Đường hoá học: Mối nguy hiểm và cách nhận biết

12:00, 10/03/2015

Mùa hè sắp đến cũng là lúc các loại đồ ăn, đồ uống ngọt và mát được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên người tiêu dùng cân lưu ý nếu những loại đồ ăn đó được chế biến từ nguyên liệu là đường hoá học.

Đường hoá học là gì?

Chắc hẳn trong chúng ta không ai xa lạ với Đường, loại gia vị cần thiết giúp tạo ra vị ngọt và được dùng trong khá nhiều trong các món ăn, uống, từ bánh kẹo, đồ uống, các món ăn vị thuần vị ngọt cho đến nhiều món có vị mặn nhưng cũng được cho thêm đường nhằm tạo hương vị khác lạ, hấp dẫn và dễ ăn hơn.

Loại đường có trong bếp của các gia đình phần lớn là đường cát, có nguồn gốc tự nhiên (từ mía hoặc củ cải, mật ong) và cho vị ngọt, mát vừa phải.

Bên cạnh đó, còn một loại đường khác có nguồn gốc không tự nhiên, được tổng hợp từ các chất vô cơ, hữu cơ trong nhà máy được gọi là đường hoá học.

Do là chất hoá học được sản xuất theo ý đồ của con người nên đường hoá học cũng có khá nhiều loại, phần lớn đều cho độ ngọt cực cao trong một lượng chất rất nhỏ, chẳng hạn như manitol, acesulfam kali, aspartam, isomalt, saccharin, sorbitol, sucralose. Chúng có dạng viên và thường đóng thành gói lớn.

Các loại đường này có độ ngọt gấp vài chục đến vài trăm lần so với đường cát, thường được sử dụng khi cần chế biến đồ ăn, đồ uống với khối lượng lớn hoặc dành cho những người cần kiêng khem các chất có trong đường tự nhiên.

Lợi, hại của đường hoá học

Là một loại chất hoá học dùng cho mục đích ăn uống thế nên sẽ rất dễ gây ảnh hưởng đến cơ thể người sử dụng, loại đường này có cả những lợi ích lẫn tác hại nếu được sử dụng không đúng cách.

Như đã nói ở trên, đường hoá học là loại chất có tác dụng mạng đến vị ngọt, chúng không có giá trị dinh dưỡng và cũng khó chuyển hoá hơn đường tự nhiên (với thành phần chính là glucose). Chính vì vậy, đường hoá học thường được dùng trong việc điều trị cho các bệnh nhân thừa cân hay mắc bệnh đái tháo đường. Ngoài ra, do độ ngọt cao và chi phí thấp, thế nên đường hoá học cũng được sử dụng trong các quán ăn, các nhà máy chế biến thực phẩm với quy mô lớn nhằm giảm giá thành sản phẩm, dĩ nhiên là khi sử dụng với lượng vừa phải và an toàn với người sử dụng.

Tuy nhiên, khi loại đường này được cung cấp ra thị trường người tiêu dùng, chúng thường bị lạm dụng một cách quá mức hoặc một vài cơ sở sử dụng những loại đường có độ ngọt quá cao, có chứa những chất vượt quá lượng cho phép, có thể dẫn đến khá nhiều tác động tiêu cực đến sức khoẻ người sử dụng.

Một loại đường hoá học có nguồn gốc Trung Quốc. Ảnh: Internet

Một trong những loại đường hóa học bị cấm được sử dụng nhiều nhất là sodium cyclamate. Cyclamate có thành phần chính là aspartame, một chất làm ngọt nhân tạo, bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm và khuyến cáo Cyclamat có thể là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, trong đó có ung thư và tiểu đường.

Cyclamate có độ ngọt cao gấp 500 lần đường mía, nhập khẩu chủ yếu từ biên giới phía Bắc với giá thành và chi phí vận chuyển thấp, mang lại lợi nhuận hấp dẫn.

Ngoài ra, một số loại đường hóa học có tác hại nhất định đến cơ thể con người. Nếu thai phụ thường xuyên ăn nhiều đường hóa học, sẽ gây kích thích niêm mạc đường ruột, suy giảm chức năng tiêu hóa, gây rối loạn tiêu hóa và trở ngại cho sự hấp thụ chất dinh dưỡng, đồng thời có thể gây hại tới chức năng thận.

Đối với trẻ em, đây là lứa tuổi đang cần bổ sung năng lượng và chất dinh dưỡng để phát triển trí não và chiều cao nên việc sử dụng đường hóa học nhiều sẽ kìm hãm sự phát triển của trẻ, thậm chí sinh ra bệnh tật hay suy dinh dưỡng, hoặc trí não không phát triển bình thường... Bên cạnh đó chức năng thải độc của gan, thận của trẻ em đều kém nên các hóa chất này sẽ tích lũy lại. Một số trẻ tự nhiên biếng ăn bởi những chất ngọt “dởm” cản trở khả năng hấp thu protein, sắt, kẽm khiến trẻ chậm lớn.

Ăn phải thực phẩm chứa nhiều đường hóa học có thể gây cảm giác nhức đầu, chóng mặt, ù tai, buồn nôn hoặc có thể dị ứng nếu dùng với số lượng nhiều.

Nhận biết thực phẩm có đường hóa học

Đường hoá học rất dễ hòa tan trong nước, không màu, không mùi nên rất khó phát hiện. Tuy nhiên, khi ăn phải thực phẩm có đường hóa học, thường sẽ cảm nhận được vị ngọt gắt, hơi chát và hơi đắng. Vì vậy, người bán thường dùng thêm đường mía khi chế biến để thực phẩm được ngọt, ngon hơn và đỡ đắng. Đường hóa học tạo vị ngọt lợ sau khi ăn, đặc biệt là khi uống nước lúc nào cũng đọng lại vị ngọt trong miệng.

Nhiều quán phở, quán chè sử dụng đường hoá học cho các sản phẩm bán ra hàng ngày.

Để bảo vệ sức khỏe cho gia đình mình trước thực trạng đường hóa học được buôn bán và sử dụng tràn lan trên thị trường, người tiêu dùng cần sáng suốt trong việc lựa chọn thực phẩm, thức uống hàng ngày. Hạn chế sử dụng thực phẩm bỏ hộp, nước uống đóng chai. Thay vào đó nên ăn những thực phẩm tươi sống, uống nước ép từ trái cây tự nhiên để đảm bảo cho cơ thể vẫn cung cấp đầy đủ năng lượng, dinh dưỡng mà lại an toàn cho sức khỏe.

Techz.vn