Doanh nghiệp lấy khoa học công nghệ là nền tảng tăng năng suất
Trong những năm vừa qua, ngành công nghiệp đã có bước chuyển mình rõ rệt nhờ áp dụng, ứng dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật mới. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp nhiều doanh nghiệp đã có những giải pháp kỹ thuật tốt và đưa ra quyết định kịp thời giúp công ty vượt qua khó khăn.
Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, những năm qua các hoạt động sản xuất-kinh doanh của Tổng Công ty May 10 đã thay đổi tích cực nhờ áp dụng khoa học và công nghệ. Nhờ vậy, sản phẩm của May 10 được người tiêu dùng đón nhận. Đó là đà giúp cho công ty phát triển bằng cách đầu tư hệ thống máy tự cắt vải tự động và máy trải vải, giúp tiết kiệm nguồn chi phí và nhân công nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ bán thành phẩm cho may với chất lượng đúng tiêu chuẩn.
Khoa học công nghệ trở thành nền tảng quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp.
Tương tự, với Công ty cổ phần cơ khí Phổ Yên (FOMECO), việc ứng dụng công nghệ; đổi mới quy trình sản xuất đã tạo ra những thay đổi đột phá cho doanh nghiệp. Từ xuất phát điểm ban đầu với 7 công cụ quản lý chất lượng, áp dụng 5S tại nơi làm việc, đến nay, công ty đã áp dụng hầu hết công cụ quản lý như: ISO 9001, ISO 14001, ISO 50001, IATF 16949, TPM, kaizen. Bên cạnh đó, để giảm giá thành và đáp ứng tiến độ giao hàng, hơn 80% thiết bị công nghệ, dây chuyền sản xuất, thực hiện kiểm tra, bao gói đã được tự động hóa... Trong 5 năm gần đây, doanh số bán hàng của FOMECO có mức tăng trưởng bình quân đạt 14%/năm, mức tăng khá cao đối với một đơn vị có doanh số tương đối lớn trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Việc xử lý thành công lỗi máy nén đã làm lợi cho Nhà máy Xử lý khí Cà Mau hơn 28 tỷ đồng mỗi năm, góp phần duy trì ổn định cấp khí cho các đơn vị trong cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau và đảm bảo nhà máy hoạt động ổn định. Đây cũng là kết quả của việc áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất.
Tại Nhà máy Alumin Tân Rai thuộc Công ty Nhôm Lâm Đồng, thực hiện cải tiến, thay đổi lưu trình công nghệ nhằm giảm tiêu hao hơi nước mới, giảm tiêu hao than cho phân xưởng nhiệt điện, tăng công suất trạm Cô đặc giúp tăng sản lượng 60.000 tấn/năm.
Trên đây chỉ là số ít trong số hàng trăm doanh nghiệp điển hình đã áp dụng các phương pháp nâng cao năng suất để tăng hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Có thể thấy, việc áp dụng hệ thống quản lý dựa theo tiêu chuẩn ISO và các công cụ như: 5S, Kaizen, sản xuất tinh gọn Lean, Lean 6 sigma… đã mang lại cải tiến đáng kể, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng của doanh nghiệp. Từ phía doanh nghiệp sản xuất, những nỗ lực cải tiến không ngừng về khoa học công nghệ và trình độ quản lý đã tạo ra kết quả rất rõ ràng gắn với mục tiêu tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Theo Tạp chí Chất lượng Việt Nam