Dịch vụ báo chí cho di động ăn nên làm ra

08:00, 17/08/2011

Nhu cầu thông tin ngày nay trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với mỗi người dân ở bất kỳ đâu. Tuy nhiên, do cuộc sống công nghiệp bận rộn và quỹ thời gian eo hẹp nên ít người có cơ hội đọc nguyên vẹn các tờ nhật báo. Do vậy, dịch vụ báo chí cho di động (DVBCDĐ) có cơ hội  phát triển.


Việc phát triển mạnh mẽ của các mạng di động và tỉ lệ người dùng điện thoại ngày càng tăng là nguyên nhân quan trọng khiến hàng loạt dịch vụ phụ trội cho di động đang được các công ty bên ngoài và lẫn các nhà mạng “đổ” ào ạt vào máy của từng khách hàng theo dạng tin nhắn quảng cáo. Điểm hay của dịch vụ tin tức qua điện thoại là truyền tải thông tin “nóng hổi” đến tận máy cho người đọc, việc này giúp tiết kiệm tối đa thời gian tìm kiếm tin tức của người sử dụng máy, đồng thời giúp người đọc có thể biết được các tin tức trọng điểm trong nước và thế giới một cách trực tiếp.


 Hiện nay, có rất nhiều công ty tham gia DVBCDĐ bao gồm các nhà mạng với các dịch vụ mExpress của Mobifone, DailyExpress của Viettel, các dịch vụ trên đầu số 9x99 của Sfone,… cho tới các dịch vụ tin tức của các đầu số 8xxx, 7xxx, 6xxx của các công dịch vụ nội dung. Điểm hạn chế của các dịch vụ tin tức vừa kể trên là chúng không tự sản xuất ra tin tức mà lấy tin từ các tờ báo – vì thế, so về mức độ cập nhật tin mới nhất, các báo mạng có lợi thế lớn hơn. Điều này đã khiến các tờ báo mạng nhảy vào cuộc. Cách đây không lâu, một vài tờ báo đi tiên phong trong việc cung cấp DVBCDĐ qua tính năng RSS trên trình duyệt hoặc tin vào thẳng email. Ngay sau đó, khi dịch vụ 3G phát triển mạnh và nhiều người sử dụng smartphone, nên việc đọc tin qua trình duyệt trong điện thoại có cơ hội được tăng tốc. Các báo giấy cũng có các phiên bản online theo định dạng riêng cho mobile để thu hút thêm độc giả và quảng cáo.


DVBCDĐ tưởng chừng có thể mang đến cho mọi người một kênh thông tin nhanh, rẻ nhưng thực chất lại không phải vậy khi xu hướng “lá cải hóa” với tin tức giải trí, rẻ tiền, thiếu lành mạnh khiến cho tất cả luôn trong tình trạng thừa thãi nhưng vẫn “đói” thông tin chính thống mà người đọc thực sự mong muốn.

 Nhu cầu đọc báo của người Việt Nam rất phong phú và nếu không có chiến lược cụ thể, chắc chắn các DVBCDĐ sẽ bỏ mất một lượng lớn bạn đọc có nhu cầu thông tin lành mạnh trong khi lại quá tập trung vào nhóm người“thời vụ” thích đọc tin “lá cải”. Google đã đi đầu trong việc này khi phát triển dịch vụ Google News trong đó có các tùy chọn giúp người đọc có thể chọn đọc các tin mình quan tâm từ kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội, khoa học kỹ thuật, thể thao,… Như vậy, một người quan tâm tới phần thông tin nào thì tự động Google News sẽ hiển thị các tin có liên quan, việc này giúp giảm thiểu tối đa thời gian dò tin và mang đến chính xác cái người đọc cần. 


 Các dịch vụ tin tức khác cũng đang đi theo hướng này khi phân chia nội dung tin tức ra thành nhiều dạng và bạn đọc có thể tùy chọn. Tuy nhiên, điều này lại làm nảy sinh mâu thuẫn lớn giữa các dịch vụ cung cấp tin tức với một bên cung cấp thông tin như Google News cung cấp tin trực tiếp trên website của họ theo phiên bản mobile với một bên là các nhà mạng, công ty dịch vụ nội dung cung cấp tin tức qua SMS. Lợi thế của tin tức qua SMS là nhanh nhưng lại  không cập nhật và khó đọc (vì viết không dấu hoặc quá ngắn) trong khi tin trên web định dạng cho mobile thì đầy đủ, dài nhưng lại phải mất công truy cập và cần các kết nối mạng. 
 

Giới quan sát nhận xét, kết quả của cuộc chiến này do người sử dụng quyết định, tuy nhiên- điều mà các nhà cung cấp thu được chính là việc các phiên bản mobile của website tin tức hoặc SMS dịch vụ tin tức cho di động nhận được ngày càng nhiều hợp đồng quảng cáo để lồng vào đó các chỉ hướng đến những sản phẩm mà họ muốn quảng bá.

Hà Thi