể tồn tại và phát triển.

Năm 2014, các thương hiệu bán lẻ điện máy lâu đời như Chợ Lớn, Trần Anh, Pico, Viễn Thông A, Mediamart đã đầu tư mở rộng quy mô. Năm nay, Mediamart cũng đã nâng tổng số trung tâm siêu thị điện máy từ 10 lên thành 16; Pico từ 4 lên 7; Trần Anh từ 9 lên 16; VHC từ 8 lên 14.

Khi mật độ siêu thị điện máy ở các thành phố lớn đã trở nên quá dày đặc thì chiến trường lại chuyển hướng về các khu vực nông thôn, tỉnh lẻ. Chính vì vậy, các chuỗi siêu thị đều tích cực mở rộng để “giành địa bàn”. 

Điển hình, Pico mở mới thêm 3 siêu thị, trong đó 2 ở Việt Trì và 1 ở Phúc Yên. Còn VHC triển khai ở Vinh - Nghệ An; Trần Anh thì ở thành phố Ninh Bình, Phú Thọ, Nam Định, Nghệ An, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh,…

Bên cạnh vấn đề thị phần thì chi phí thuê mặt bằng và quản lý chi phí cũng là vấn đề lớn gây đau đầu cho các doanh nghiệp điện máy trong nước. Không ít tên tuổi đang dần yếu đi hoặc phải “ra đi” vì không chịu nổi các khoản lỗ không bù đắp nổi như Việt Long, Top Care, Best Carings, Home One,…

Riêng VHC, con át chủ bài của công ty này trong chiến lược cạnh tranh với các trung tâm điện máy khác là lợi thế nắm trong tay quỹ đất khá lớn nhờ tận dụng thời cơ từ những năm thị trường bất động sản đóng băng. Do đó, công ty đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí trong việc triển khai siêu thị mới. 

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng thị trường điện máy Việt Nam hiện vẫn đang rất tiềm năng. Doanh số từng quý vẫn tăng trưởng đều và đặc biệt là nhiều doanh nghiệp ngoại đang lên kế hoạch lấn sân rầm rộ trong thời gian tới. Đây là minh chứng cụ thể nhất cho tiềm năng của ngành này.

Tuy nhiên, để có thể phát triển và bắt kịp xu thế chung, ngành bán lẻ điện máy sẽ không thể tránh khỏi việc phải trải qua các cuộc tái cấu trúc và hướng đi bài bản mới có thể sống sót và tồn tại.