Huy động tổng lực phát triển nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp bán dẫn
Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn phải đồng bộ với phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, gắn với đào tạo về khoa học cơ bản, khoa học chuyên sâu, phù hợp với lộ trình, lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh.
Việc Chính phủ quyết tâm xây dựng và hoàn thiện Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn cho thấy tầm nhìn chiến lược và quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn này. Ảnh: Vietnam+
Đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là “đột phá của đột phá” trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn phải đồng bộ với phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, gắn với đào tạo về khoa học cơ bản, khoa học chuyên sâu, phù hợp với lộ trình, lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng từng nhấn mạnh: “Việt Nam phải ưu tiên đầu tư mạnh mẽ cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là bước đi chiến lược nhằm xây dựng vị thế trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn”.
Tại Thông báo số 369/TB-VPCP, ngày 09/8/2024 về Kết luận Hội nghị thường trực Chính phủ về chuyển đổi số với các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045".
Nhằm hoàn thiện Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 (Đề án) để báo cáo Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý và tổng hợp thêm ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết dự thảo đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan liên quan, bao gồm những nhiệm vụ thường xuyên và các nhiệm vụ gắn với các báo cáo, chương trình, đề án, chính sách, sản phẩm cụ thể nêu rõ cơ quan đầu mối, cơ quan phối hợp và thời hạn hoàn thành nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2030, nhân lực ngành bán dẫn Việt Nam tham gia vào quy trình thiết kế các vi mạch bán dẫn đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường; tham gia vào các công đoạn đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn; tham gia làm việc và từng bước nắm bắt được công nghệ trong công đoạn sản xuất bán dẫn; và Việt Nam đào tạo được ít nhất 50.000 kỹ sư, cử nhân phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị.
Đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là “đột phá của đột phá” trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: phutho.gov.vn