Đánh giá tốc độ phát triển hạ tầng ICT Việt Nam
Đây là ý kiến của TS. Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục ứng dụng CNTT, Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hội nghị tham vấn về hỗ trợ phát triển ICT ở Việt Nam giai đoạn tiếp theo được Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức mới đây tại Hà Nội.
TS. Quách Tuấn Ngọc cho biết WB nên tiếp cận hơn với thực trạng ICT Việt Nam, nhất là trong 5 năm qua. Trong 5 năm qua, ICT Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Riêng vấn đề phát triển hạ tầng viễn thông, kết nối Internet ở Việt Nam thì để các doanh nghiệp tự làm, Nhà nước cũng không can thiệp. Trên thực tế trong mấy năm vừa qua, hạ tầng ở Việt Nam phát triển có thể nói là rực rỡ và có những phát triển Việt Nam không dự báo được. Ví dụ như mạng di động, rồi bây giờ là 3G và kết nối Internet tốc độ cao ở Việt Nam có ưu điểm đi sau nên phát triển theo hướng phủ bằng cáp quang là rất lợi vì không chỉ truyền Internet tốc độ cao mà truyền cả sóng truyền hình đến vùng nông thôn và không phụ thuộc thời tiết, băng thông lớn mà giá thành rẻ. Đây là một bài học của Việt Nam với các nước đi khác. Thái Lan, Nhật Bản là những nước đi trước hiện nay có trên bầu trời cả “rừng” vệ tinh.
Về vấn đề tồn tại khoảng cách số ở Việt Nam, TS. Quách Tuấn Ngọc phản biện là không đúng. Diện phủ sóng ở vùng sâu vùng xa ở Việt Nam đang cực kỳ thuận lợi. Một ví dụ điển hình và tự hào của Việt Nam, cụ thể là ngành Giáo dục và Đào tạo với sự giúp đỡ, tài trợ của Viettel, VNPT, các trường học ở những nơi có điện đều đã được kết nối Internet. Việt Nam không chỉ tài trợ kết nối cho các trường học ở Việt Nam. Ví dụ Viettel còn đã và đang tài trợ cho Lào, Campuchia, Haiti và Mozambique. Đây có thể nói là lợi thế và ưu việt của mô hình ICT của Việt Nam đáng để các nước khác học tập.
Hạ tầng ICT Việt Nam hiện nay rất thuận lợi, hoàn toàn do kinh tế thị trường phát triển. Nhà nước không phải bỏ tiền đầu tư vào như các dự án lớn mà hạ tầng này do các doanh nghiệp chủ lực VNPT, Viettel và xu thế là cáp quang hóa đến tận xã. Hạ tầng Việt Nam đang trên đà phát triển.
Bà Natasha Beschorner, điều phối viên khu vực phụ trách mảng CNTT-TT của WB tại Đông Á và Thái Bình Dương cho biết, WB đang xây dựng chiến lược mới về phát triển CNTT&TT hỗ trợ cho sự phát triển xã hội của các quốc gia trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam với 3 vấn đề: Kết nối, Sáng tạo và Đổi mới. Dự kiến đến tháng 5/2011, WB sẽ ra Dự thảo chiến lược và đến tháng 7/2011 sẽ tiến hành tham vấn toàn cầu đối với Dự thảo chiến lược hoàn chỉnh. Vì thế, trong thời gian này, WB đang tiến hành tham vấn trong nội bộ và với bên ngoài để chuẩn bị cho chiến lược.