Dùng miếng dán màn hình là thừa thãi và ngu ngốc?
Hầu hết trong chúng ta vẫn có thói quen dán màn hình đối với smartphone vì sợ trầy xước, nhưng liệu thói quen này có thực sự đúng đắn?
Màn hình là bộ mặt của chiếc máy, cũng là nơi mà chúng ta thao tác nhiều nhất trên một chiếc smartphone. Bảo vệ màn hình không bị xước không chỉ giúp việc hiển thị được đẹp mắt hơn, mà cũng giúp chúng ta có thể sử dụng máy một cách mượt mà và dễ chịu.
Quay trở lại thời kỳ 4-5 năm trước, hầu hết điện thoại cảm ứng phổ thông đều sử dụng công nghệ cảm ứng điện trở, nghĩa là phải dùng lực bấm mạnh xuống màn hình để thao tác. Do đặc điểm đó cùng với công nghệ kính bảo vệ chưa phát triển, những miếng dán màn hình bằng nilon là trang bị cực kỳ quan trọng để bảo vệ màn hình máy khỏi các tác động vật lý lên bề mặt, thậm chí là giúp thao tác dễ dàng hơn.
Chính vì sự quan trọng đó nên miếng dán màn hình cũng thường được tặng kèm theo các máy này.
Còn ngày nay, nếu bạn để ý thì chẳng còn mấy hãng điện thoại tặng kèm miếng dán chống trầy xước nữa. Từ các dòng sản phẩm cao cấp hàng chục triệu đồng như iPhone, Galaxy Note,… đến những máy giá rẻ như ASUS ZenFone. Vậy tại sao một trang bị nhỏ nhoi và cần thiết như vậy lại bị cắt bỏ?
Đơn giản là việc bảo vệ màn hình đã được các nhà sản xuất tính đến và trang bị cho sản phẩm của mình để người dùng có thể yên tâm sử dụng. Công nghệ kính cường lực của Corning, kính bảo vệ bằng sapphire đủ để bảo vệ chiếc máy của chúng ta chẳng kém gì dán một miếng dán nilon cả. Chúng đủ “khoẻ” để tự bảo vệ mình khỏi các tác động gây xước phổ biến, chẳng hạn như móng tay hay chìa khoá.
Cũng chẳng quá thừa thãi khi bọc thêm một lớp nilon để bảo vệ phần màn hình này, tuy nhiên lớp nilon đó đôi khi lại gây ra những điều phiền phức và khó chịu khi sử dụng.
Dưới đây là một vài điểm lợi – hại của việc dán màn hình, để chúng ta thấy được liệu có thực sự cần dán màn hình cho chiếc máy của mình hay không.
Tác dụng chính vẫn là bảo vệ
Nếu từng sử dụng miếng dán màn hình, bạn đều thấy rằng sau một thời gian sử dụng, bề mặt của chúng xuất hiện khá nhiều vết xước răm. Đó chính là bằng chứng ghi lại hàng trăm, hàng nghìn lần chịu tác động từ bên ngoài đối với chiếc máy. Chẳng thể biết màn hình chính sẽ ra sao nếu không có lớp miếng dán này, nhưng điều đó cho thấy, nó cũng đã chống đỡ một phần giúp bảo vệ cho màn hình của chúng ta.
Chiếc máy chịu khá nhiều vết xước trên mặt. Không biết màn hình sẽ ra sao nếu không có những miếng dán này.
Nếu bạn là một người cẩn thận và mong muốn một chiếc máy hoàn hảo, việc dán màn hình không chỉ giúp bảo vệ, mà nó còn mang đến cảm giác yên tâm và thoải mái khi sử dụng. Màn hình của máy dù cứng nhưng không phải là không có kẻ thù. Mặt kim cương, đá quý sắc cạnh, hay đơn giản là cát vẫn có thể là tổn thương màn hình của chúng ta. Còn khi đã có miếng dán nilon bên ngoài, người dùng có thể bấm, chọt thoải mái mà không cần lo lắng điều gì, vì nếu xước cũng chỉ cần bóc ra và thay miếng dán mới.
