Hai chuẩn công nghệ mới đáng xem trong iPhone 5
iPhone 5 của Apple được ra mắt với một loạt các tính năng mới hấp dẫn như bộ xử lý tốc độ cao, màn hình lớn có tỷ lệ 16:09 độc đáo. Tuy nhiên, những công nghệ trên lại không được nhiều người quan tâm nhiều bằng 2 tiêu chuẩn công nghệ mới được Apple đưa vào iPhone là nano-SIM đã thành tiêu chuẩn chung cho các smartphone của hãng khác về sau và kết nối Lightning với 8 pin thay vì kết nối 30 pin xuất hiện từ năm 2003 trên các thiết bị iOS của hãng.
Chuẩn nano-SIM mới
Apple iPhone 5 sử dụng thẻ nano-SIM, một tiêu chuẩn thẻ SIM nhỏ nhất từng thiết kế từ trước cho đến nay và rất có thể đó là chuẩn SIM cuối cùng mà chúng ta thấy trên bất kỳ điện thoại di động trong tương lai.
Chuẩn nano-SIM được sử dụng trong smartphone mới có thiết kế chỉ nhỏ bằng khoảng 2/3 kích thước SIM gốc. Nó gần như quá nhỏ để giữ và chắc chắn đủ nhỏ để lọt tỏm trong túi quần. Mặc dù kích thước nhỏ đi rất nhiều nhưng chức năng cơ bản của nó vẫn không thể thay đổi, bao gồm các mạch điện tử lưu trữ các nội dung mã hóa và hỗ trợ các hoạt động truyền thông.
Để có thể giao tiếp với tiêu chuẩn kết nối GSM đối với một thiết bị di động thì đã có 4 hình thức khác nhau cho phép làm việc với tiêu chuẩn này. Đầu tiên là một thẻ cỡ lớn bằng thẻ tín dụng. Thứ hai là SIM truyền thống chúng ta sử dụng ngày nay. Thiết kế thứ ba giữ lại các thiết kế giống như phiên bản đầu tiên nhưng được cắt tỉa các cạnh là microSIM. Và cuối cùng là một chuẩn nano-SIM có thiết kế nhỏ nhất nhưng đòi hỏi nhiều công việc khó khăn hơn rất nhiều bởi việc thay đổi các bố trí và vị trí các kết nối là tương đối khó khăn.
Một thẻ Subscriber Identity Module (SIM) có chứa một con chip mật mã bên trong có chức năng lưu trữ các thông tin dành cho các chủ thuê bao và được các máy chủ AuC của nhà mạng xác thực thông tin. Trong quá trình xác thực GSM, một số ngẫu nhiên sẽ được mã hóa bằng cách sử dụng khóa đó và phải được giải mã bằng điện thoại để chứng minh các thuê bao đó là chuẩn xác. Trên mạng 3G, quá trình này đảo ngược để chống lại các hoạt động tấn công vào dữ liệu trong khi có thể mã hóa cuộc gọi GSM để tránh bị xâm nhập cũng như để đạt được chứng thực sản phẩm an toàn.
Các chip có chức năng giữ khóa và tạo mật mã, được gán vào mặt trước và phía sau của các điểm tiếp xúc kim loại trên thẻ SIM. Những tấm silicon bao quanh phần tiếp xúc của SIM trước đây được đánh giá là phần thừa không có chức năng làm việc và làm chiếm dụng không gian làm việc của thiết bị. Nano-SIM mỏng hơn nhờ các chip có thiết kế mỏng hơn và kỹ thuật gia công chính xác hơn, do đó một nano-SIM chỉ có kích thước dày 0,67 mm, cùng với đó là kích thước bề rộng 8,8 mm và dài 12,3 mm.
Nó cũng đáp ứng các yêu cầu về tính linh hoạt vật lý mà các đặc điểm kỹ thuật thẻ SIM có được và đáp ứng phần lớn các đặc điểm kỹ thuật của thẻ tín dụng (ISO 7816). Nano-SIM sẽ dễ dàng được giữ trong điện thoại hơn so với các thẻ SIM tiền nhiệm lớn hơn, nhưng kích thước đó không phải là điều thực sự quan trọng.
Thẻ nano-SIM được dựa trên các phần cứng bảo mật tốt hơn nhiều so với các thế hệ SIM trước đó, được chứng thực bởi TrustZone của ARM và Secure Element của Intel. Tuy nhiên, sự thay đổi này cần đến một sự thay đổi trong các tiêu chuẩn GSM mà tất cả các điện thoại hỗ trợ phải đạt được các yêu cầu phù hợp, có điều mọi thứ trong tiến độ này đã được Apple giải quyết thông qua các đề xuất mà hãng đưa ra trong năm 2010.
Đôi điều về kết nối Lightning
Kết nối Lightning được phát hành để thay thế cho kết nối 30 pin truyền thống trên iPod, iPhone và iPad kể từ năm 2003. Cũng giống như tiền nhiệm, Lightning sử dụng để sạc các thiết bị cũng như đồng bộ hóa nội dung và dữ liệu, xuất âm thanh và video. Apple cũng phát hành một cáp USB 2.0-to-Lightning.
Lightning có thiết kế nhỏ hơn 80% so với tiền nhiệm và có tính đảo ngược, vì vậy bạn không cần phải lo lắng về đâu là đầu hoặc đuôi khi kết nối. Apple cũng cho biết rằng nó cung cấp tất cả các tín hiệu kỹ thuật số.
Các thiết bị hiện hỗ trợ Lightning bao gồm iPhone 5, iPod Touch thế hệ thứ 5 và iPod Nano thế hệ thứ 7. Vì nó là một phần của kết nối chiến lược cùng với Thunderbolt của Apple nên nó sẽ được sử dụng làm chuẩn kết nối chung cho các sản phẩm iOS trong tương lai gần, có nghĩa là iPad thế hệ thứ 4 sẽ được hỗ trợ.
Bạn không thể kết nối trực tiếp các cổng 30 pin cũ với Lightning, tuy nhiên một adapter hỗ trợ cho phép bạn sử dụng một phụ kiện hỗ trợ cổng 30 pin kết nối với Lightning. Với adapter này, bạn sẽ nhận được khả năng hỗ trợ âm thanh đầu ra analog, âm thanh USB cũng như đồng bộ hóa và sạc. Tuy nhiên các adapter không hỗ trợ đầu ra video và không phải tất cả thiết bị 30 pin đều được hỗ trợ, do đó bạn cần phải mua phụ kiện mới để sử dụng với iPhone 5 và máy nghe nhạc iPod 2012.
Một adapter 30 pin-to-Lightning được bán với giá 29 USD, trong khi cáp USB 2.0-to-Lightning có giá 19 USD, mức giá có thể xem là khá cao. Bên cạnh đó Apple cũng bán adapter chuyển đổi HDMI và VGA cho Lightning, microUSB-to-Lightning cho thị trường châu Âu. Và tất nhiên trong thời gian tới sẽ có những adapter của bên thứ 3 được bán ra thị trường.
Khi giới thiệu về Lightning, Phó chủ tịch Apple là Phil Schiller cho biết với Lightning, tất cả những gì mà chúng ta sẽ làm bây giờ là kết nối không dây. Trước đó chúng ta đã có thể tận dụng lợi thế của các phụ kiện Bluetooth và tính năng AirPlay. Và đừng quên rằng kết nối 30 pin đã xuất hiện trong khoảng gần một thập kỷ, do đó có thể yên tâm rằng Lightning ít ra cũng tồn tại trong nhiều năm tiếp theo.
Bạch Đằng