Sự vụ Nga-Ukraine: Gió đã đổi chiều?

08:25, 12/04/2014

Sau sự kiện Crimea, cuộc chiến giữa Nga với Ukraine ngày một căng thẳng và kéo theo nó là Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ cũng vào cuộc. Sau nhiều động thái giữa các bên, nay tình hình đã có những dấu hiệu tích cực.

Các nghị sĩ Nga và Ukraine gặp nhau lần đầu tiên

Ngày 11/4, các nghị sĩ Nga và Ukraine đã gặp nhau trực tiếp lần đầu tiên kể từ khi quan hệ giữa 2 quốc gia này bị xuống cấp trầm trọng do cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cho biết, 2 phái đoàn gồm 5 người Nga và 8 người của Ukraine “đã hoan nghênh cơ hội được trao đổi quan điểm và nhất trí tiếp tục các cuộc hội đàm nhằm tháo ngòi nổ căng thẳng”. 

Cuộc gặp diễn ra tại trụ sở của OSCE tại Vienna (Áo) theo sự sắp xếp của Hội đồng Nghị viện của 57 quốc gia thành viên OSCE.

Nga trao trả tàu chiến đầu tiên ở Crimea cho Ukraine

Cũng ngày 11/4, Hạm đội Biển Đen của Nga bắt đầu tiến trình bàn giao lại chiến hạm đầu tiên - tàu tên lửa Priluky cho Ukraine.

Hai tàu kéo thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga bắt đầu việc lai dắt tàu tên lửa này rời khỏi vịnh Karantinaya của Sevastopol. Sau đó, tàu Priluky sẽ được một tàu kéo lớn lai dắt tới vùng hải phận quốc tế, nơi phía Ukraine đã chờ sẵn để tiếp nhận.

 

Tàu tên lửa Priluki đang rời Sevastopol.

Các quan chức Nga cho biết nước này đã sẵn sàng bàn giao tất cả các loại vũ khí của Ukraine còn lại ở Crimea nếu Kiev cung cấp các phương tiện vận tải.

"Bộ Quốc phòng Nga đã sẵn sàng để hoàn thành công việc chuyển giao vào tháng Sáu", Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Dmitry Bulgakov trả lời báo giới hôm 9/4.

Cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine về chuyển trả vũ khí tập trung chủ yếu vào lực lượng và thiết bị trên bộ. Vẫn còn một số tàu chiến của Ukraine và 70 tàu dịch vụ khác đang nằm trong vùng biển của Crimea và không có quy định nào về khung thời gian để các tàu này rời đi.

Nga cam kết với châu Âu sẽ tôn trọng cáchợp đồng khí đốt

Cùng ngày 11/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, nước này sẽ thực hiện các nghĩa vụ của mình với các khách hàng châu Âu và không có kế hoạch ngừng việc chuyển khí đốt đến Ukraine, mặc dù Moskva có thể yêu cầu Kiev thanh toán trước các khoản tiền khí đốt.     

Trong bình luận dường như để xoa dịu quan ngại của châu Âu về vấn đề khí đốt, nhưng vẫn duy trì sức ép để buộc Ukraine phải trả khoản nợ 2,2 tỷ USD tiền khí đốt của Nga, ông Putin nói: “Chúng tôi đảm bảo thực hiện tất cả các nghĩa vụ của mình với các khách hàng châu Âu. Vấn đề không ở phía chúng tôi mà nằm ở việc đảm bảo hoạt động trung chuyển thông qua Ukraine”.     

Trong thư gửi 18 nhà lãnh đạo châu Âu hôm 10/4, ông Putin nói rằng, nguồn cung khí đốt của Nga cho châu Âu có thể bị gián đoạn nếu Moskva ngừng chuyển khí đốt cho Ukraine do Kiev chưa thanh toán các hóa đơn. Động thái này đã dẫn đến việc Mỹ cáo buộc Nga đang sử dụng năng lượng làm “công cụ gây sức ép”.

G-7 muốn cùng Nga giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine

Theo Reuters, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble ngày 11/4 cho biết, ông và những người đồng cấp khác thuộc nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G-7) đã nhất trí làm việc với nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, và Nga phải là một phần của giải pháp.

 

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble (trái) muốn sớm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Phát biểu tại Washington, ông Schaeuble nêu rõ: “Tất cả chúng tôi đã nhất trí chúng ta phải cùng nhau giải quyết vấn đề này. Nga phải là một phần của giải pháp và chúng tôi không muốn gây khó dễ cho Nga." Ông hy vọng Ukraine được đề cập đến trong thông báo chung của hội nghị nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Trong khi Kyodo cho hay, thông báo chung sẽ được đưa ra vào ngày 11/4 sau khi hội nghị bộ trưởng tài chính G-20 kết thúc, có thể thừa nhận rằng mối đe dọa địa chính trị ngày càng lớn bắt nguồn từ việc Nga can thiệp vào Ukraine, có nguy cơ cản trở nỗ lực của nhóm này nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà họ đặt ra 2 tháng trước. Ngoài ra, G-20 cũng có thể sẽ nhất trí về tầm quan trọng của việc hỗ trợ tài chính cho Ukraine, đất nước đang có nguy cơ sụp đổ tài chính giữa những bất ổn chính trị.

Và EU sẽ giúp Ukraine thanh toán các hóa đơn khí đốt

Theo Đài phát thanh ORF của Áo ngày 11/4, dẫn lời của Ủy viên Năng lượng châu Âu Guenther Oettinger cho biết, ông đang soạn thảo một kế hoạch giúp Ukraine thanh toán các hóa đơn khí đốt của nước này cho Nga và khẳng định không có lý do phải lo ngại về nguồn cung khí đốt của Nga cho châu Âu.

Ông Oettinger nói: “Chúng tôi đang liên hệ chặt chẽ với Ukraine và công ty khí đốt của nước này để đảm bảo rằng Ukraine vẫn có khả năng thanh toán và các khoản nợ của công ty này với Gazprom sẽ không tăng thêm. Tôi đang chuẩn bị một giải pháp là một phần trong gói viện trợ mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Thế giới sẽ cung cấp cho Ukraine. Nhờ vào giải pháp này mà Kiev có thể thanh toán các hóa đơn."

Ông Oettinger cho biết thêm, ông sẽ gặp các bộ trưởng năng lượng và ngoại giao của Ukraine vào ngày 13/4.

Thanh Trà (tổng hợp)