Tác dụng trang trí, chống vân tay, bảo
Trên thị trường hiện nay, ngoài loại miếng dán trong suốt với mục đích chính là bảo vệ, cũng có những miếng dán được làm với hình thức lạ mắt và bổ sung thêm những đặc tính mà màn hình hay miếng dán thường không có. Chẳng hạn như miếng dán kim cương, miếng dán 3D cho mục đích trang trí, miếng dán chống vân tay giúp những người tay ra mồ hôi có thể thao tác mượt mà, hoặc miếng dán gương có tác dụng giảm góc nhìn, tránh lộ những thông tin trên màn hình.
Đó là 2 tác dụng lớn mà những miếng dán màn hình có được, tuy nhiên chúng cũng không tỏ rõ sự vượt trội của mình bởi tác dụng bảo vệ thì mặt kính Corning Gorilla hoàn toàn làm được, ngoại trừ một vài máy giá rẻ sử dụng mặt kính thường. Còn về những phiền phức mà người dùng có thể gặp phải thì sao?
Làm xấu chiếc điện thoại
Mỗi chiếc điện thoại “ra lò” vốn là một sản phẩm đã được tính toán thiết kế hoàn chỉnh, là một khối thống nhất. Thế nhưng khi dán thêm một miếng nilon bảo vệ màn hình, dù không lớn những chúng vô tình trở nên lạc lõng với tổng thể chiếc máy, đặc biệt là với một vài sản phẩm đắt tiền hay những sản phẩm có màn hình hơi cong. Việc miếng dán không bao phủ hết màn hình khiến chúng trở nên khá vô duyên. Không những vậy, sau một thời gian sử dụng, miếng dán này có thể bị xước, bị bong tróc, “nổ” (xuất hiện các bóng khí bên trong) khiến ngoại hình tổng thể chiếc điện thoại chúng ta bị ảnh hưởng đáng kể.
Giảm độ nhạy cảm ứng, cản trở thao tác
Mặc dù hầu hết các miếng dán trên thị trường hiện nay đều được quảng cáo là “miếng dán từ tính”, cho phép thao tác lên màn hình cảm ứng, tuy nhiên việc thao tác qua một miếng nilon chắc chắn không thể đạt độ nhạy 100% như khi không sử dụng.
Nhiều hãng điện thoại ngày nay cũng bắt đầu ứng dụng thiết kế màn hình có mép cong, chẳng hạn như bộ đôi iPhone 6/ 6 Plus, Galaxy Note Edge, S6 Edge hay những chiếc Lumia nhằm hướng người dùng đến việc thao tác bằng cách vuốt nhiều hơn. Tuy nhiên nếu sử dụng miếng dán thì sẽ đi ngược lại mong muốn này. Miếng dán thường không thể bao phủ hết màn hình cong, vừa làm xấu màn hình, mà cũng sẽ cản trở thao tác vuốt từ cạnh máy của chúng ta.
Ngoài ra, một vài người yêu thích sử dụng loại miếng dán cường lực vì độ an toàn mà nó mang lại, tuy nhiên miếng dán này khá dày, khiến thao tác trên màn hình cảm ứng không được thật cho lắm.
Thường xuyên phải thay thế, gây tốn kém
Là một trang bị từ bên ngoài nên chẳng ai có thể đảm bảo tuổi thọ cho những miếng dán được. Những miếng dán màn hình thường khá dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động bên ngoài, chẳng hạn như cào xước, va đập hay khi ở trong môi trường nhiệt độ cao. Thông thường sau khi dùng 3-6 tháng là những miếng dãn đã xuống cấp khá mạnh và cần thay thế.
Miếng dán hiện nay có giá từ vài chục đến cả trăm ngàn đồng. Và mỗi năm cần thay thế một vài lần như vậy thì cũng sẽ là một khoản phí không nhỏ.
Miếng dán trở nên khá "vô duyên" trên màn hình cong của Lumia 1020.
Đó là một vài ưu điểm, nhược điểm mà việc dán màn hình mang lại. Nếu bạn cần các tính năng như chống vân tay, chống nhìn trộm hay đơn giản là muốn màn hình điện thoại độc đáo hơn, dán màn hình là điều nên làm.
Tuy nhiên nếu dán màn hình nhằm mục đích chống xước thì hoàn toàn không cần thiết đối với các smartphone hiện nay, ngoài trừ một vài dòng máy giá rẻ sử dụng mặt kính thường. Miếng dán tốn kém, đôi khi lại khiến chiếc máy xấu hơn, và gây khó khăn trong thao tác. Khi đó dán màn hình thực sự là một việc thừa thãi và không nên làm.