Đẩy mạnh nghiên cứu KH&CN gắn với điều tra cơ bản biển từ nay đến năm 2030
Mới đây ngày 18/5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 647/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030. Nghiên cứu KH&CN và phát triển nguồn nhân lực biển là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất.
Theo quyết định số 647/QĐ-TTg, Đề án này sẽ tập trung thực hiện sáu nhiệm vụ lớn, trong đó có các nhiệm vụ như quản trị biển và đại dương, quản lý tổng hợp vùng bờ; phát triển kinh tế biển, ven biển; điều tra cơ bản, nghiên cứu KH&CN, phát triển nguồn nhân lực biển; bảo vệ môi trường biển, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Với nhiệm vụ điều tra cơ bản, nghiên cứu KH&CN, phát triển nguồn nhân lực biển, Đề án không chỉ nêu rõ các nội dung lớn cần thực hiện mà còn nhấn mạnh đến vai trò của khoa học trong việc hình thành và giải quyết các vấn đề về kinh tế biển. Đó là:
- Ứng dụng các thành tựu KH&CN tiên tiến và đẩy mạnh nghiên cứu KH&CN biển gắn với điều tra cơ bản biển;
- Phối hợp với các nước có thế mạnh về khoa học biển để học hỏi, xây dựng các trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến của Việt Nam;
- Tham gia các hoạt động quốc tế trong khuôn khổ Thập kỷ của Liên Hợp Quốc về khoa học biển vì sự phát triển bền vững giai đoạn 2021-2030.
Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam làm việc với đoàn khoa học Nga nhân chuyến khảo sát hỗn hợp bằng tàu mang tên Viện sĩ M.A. Lavrentiev vào tháng 11/2019.
Để nâng cao hiệu quả của các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học biển, Đề án đã nhấn mạnh đến vấn đề đào tạo phát triển nhân lực biển chất lượng cao, trong đó chú trọng các lĩnh vực kinh tế hàng hải, du lịch biển, thủy hải sản, y học biển; xây dựng cơ chế thu hút chuyên gia, nhà khoa học, nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế; hình thành đội ngũ chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia khoa học đầu đàn, cán bộ quản lý nhà nước có trình độ cao về tài nguyên, môi trường biển.
Nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động trên diễn ra thuận lợi, Đề án còn đề cập đến việc xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để các nhà khoa học Việt Nam tham gia vào các tổ chức KH&CN biển quốc tế, các ban biên tập các tạp chí quốc tế về biển.
Đề án đã đưa ra bảy giải pháp thực hiện và 16 dự án, nhiệm vụ để triển khai các nội dung mà Đề án nêu ra. Trong số này, Bộ KH&CN được giao phối hợp với Bộ TN&MT, các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương có biển thực hiện nhiệm vụ “Bổ sung các chính sách, pháp luật tạo cơ chế thu hút chuyên gia, nhà khoa học, nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế làm việc trong lĩnh vực biển, đảo” (thời gian từ năm 2021 đến 2025).
Thùy Chi (T/h)