Hà Nội xây dựng chuỗi liên kết nông sản an toàn
Để tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng, Hà Nội đã nỗ lực xây dựng các chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn cung ứng ra thị trường.
Thông qua việc sử dụng mã QR Code, người tiêu dùng có thể xác minh quy trình sản xuất, thời gian thu hoạch và các kiểm nghiệm của cơ quan chức năng cho sản phẩm khi lưu thông trên thị trường. Với quy trình khép kín từ sản xuất, đến nơi tiêu thụ thì các chuỗi liên kết nông sản an toàn đang là hình mẫu để kiểm soát chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản an toàn trên thị trường.
Hà Nội đã hợp tác với 43 tỉnh, thành phố trên cả nước để xây dựng, duy trì và phát triển 977 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Hiện nay, việc sản xuất các mặt hàng nông lâm thủy sản của Hà Nội mới đáp ứng khoảng 40-60% nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô với gần 200 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của Hà Nội.
Đồng thời Hà Nội cũng đã hợp tác với 43 tỉnh, thành phố trên cả nước để xây dựng, duy trì và phát triển 977 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm với sự tham gia của 1.130 đầu mối, đáp ứng thường xuyên nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn. Các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi, góp phần ổn định sản lượng, thích ứng với diễn biến nhu cầu thị trường, hạn chế được tổn thất cho người nông dân.
Theo đó, các chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản an toàn đáp ứng đầy đủ quy trình quản lý chất lượng, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm để tiêu thụ qua các bếp ăn tập thể, chuỗi siêu thị và các cửa hàng tiện ích đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, Hà Nội đã xây dựng được hơn 40 nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp như: "Nhãn chín muộn Đại Thành" (huyện Quốc Oai), "gạo thơm Bối Khê" (huyện Thanh Oai), "chuối Vân Nam" (huyện Phúc Thọ), "Vịt Vân Đình" (huyện Ứng Hòa), "Bưởi tôm vàng Đan Phượng)…
Qua việc quét mã QR Code người tiêu dùng có thể xác minh quy trình sản xuất. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Việc sản phẩm đăng ký nhãn hiệu tập thể, được bảo hộ đã có mặt tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài thành phố. Một số sản phẩm đã xuất khẩu sang các nước như: Gạo hữu cơ Đồng Phú (Chương Mỹ), nhãn chín muộn Đại Thành (Quốc Oai)… với giá bán tăng 15 - 20% so với khi chưa có thương hiệu. Ngoài ra, việc xây dựng nhãn hiệu tập thể, thương hiệu không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà giúp các hợp tác xã, nông dân thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang theo chuỗi khép kín, bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành chức năng trong việc giám sát chất lượng nông sản trên thị trường từ gốc.
Gà đồi Ba Vì vốn đã tạo dựng được thương hiệu và khẳng định được chất lượng của sản phẩm, để đưa vào các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích. Từ việc xây dựng được thương hiệu đạt chuẩn OCOP 3 sao, Hợp tác xã chăn nuôi gà đồi Ba Vì đã được thành lập với 13 thành viên với tổng đàn trên 150 nghìn con. Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc HTX chia sẻ, việc chăn nuôi theo chuỗi khép kín khiến hợp tác xã chủ động được kế hoạch sản xuất, thống nhất được quy trình quản lý chất lượng và ứng phó tốt hơn với biến động của thị trường, và có thị trường tiêu thụ ổn định.
Qua xây dựng liên kết chuỗi đã tạo dựng được những thương hiệu được người tiêu dùng biết đến và lựa chọn như sản phẩm vịt cỏ Vân Đình của huyện Ứng Hòa. Từ sản phẩm vịt cỏ, ông Phạm Xuân Thanh, Giám đốc kinh doanh Công ty Tiến Lộc Food cho biết, công ty đã liên kết với người nông dân tập trung phát triển các sản phẩm chế biến sâu như: Chả vịt, vịt hun khói và các sản phẩm đã qua chế biến từ vịt được người tiêu dùng đón nhận rất tích cực.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Siêu thị Big C Thăng Long, quận Cầu Giấy cho hay: Với hệ thống tiêu chuẩn an toàn khắt khe, các sản phẩm khi được tiêu thụ qua hệ thống của siêu thị đã được kiểm soát an toàn, tạo dựng niềm tin cho khách hàng khi mua sắm sản phẩm.
Hiện nay, cùng với việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi của Hà Nội, việc xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ khép kín đang tổ chức lại ngành chăn nuôi, gắn việc sản xuất với thị trường tiêu thụ. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho các sản phẩm nông sản an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng với giá cả hợp lý tương xứng với chất lượng của sản phẩm. Ngoài ra, Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với các tỉnh định kỳ lấy mẫu giám sát phân tích chất lượng nông sản của các tỉnh đưa về Hà Nội tiêu thụ và sản phẩm của Hà Nội đi các tỉnh để truy xuất nguồn gốc thực phẩm, qua đó kiểm soát nguồn gốc nông sản trên thị trường.