Đà Nẵng đang ở vị thế thuận lợi để đi đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn
Gần đây, ngành công nghiệp bán dẫn mới nổi của Đà Nẵng đã thu hút sự chú ý của toàn cầu, nhờ vào việc phát triển nhanh chóng cơ sở hạ tầng công nghiệp, vị trí chiến lược và lực lượng lao động tay nghề cao ngày càng tiến bộ. Với hệ sinh thái công nghệ mới nổi, Đà Nẵng đang ở vị thế thuận lợi để đi đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Lễ trao thỏa thuận hợp phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại thành phố Đà Nẵng - Ảnh: VGP/Nhật Anh
Đây là ý kiến được Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM chia sẻ tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vi mạch bán dẫn trong khuôn khổ sự kiện "Ngày vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024" do UBND TP. Đà Nẵng tổ chức sáng 30/8.
"Đi đầu, đi nhanh" trong phát triển nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn để đón sóng đầu tư
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho hay, ngành công nghiệp bán dẫn là một trong những ngành công nghiệp quan trọng có giá trị cao và đóng vai trò trung tâm trong cuộc cách mạng công nghệ hiện đại.
Đà Nẵng nằm ở vị trí trung tâm của cả nước và khu vực, có quan hệ ngoại giao, kinh tế với hầu hết các quốc gia là cường quốc trong ngành công nghiệp bán dẫn. Đà Nẵng có nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo bài bản cùng với sự ổn định chính trị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông thuận lợi, đặc biệt là được sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ, sự quyết tâm của chính quyền địa phương trong tạo lập hành lang pháp lý cũng như cơ chế ưu đãi hỗ trợ đầu tư đặc thù phát triển ngành vi mạch bán dẫn.
Những lợi thế trên đã tạo thuận lợi để Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghệ cao của cả nước với trọng tâm là vi mạch bán dẫn, như mục tiêu đề ra tại Kết luận số 79-KL/TW ngày 13/5/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo ông Lê Trung Chinh, từ cuối năm 2023 đến nay, Đà Nẵng đã nhanh chóng đón bắt thời cơ để tiếp cận nhà đầu tư, quảng bá môi trường và cơ hội đầu tư cũng như triển khai đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, bước đầu đã tạo được tiếng vang trong cộng đồng vi mạch bán dẫn trong nước và thế giới.
Các doanh nghiệp thiết kế bán dẫn hàng đầu thế giới như Synopsys, Marvell đã có mặt tại Đà Nẵng. Nvidia, Qualcom, Intel... đã đến khảo sát cơ hội đầu tư tại Đà Nẵng và đang có kế hoạch hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại thành phố. Tập đoàn Foxlink, một trong các doanh nghiệp hàng đầu của Đài Loan (Trung Quốc) cũng đầu tư vào thành phố 135 triệu USD và đang có kế hoạch mở rộng trong thời gian tới.
"Đà Nẵng đặt mục tiêu "đi đầu, đi nhanh" trong phát triển nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn tại Việt Nam để đón sóng đầu tư. Sự kiện "Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng 2024" lần đầu tiên được tổ chức hôm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng, thúc đẩy Đà Nẵng bắt đầu bứt phá phát triển với trọng tâm là vi mạch bán dẫn cũng như đánh dấu một cột mốc mới trong hành trình phát triển của Thành phố", Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nói.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vi mạch bán dẫn Đà Nẵng 2024 - Ảnh: VGP/Nhật Anh
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng khẳng định, công nghiệp vi mạch bán dẫn được xác định là một trong những động lực quan trọng mới, đặt nền tảng đột phá phát triển kinh tế - xã hội của TP. Đà Nẵng trong thời gian tới. Đến năm 2030, Đà Nẵng đặt mục tiêu phấn đấu trở thành một trong ba trung tâm vi mạch bán dẫn lớn của Việt Nam, hình thành mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch bán dẫn gắn với phát triển đồng bộ hệ sinh thái vi mạch bán dẫn.
Cụ thể, Đà Nẵng tập trung tranh thủ tận dụng mọi nguồn lực để đào tạo, thu hút tối thiểu 5.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch bán dẫn, trong đó có ít nhất 2.000 nhân lực thiết kế và 3.000 nhân lực kiểm thử, đóng gói; thu hút đầu tư ít nhất 20 doanh nghiệp thiết kế vi mạch bán dẫn, dịch vụ thiết kế, trong đó có từ 1- 2 doanh nghiệp đóng gói, kiểm thử.
Trong nỗ lực kiến tạo môi trường thuận lợi và xây dựng hệ sinh thái để phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, Đà Nẵng tập trung vào 3 hướng đột phá đó là chính sách, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.
DN Hoa Kỳ mong muốn đóng góp phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam
Phát biểu tại sự kiện, bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM cho rằng, ngành công nghiệp bán dẫn là nền tảng của nền kinh tế toàn cầu hiện đại, thúc đẩy đổi mới công nghệ và tạo điều kiện cho Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Hoa Kỳ và Việt Nam đã chia sẻ tầm nhìn chung nhằm khai thác sức mạnh của ngành công nghiệp quan trọng này để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đổi mới công nghệ và hướng tới phát triển bền vững.
"Để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, chúng tôi khuyến khích Việt Nam đảm bảo môi trường pháp lý hấp dẫn và đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ (IP) mạnh mẽ. Để duy trì khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường, Việt Nam cần có lực lượng lao động đẳng cấp thế giới. Điều này bắt đầu bằng việc tăng cường giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) ở mọi cấp độ để đảm bảo hệ thống giáo dục đào tạo ra những sinh viên tốt nghiệp có các kỹ năng kỹ thuật cần thiết để phát triển trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Các công ty, tập đoàn của Hoa Kỳ như Synopsys, Marvell và Intel đã có vị thế vững chắc tại Việt Nam trong thời gian qua và mong muốn tiếp tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam cũng như mở rộng các quan hệ hợp tác với các đối tác Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển của ngành bán dẫn nói riêng và sự phát triển kinh tế Việt Nam nói chung.
Các chuyên gia trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn trao đổi về các tiềm năng, lợi thế của thành phố Đà Nẵng trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và các giải pháp Đà Nẵng cần triển khai nhằm khai thác tối đa các thế mạnh sẵn có - Ảnh: VGP/Nhật Anh
Cũng tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương nhấn mạnh, ngày 26/6/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trong đó có các chính sách ưu đãi vượt trội cho các nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo. Đây là động lực để thu hút nguồn lực nước ngoài đầu tư vào địa phương.
"Đà Nẵng cần sớm nghiên cứu và xây dựng các nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn để cụ thể hóa các nội dung quy định tại Nghị quyết 136 của Quốc hội vào thực tế, kịp thời ban hành và áp dụng vào đầu năm 2025.
Cùng với đó, Thành phố cần triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, dự án nêu tại Đề án phát triển vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo thành phố Đà Nẵng, hoàn thành mục tiêu của Thành phố đào tạo ít nhất 5.000 kỹ sư lĩnh vực vi mạch bán dẫn đến năm 2030, góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược quốc gia", Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương đề nghị.