Hết thời hoàng kim của Alibaba và các đại gia công nghệ Trung Quốc
Các đế chế công nghệ Trung Quốc như Alibaba, Tencent có thể sẽ đánh mất quyền lực chi phối thị trường khi Bắc Kinh siết chặt kiểm soát hành vi kinh doanh độc quyền.
Theo Bloomberg, chỉ trong một quãng thời gian ngắn, Trung Quốc đưa ra hàng loạt quy định cứng rắn để siết chặt quản lý các tập đoàn công nghệ khổng lồ. Alibaba lĩnh án phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD vì kinh doanh độc quyền, Ant Group buộc phải cải tổ cơ cấu.
Nhà chức trách Bắc Kinh triệu tập đại diện 34 công ty lớn nhất Trung Quốc - bao gồm Tencent và ByteDance - và cảnh báo "đừng bao giờ vượt lằn ranh đỏ của pháp luật". Giới chuyên gia bình luận thông điệp của Bắc Kinh là "thập kỷ bùng nổ của các tập đoàn công nghệ đã chấm dứt".
Từ giờ, Alibaba, Ant Group hay Tencent sẽ không thể ồ ạt mở rộng quy mô kinh doanh với sức mạnh tài chính và nguồn dữ liệu vượt trội. "Việc Ant Group phải cải tổ và Alibaba bị phạt 2,8 tỷ USD cho thấy thời kỳ vàng son của các tập đoàn công nghệ Trung Quốc đã trôi qua", Bloomberg dẫn lời nhà phân tích Mark Tanner của hãng China Skinny (Thượng Hải).
Alibaba bị phạt 2,8 tỷ USD vì vi phạm luật chống độc quyền. Ảnh: CGTV.
Buộc phải thận trọng
"Ngay cả những doanh nghiệp chưa bị đụng đến cũng sẽ phải điều chỉnh lại chiến lược tăng trưởng và thích ứng với môi trường kinh doanh mới”, chuyên gia Mark Tanner nhấn mạnh.
Giới quan sát cho rằng các công ty công nghệ Trung Quốc sẽ phải thận trọng hơn trong chiến lược thôn tính, sáp nhập. Ant Group sẽ phải tách mảng thanh toán trực tuyến khỏi mảng cho vay tiêu dùng và hạn chế hoạt động của quỹ thị trường tiền tệ Yu’ebao. Ngay cả các công ty chưa bị đưa vào tầm ngắm của chính phủ Trung Quốc như Pinduoduo cũng sẽ gặp khó khăn.
Trong một thập kỷ qua, các doanh nhân Trung Quốc như nhà sáng lập Alibaba Jack Ma và Pony Ma của Tencent gây dựng nên những đế chế kinh doanh trị giá hàng trăm tỷ USD trong lĩnh vực bán lẻ, truyền thông, qua đó trở thành hình mẫu của thế hệ doanh nhân mới tại nước này.
Tuy nhiên, các công ty công nghệ Trung Quốc tăng trưởng quá nhanh và ngày càng quyền lực. Thị trường công nghệ Trung Quốc trở thành nơi "thắng làm vua, thua làm giặc".
Ant Group phải hoãn đợt IPO 35 tỷ USD sau khi Jack Ma chỉ trích hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Ảnh: AP.
Các tập đoàn như Alibaba và Tencent ồ ạt thu gom dữ liệu người dùng, mua lại các startup mới nổi, buộc đối tác ký hợp đồng độc quyền... Alibaba và Tencent đã đầu tư hàng tỷ USD vào hàng trăm startup ở Trung Quốc.
"Giọt nước tràn ly" hồi tháng 10/2020 khi Jack Ma chỉ trích hệ thống ngân hàng Trung Quốc là "tiệm cầm đồ" trước thời điểm Ant Group của ông phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO). Ant buộc phải hủy đợt IPO có quy mô 35 tỷ USD và phải cải tổ hoạt động, Alibaba bị điều tra độc quyền. Thời điểm đó, định giá Alibaba sụt giảm 200 tỷ USD.
Thời kỳ bành chướng đã chấm dứt
Sau đó, Tencent lọt vào tầm ngắm của chính quyền Trung Quốc và cũng bị điều tra về hành vi độc quyền trong mảng trò chơi trực tuyến và dịch vụ nhắn tin WeChat. Nguồn tin Bloomberg cho biết Pony Ma đã đến gặp các cơ quan quản lý Trung Quốc để trao đổi về việc tuân thủ các quy định chống độc quyền.
“Thời kỳ bành trướng và phát triển thần tốc đã chấm dứt. Các công ty công nghệ Trung Quốc sẽ bị chính phủ quản lý chặt. Nhóm Big Tech sẽ phải đối mặt thực tế mới, phải hạn chế các mảng kinh doanh không cốt lõi. Án phạt của Alibaba và vụ Ant Group hủy IPO là tấm gương", nhà phân tích Shen Meng của ngân hàng đầu tư Chanson & Co nhận định.
Nhà phân tích Francis Chan của Bloomberg Intelligence cho rằng tương lai của Ant Group đang trở nên mờ mịt sau khi chính quyền Trung Quốc hạn chế sự kết nối giữa dịch vụ thanh toán Alipay với các dịch vụ tài chính khác. Các hạn chế với Yu’ebao cũng đe dọa tăng trưởng của mảng kinh doanh này.
Công ty của Jack Ma sẽ phải xin giấy phép khi kinh doanh trong các mảng tài chính mới. Hãng cũng đối mặt với sự hạn chế ở mọi mảng cốt lõi, từ thanh toán, cho vay tiêu dùng đến quản lý tài sản. Hai dịch vụ cho vay Huabei và Jiebei sẽ bị gói vào một công ty holding mới.
Theo chuyên gia Shen của Chanson & Co, vấn đề lớn nhất với các công ty công nghệ Trung Quốc là theo quy định của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, các công ty thanh toán ngoài ngành ngân hàng, chiếm 50% thị phần giao dịch trực tuyến, sẽ bị điều tra độc quyền.
Nếu công ty bị xác định phạm pháp, Quốc vụ viện Trung Quốc sẽ công bố mức phạt, bao gồm khả năng phân tách công ty đó. "Đây là cơn ác mộng đối với các doanh nhân công nghệ. Mọi công ty đều có thể lọt vào tầm ngắm của cơ quan quản lý", chuyên gia Shen nhấn mạnh.
Theo zingnews.vn